Theo đó, ngân sách quốc phòng 3 nước này đều gia tăng, dẫn đến khả năng có thể làm châu Âu rơi vào vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.
Theo số liệu mới được công bố, Chính phủ Đức mới đây đã thông qua quyết định sẽ gia tăng ngân sách quân sự năm 2016 thêm 4,2% so với ngân sách quân sự năm 2015.
Theo đó, ngân sách quân sự Đức năm 2016 sẽ tăng từ 32,947 tỷ Euro (năm 2015) lên thành 34,366 tỷ Euro và đến năm 2019, con số này sẽ lên đến 35,176 tỷ Euro.
Giải thích quyết định tăng ngân sách quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố rằng việc đảm bảo an ninh “đòi hỏi phải đầu tư và Đức sẽ tuân theo quy luật này”.
Về mặt trang bị, giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức trong năm 2015 đã tuyên bố rằng sẽ vẫn tiếp tục sử dụng 100 xe tăng Leopard-2 (kế hoạch cũ là xóa khỏi trang bị) và đến năm 2017 sẽ tiến hành đại tu tổng thể lô xe tăng này.
Ngoài ra, Đức còn có kế hoạch tiếp nhận các loại xe bọc thép tác chiến mới thay thế cho các mẫu xe Marder đã lạc hậu và Đức cũng sẽ tự nghiên cứu, chế tạo các mẫu vũ khí mới.
Gần như đồng thời với Đức, Anh cũng công bố kế hoạch gia tăng ngân sách quân sự năm 2016.
Đầu tháng 7/2015, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborn tuyên bố rằng Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận về việc từng bước gia tăng ngân sách quân sự thêm 0,5% mỗi năm.
London cũng quyết định sẽ không cắt giảm số lượng binh sỹ của Quân đội Hoàng gia Anh và vẫn giữ nguyên ở mức cũ.
Tiêm kích Rafale của Pháp.
Về phía Pháp, sau các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 13/11/2015 khiến hơn 130 người chết, Pháp tuyên bố sẽ gia tăng đáng kể ngân sách quân sự để đảm bảo an ninh.
Theo Tổng thống Pháp F.Hollande, trong vòng 4 năm tới, ngân sách quân sự Pháp sẽ gia tăng thêm 3,8 tỷ USD.
Một lượng lớn kinh phí từ số tiền tăng thêm cho quốc phòng sẽ được sử dụng để mua thêm 9 máy bay ném bom-tiêm kích Rafale, các máy bay vận tải, 5 trực thăng vũ trang Tiger, 1 tàu khu trục, các hệ thống tên lửa cho tàu ngầm “Barrakuda”, cũng như các máy bay không người lái chuyên dụng có khả năng dò tìm, phát hiện mìn.
Mặc dù nền kinh tế Pháp hiện đang ở trong giai đoạn có nhiều vấn đề nhưng Quốc hội Pháp vẫn ủng hộ đề xuất của Tổng thống F.Hollande về sự cần thiết phải gia tăng ngân sách quân sự.
Trực thăng vũ trang Tiger.
Theo nhận định của Ruslan Pukhov, việc 3 cường quốc lớn nhất châu Âu đồng loạt gia tăng ngân sách quân sự một phần nào đó là do Nga đang đẩy mạnh các hoạt động nâng cao tiềm lực quân sự của mình.
“Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, các quốc gia này (Anh, Pháp, Đức) là những nước hưởng lợi từ “chiến tranh lạnh” khi Nga không phải là đối thủ thực sự của châu Âu.
Ngoài ra, các quốc gia này cũng tiết kiệm các khoản chi cho quốc phòng để thực hiện các mục đích an sinh xã hội khác.
Việc các nước này phải gia tăng ngân sách quân sự là do họ cho rằng cần phải sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa về quân sự từ Nga.
Với tâm lý công khai chống Nga như các nước Baltic và Ba Lan, châu Âu cho rằng luôn cần phải tự bảo vệ khỏi mối đe dọa Nga”- Ruslan Pukhov bình luận.
Nguyên nhân thứ hai khiến các quốc gia này “chấm dứt kỷ nguyên tiết kiệm chi tiêu quân sự”, theo Ruslan Pukhov, là do tình hình bất ổn ở Trung Đông khi IS gia tăng các hoạt động khủng bố, đồng thời thường xuyên công bố các đoạn băng video về chặt đầu tù nhân lên các phương tiện truyền thông.
Còn theo Boris Kagarlitski, Giám đốc Viện toàn cầu hóa và các phong trào xã hội Nga, việc các nước châu Âu gia tăng ngân sách quân sự là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Xét từ quan điểm của các nước phương Tây, thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn hơn và đang ngày càng có nhiều thách thức như tình hình bất ổn ở Trung Đông, IS, bất ổn ở Ukraine khi Nga gia tăng các hành động “hiếu chiến”.
Mặc dù thống nhất gia tăng ngân sách quân sự nhưng vẫn có các cuộc tranh cãi trong nội bộ Anh, Pháp, Đức xung quanh vấn đề này.
Theo Thủ lĩnh phe Công đảng Anh Jeremy Corbyn, cải cách cần phải thực hiện theo hướng tái cấu trúc lại ngân sách quân sự chứ không phải gia tăng về số lượng ngân sách quân sự.
“Theo quan điểm của Jeremy Corbyn, thay cho việc chi tiêu vào vũ khí hạt nhân, điều cần thiết phải tăng cường mạnh mẽ chi phí cho các lực lượng chống khủng bố và các lực lượng khác có liên quan đến việc đảm bảo an ninh xã hội”- Boris Kagarlitski nhận định.
Hiện nay, Quân đội Pháp được coi là mạnh hơn so với Quân đội Anh và Đức.
Theo các tiêu chí của châu Âu, Quân đội Pháp có lực lượng Hải quân hùng mạnh, trong đó có tàu sân bay hạt nhân lớn nhất châu Âu Chales de Gaulle, sở hữu vũ khí hạt nhân và được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại khác.
Trong khi đó, Quân đội Đức vẫn đang bị nhiều hạn chế do tàn tích từ thời Chiến tranh Thế giới lần 2 để lại, còn Quân đội Anh đã cắt giảm đáng kể quân số sau năm 2010 vì chính sách chung trong việc tiết kiệm chi tiêu cho quân đội.