Tăng cường khả năng chống hạm
Lo lắng về sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Hải quân Mỹ đang tích cực mua tên lửa chống hạm mới và đề ra chiến lược chiến tranh mới của họ ở Thái Bình Dương.
Đó là nhận xét của nhà báo Dan De Luce, chuyên về an ninh quốc gia của trang mạng Chính sách Đối ngoại (Mỹ). Trong bài bình luận với tiêu đề: “Hải quân Mỹ muốn cho Trung Quốc thấy ai là ông chủ” trên trang này, ông Luce đưa ra một số bình luận sau:
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ là lực lượng thống trị trên biển, không có lực lượng hải quân nào trên thế giới có khả năng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng với họ.
Nhưng trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ cần được tính đến.
Họ chi hàng chục tỷ USD mỗi năm để sản xuất hàng chục tàu chiến mới ở mọi kích cỡ, và một kho vũ khí tên lửa đáng gờm nhằm thu hẹp khoảng cách với hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ đang tăng cường cải tiến các tên lửa chống hạm. Ảnh: FP
Nga cũng đã bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình trên biển sau một thời gian dài suy giảm, khi mới đây họ đã phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm lớp Kilo mới tiêu diệt các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Các mối đe dọa đang nổi lên từ Trung Quốc nói riêng đã khiến các chỉ huy hải quân Mỹ buộc phải đánh giá lại chiến lược chiến tranh của họ và phải vội vàng tìm kiếm loại tên lửa chống hạm mới cho các tàu nổi.
Lầu Năm Góc có kế hoạch cải tiến các tên lửa hiện có mà ban đầu đã được thiết kế cho mục đích khác, bắt đầu với tên lửa Tomahawk, mà theo truyền thống được sử dụng để chống lại các mục tiêu cố định trên đất liền.
Các sĩ quan hải quân cũng thừa nhận rằng Mỹ không còn có thể tránh thương vong đáng kể trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Do đó, chiến lược chiến tranh cũ đang được thay thế bởi một kịch bản trong đó lực lượng Mỹ di chuyển nhanh và "tàng hình" hơn khi chống lại một kẻ thù mà không nhất thiết phải đạt được thắng lợi hoàn toàn.
Là một phần của cách tiếp cận mới, các quan chức quốc phòng đang tập trung vào việc đảm bảo quyền tiếp cận các căn cứ không quân nằm rải rác trên các đảo hẻo lánh ở Thái Bình Dương.
Điều này nhằm giảm sự tổn thương của các căn cứ lớn nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Tên lửa SM-6 được phóng từ tàu chiến USS John Paul Jones của Mỹ, nó có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo trong hành trình bay giai đoạn 2. Ảnh: MDA
Lần gần đây nhất Hải quân Mỹ đánh chìm tàu khác là vào năm 1988. Khi đó, tàu khu trục lớp Perry USS Simpson đã đánh chìm một tàu chiến Iran 4 ngày sau khi một quả mìn của Iran tấn công tàu Mỹ ở vùng Vịnh Ba Tư.
Tàu USS Simpson đã được cho "nghỉ hưu" vào tháng 9 năm ngoái.
Kể từ sự kiện trên, trong những năm qua, Mỹ đã phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại, máy bay không người lái, thiết bị cảm biến, máy bay chiến đấu mới, và các phần cứng quân sự khác.
Nhưng Hải quân Mỹ vẫn duy trì tên lửa chống tàu Harpoon vốn lần đầu tiên xuất hiện năm 1977.
Các sĩ quan quân đội Mỹ cho rằng những tàu chiến Trung Quốc có thể bắn hạ hoặc vượt trội hơn tên tửa Harpoon đang "lão hóa" trong một cuộc xung đột, và rằng các vũ khí tinh vi hơn là rất cần thiết để giúp Mỹ có một đối trọng đáng tin cậy.
Kết quả là, Hải quân Mỹ đang đẩy mạnh vũ trang cho cho các tàu nổi và tàu ngầm của họ với các tên lửa chống tàu hiệu quả hơn, tầm bắn xa hơn - và có khả năng chống lại các biện pháp đối phó công nghệ cao của đối phương tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu của Mỹ đã thử nghiệm cải tiến tên lửa Tomahawk vào đầu năm nay để xem nó có thể bắn trúng một mục tiêu di động trên biển hay không, và vụ thử nghiệm đã thành công.
Người phát ngôn Hải quân Mỹ Robert Myers cho biết họ có kế hoạch triển khai loại vũ khí này trong vài năm tới.
Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng nâng cấp một loại vũ khí mới khác, Tên lửa Chống tàu Tầm xa, được thiết kế để phóng từ máy bay. Các lựa chọn khác bao gồm một tên lửa tấn công hải quân do Na Uy chế tạo, hoặc tên lửa phòng không hiện đại SM -6.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng chiến lược ngày càng leo thang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nhà chỉ huy quân sự Mỹ dường như xác định phải chiếm ưu thế trước quân đội Trung Quốc.
Nhu cầu cấp thiết của họ là phải trang bị cho các tàu nổi của Mỹ để có hỏa lực mạnh hơn - thay vì dựa chủ yếu vào các tàu sân bay và tàu ngầm để phát động một cuộc tấn công.
Điều này được thể hiện qua một khẩu hiệu lan truyền không chính thức giữa các sĩ quan hải quân cấp cao: "Nếu nó nổi, nó chiến đấu".
Phó Đô đốc Thomas Rowden, Tư lệnh Lực lượng tàu nổi của Hải quân Mỹ, đang kêu gọi bổ sung sức mạnh tấn công nhiều hơn cho các hạm đội, trong đó có thể vũ trang cho tàu hậu cần vốn không được trang bị vũ khí.
Theo ông Rowden, bằng cách triển khai các tên lửa mới có thể tấn công tàu địch, kẻ thù "sẽ thức tỉnh và thay vì chỉ lo lắng về tàu sân bay hoặc ngư lôi từ tàu ngầm, giờ đây họ phải lo lắng về tất cả các tàu nổi".
Đón xem Kỳ 2: Học thuyết tác chiến mới