Cụ thể, Không quân Ấn Độ (IAF) đã huy động các chiến đấu cơ cất cánh sau khi các radar báo tín hiệu cho thấy có một sự xâm nhập bất hợp pháp không phận Ấn Độ dọc khu vực biên giới bang Gujarat. Tuy nhiên, ngay khi các máy bay xuất kích, những “kẻ xâm nhập” này đã biến mất trên radar, để rồi lại tái xuất hiện khi phi đội máy bay đi khỏi.
Vấn đề này đã làm đau đầu các quan chức của Ấn Độ trong nhiều tuần trước khi họ phát hiện ra rằng những “kẻ xâm nhập” nói trên hóa ra chỉ là những bầy chim di cư. Sự cố này được hãng tin Indian Express đăng tải, trích dẫn một báo cáo của IAF rằng “Trong thời gian từ tháng 12/2012-2/2013, các radar đã phát hiện ra những mục tiêu tiềm tàng là những vật thể di chuyển chậm ở độ cao từ 4-6km và tốc độ cũng thay đổi từ 100-250km/h”.
Tuy nhiên, những chú chim này đủ nhanh để biến mất khỏi radar khi chúng lợi dụng những cơn gió mạnh cuối mùa trong vùng. Khi tốc độ bay của chúng tương đương với các UAV, IAF đã bắt đầu tiến hành điều động các chiến đấu cơ xuất kích, đồng thời ra lệnh báo động cao đối với các máy bay khác.
Không lâu sau vụ “xâm nhập” này, các quan chức đã yêu cầu những khu bảo tồn chim tại địa phương báo cáo chi tiết về sự di trú của các loài chim trong khu vực Gujarat để kiểm tra. Các chuyên gia đã khẳng định rằng những "kẻ xâm nhập" nói trên chỉ là những chú chim. Sau đó, các quan chức IAF cũng đã bắt đầu theo dõi các tuyến di cư của những loài chim khác trong vùng để có những bước xử lý phù hợp.
Bang Gujarat là khu vực có một trong những căn cứ không quân quan trọng nhất của Ấn Độ và nó được đặt liền kề khu vực biên giới nhạy cảm với nước láng giềng Pakistan.