Tàu sân bay Liêu Ninh - được hộ tống bởi 4 tàu khu trục và 1 tàu hậu cần - đã trở về căn cứ trên đảo Hải Nam hôm 1-1, sau 37 ngày thử nghiệm trên biển Đông. Hãng tin Tân Hoa Xã gọi chuyến thử nghiệm là thành công, đạt được mục tiêu thử nghiệm hệ thống chiến đấu và luyện tập đội hình tác chiến.
Sự cố duy nhất là một tàu hộ tống của Liêu Ninh suýt đụng độ với tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ hôm 5-12.
Vụ việc đồng thời hé lộ Mỹ theo rất sát tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Theo báo cáo đăng trên trang Strategy Page hôm 7-1, hải quân Mỹ đặc biệt quan tâm đến chuyến thử nghiệm của Liêu Ninh vì đây là lần đầu tiên tàu sân bay này diễn tập trong đội hình chiến đấu. "Trong thời gian thử nghiệm có một số ngày thời tiết xấu. Cách tàu Trung Quốc phản ứng trong điều kiện bất lợi sẽ chỉ ra khả năng chiến đấu của nó” - báo cáo viết.
Để giám sát Liêu Ninh lần vừa rồi, hải quân Mỹ đã huy động chiến đấu cơ, hệ thống vệ tinh và các tàu ngầm. Thu thập thông tin trên mặt biển là nhiệm vụ của USS Cowpens. Lúc suýt xảy ra va chạm, USS Cowpens đang quan sát tàu Liêu Ninh từ khoảng cách 40 km.
Theo Strategy Page, Liêu Ninh được hộ tống bằng những tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc nhưng cách bố trí đội hình lại tương tự những gì Mỹ đã làm hơn 60 năm qua. Hiện một nhóm tàu sân bay của Mỹ bao gồm 3-4 tàu khu trục lớn, 1-2 tàu khu trục nhỏ, 1 tàu ngầm hạt nhân (SSN) và 1 tàu hậu cần. Các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc còn ít và chưa tốt nên chưa được thêm vào đội hình của Liêu Ninh lần này.
Riêng về tàu hậu cần, Trung Quốc sử dụng tàu loại 903 mới được đóng năm 2004. Con tàu nặng 23.000 tấn này khá giống tàu hậu cần T-AKE mà Mỹ đang sử dụng nhưng nhỏ hơn gần phân nửa (tàu T-AKE nặng tới 40.000 tấn).