Kỳ 1: Phi vụ đầu tiên ở Trường Sa
Đây là vụ mất cắp máy bay hi hữu, dẫn đến một “vụ án tản thất quân dụng” trong quân đội Sài Gòn lúc đó.
Giờ hành động
Đầu tháng 5-1972, Hồ Duy Hùng được gọi vào căn cứ ở vùng Sở Cốt (Trảng Bàng, Tây Ninh) để gặp cấp trên.
Đó là một cuộc gặp gỡ bí mật vào ban đêm.
Hùng được một người không biết mặt, chỉ nghe giọng nói, tự giới thiệu là Ba Tú, giao nhiệm vụ tuyệt mật: đánh cắp một chiếc máy bay để kêu gọi phản chiến, hỗ trợ chiến dịch Nguyễn Huệ.
Sáng hôm sau, Hùng trở lại Sài Gòn, rồi đi một số nơi mà trực thăng thường đến trực cấp cứu hoặc hạ cánh như Phan Thiết, Quy Nhơn, bãi đáp máy bay ở sân vận động Buôn Ma Thuột...tìm cơ hội thực hiện nhiệm vụ.
Chuyến đi này bất thành vì không có cách nào vào sân bay có lính gác.
“Tôi nghĩ chỉ còn cách lấy máy bay ở sân bay dã chiến hoặc chỗ nào máy bay thỉnh thoảng hạ cánh”.
Sau đó phát hiện có người theo dõi, Hồ Duy Hùng lập tức rút lên Đà Lạt.
Ở được một thời gian ngắn, anh lánh ra Phan Rang đi đốt than để tránh mật thám.
Được vài tháng, Hùng được lệnh của cấp trên yêu cầu phải vào khu gấp vì đang bị truy bắt!
Giữa tháng 10-1973, Hồ Duy Hùng chủ động đề xuất với ông Năm Hà (Lê Nam Hà, phó ban quân báo, khi này là người trực tiếp phụ trách anh) kế hoạch: quay trở ra, lấy cắp một chiếc trực thăng bay về căn cứ!
“Đó là một đề xuất rất mạo hiểm, không chỉ là tình huống không may bị địch bắt” - ông Năm Nhưỡng, phó ban quân báo, nhận xét.
Bởi Hùng mới có gần 400 giờ bay tích lũy, tính cả thời gian huấn luyện ở trường!
Với phi công, giờ bay tích lũy như thế chỉ mới là con chim non nớt. Phi công giỏi phải trên 1.000 giờ bay.
Hơn nữa, anh đã dừng bay trên 2 năm 8 tháng, một thời gian gián đoạn quá dài, gấp 10 lần cho phép!
“Tôi vẫn quyết định thực hiện lại nhiệm vụ này dù biết rất khó khăn và vô cùng nguy hiểm”, ông Hùng giải thích.
9g30 sáng 7-11-1973, bầu trời Đà Lạt vẫn mù sương.
Trên con đường dốc gần hồ Xuân Hương, một thanh niên chừng 25 tuổi, choàng áo pardessus xanh đen của phi công, đi giày đen, đội mũ lưỡi trai đen, đeo kính Pilot, vội vã bước những bước rất nhanh về bãi đất trống sát bờ hồ.
Đó là Hồ Duy Hùng. Chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 đang đậu gần đấy. Hùng đảo mắt nhìn xung quanh.
Bên kia hông trực thăng là chốt gác có mấy tay nhân dân tự vệ. Anh vòng lên đầu ra phía đuôi máy bay. Nếu có ai đó nhìn từ ngoài đường vào, phía này sẽ được che khuất bởi máy bay.
“Mình sẽ lấy được chiếc UH-1 này nếu nó còn đủ xăng và điện”, Hùng nhớ lại cảm giác lúc đó.
Anh bình tĩnh mở cửa trước máy bay, leo vô buồng lái. Lượng xăng còn đủ để bay được khoảng 105 phút.
Bật công tắc bình ắcquy, đủ để nổ máy. Kiểm tra nhiên liệu và điện xong, người thanh niên leo xuống đóng cửa lại, quan sát xung quanh và dọc con đường lên chợ Đà Lạt.
Trong khoảng cách gần 300m, không thấy có người theo dõi, cũng không thấy phi hành đoàn. Chỉ có một đứa bé chừng 10 tuổi đang tò mò đến gần chiếc máy bay, mở đôi mắt trẻ con to tròn ngắm nhìn!
“Phải hành động thật nhanh, chỉ sợ đám an ninh đột ngột xuất hiện hoặc phi hành đoàn bất ngờ trở lại”, Hùng quyết định trong sự hồi hộp.
Anh nhanh chóng tháo dây buộc cánh máy bay khỏi đuôi, rồi leo lên buồng lái, gấp rút thực hiện những thao tác khởi động động cơ.
Từ hôm trước khi đề xuất nhiệm vụ đầy táo bạo và nguy hiểm này, anh đã cố nhớ lại hết các động tác khởi động và cất cánh chiếc UH-1, nhưng lúc này anh như một thí sinh sắp hết giờ...
Thời điểm này một giây cũng là vàng. Không dám chần chừ, anh quyết định nổ máy theo điều kiện khẩn cấp, chỉ mất 40 giây.
Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ rất căng thẳng. Phải giữ đồng hồ chỉ nhiệt độ động cơ ở vạch vàng, chỉ cần qua vạch đỏ 3 - 5 giây sẽ bị cháy động cơ ngay lập tức! Người thanh niên căng mắt nhìn đồng hồ nhiệt độ và giữ tay ga đúng 40 giây, rồi kéo cần điều khiển.
Chiếc UH-1 cất cánh khỏi bờ hồ Xuân Hương...
Đánh cắp “Ngọc hoàng”, đưa về “Thượng đế”
Hồ Duy Hùng đã có mặt ở Đà Lạt 7 ngày để “săn tìm” trực thăng theo kế hoạch đã đề xuất. Thời gian cấp trên cho Hùng thực hiện nhiệm vụ này là hai tháng.
Nếu sau hai tháng không lấy được, Hùng phải ra ngay chiến khu vì anh đang bị an ninh quân đội Sài Gòn săn lùng khắp nơi.
“Anh em đã bàn tính rất kỹ, rất cẩn trọng trước khi để Hùng hành động. Đã vào hang bắt cọp thì chuyện mất còn dễ như chơi. Nhưng chúng tôi tin Hùng sẽ làm được dù rất khó khăn, nguy hiểm!” - ông Năm Nhưỡng, một lãnh đạo của Hồ Duy Hùng, nhớ lại.
“Buổi sáng hôm ấy, khi chạy xe gần tới nhà người cô ở đường Thái Phiên thì tôi nghe tiếng máy bay trực thăng hạ cánh phành phạch xuống bờ hồ Xuân Hương - Hồ Duy Hùng nhớ lại.
"Hôm nay trời mù lại nhiều mây như thế này mà sao vẫn có máy bay đến? Tôi khá ngạc nhiên vì trực thăng không hạ cánh xuống được sân bay dã chiến trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như thế.
Có lẽ do thời tiết quá xấu nên các phi công chiếc UH-1 này phải đáp xuống đây để chờ trời tốt lên”.
Anh vội vàng quay về trả xe cho người cô, chỉ kịp nói: “Nếu con không về là con đi luôn nghe cô”, rồi tức tốc xuống bến xe trước chợ Đà Lạt trong bộ quần áo rất... pilot.
“Trước đó hai tháng, chúng tôi đã thống nhất hai phương án: đánh cắp hoặc cướp máy bay nếu có bảo vệ. Kế hoạch lúc đầu chỉ có một mình Hồ Duy Hùng hành động. Nhưng sau đó nhận thấy phải có thêm một người hỗ trợ để khi cần, một người khống chế lực lượng bảo vệ để người còn lại lấy máy bay. Hùng chọn Tư Đen”, ông Năm Nhưỡng cho biết.
Tư Đen tên thật là Hoàng Đôn Bảnh, một chiến sĩ tình báo, khoảng 20 - 22 tuổi, rất gan dạ, chuyện gì cũng dám làm. Và Tư Đen đã có lúc làm nhân viên kỹ thuật máy bay trực thăng ở sân bay Biên Hòa.
Họ hẹn nhau 8g sáng 30-10-1973 ở quán phở Tùng - một quán phở khá nổi tiếng ngày đó - nằm sau bến xe nhỏ của Đà Lạt. Nhưng Tư Đen không đến.
Rồi đến ngày 1 và 2-11, Hồ Duy Hùng vẫn đến điểm hẹn ở phở Tùng và cà phê Ngọc Lan nhưng không gặp được Tư Đen.
Sau này anh mới biết Tư Đen bị phục kích ở bàn đạp (vùng đệm giữa vùng giải phóng và tạm chiếm) nên ra trễ mất ba ngày.
Không có Tư Đen, Hồ Duy Hùng vẫn quyết thực hiện nhiệm vụ một mình.
“Theo bàn bạc, Hùng sẽ bay thật thấp để tránh rađa địch theo dõi và tránh súng phòng không, súng bộ binh của ta khi bay qua vùng giải phóng" - ông Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên kỹ thuật điện đài của ban quân báo, kể.
"Hùng sẽ dùng tần số FM của máy thu phát trên trực thăng gọi về máy PRC 25 của bộ phận trinh sát kỹ thuật điện đài ở nhà (vùng giải phóng). Mật danh để gọi ở nhà là “Thượng đế”, máy bay là “Ngọc hoàng”. Thời gian trực máy từ 10g - 15g hằng ngày”.
Đường bay từ Đà Lạt về đến điểm hẹn bí mật dài 235km, thời gian bay khoảng 90 phút nếu không có gió lớn.
Nhưng thực tế việc đưa chiếc UH-1 về vùng giải phóng là một hành trình đầy rẫy chết chóc, nhất là 15 phút đầu tiên trên không đầy kịch tính...
(Còn tiếp)