Theo một bài viết được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo ngày 12/11, Zhang Jigao, người phụ trách thiết kế máy bay chiến đấu J-10 đã lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí cho biết về khả năng của loại chiến đấu cơ được xem là “con cưng” của Không quân Trung Quốc này.
Nhà thiết kế cho biết, đặc tính khí động học, hiệu quả chiến đấu của máy bay đã được cải thiện đáng kể. Hình ảnh đầu tiên của mô hình nâng cấp J-10B xuất hiện lần đầu tiên trên Internet vào tháng 3 năm 2009. Theo Zhang, trong 5 năm qua, chiếc máy bay đã thu hút sự chú ý lớn của người quan tâm đến lĩnh vực hàng không quân sự và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới.
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc.
Chuyên gia về lực lượng vũ trang Trung Quốc, Richard Fisher gần đây cho rằng, J-10B là một thành viên của gia đình máy bay tiêm kích thế hệ 4.5, được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại và hệ thống radar tiên tiến sẽ sớm có mặt trong biên chế của không quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, Zhang Jigao không đồng ý với thuật ngữ "thế hệ 4.5" và cho rằng không nên phân chia máy bay thành các thế hệ khác nhau. Ông nhấn mạnh rằng trong chiến tranh hiện đại, "một chọi một" là hiếm khi xảy ra, và trong hầu hết các trường hợp, sự thành công sẽ phụ thuộc vào tính hiệu quả của việc sử dụng các hệ thống chiến đấu của máy bay. Theo ông Zhang, việc hiện đại hóa máy bay chiến đấu J-10 sẽ vẫn được tiếp tục.
Có thể nói, trong số các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay, J-10 là máy bay do chính Trung Quốc tự thiết kế sản xuất mặc dù động cơ vẫn phải nhập khẩu từ Nga. Vì vậy nó có thể được xem là đứa con cưng của Không quân Trung Quốc, bởi J-15, hay J-11 dù hiện đại đến máy thì cũng đều là các máy bay nhái Su-27, Su-33 của Nga còn Su-30MK2, nhưng tiêm kích đa năng hiện đang có mặt trong biên chế Không quân nước này cũng là do Moscow cung cấp.
J-10B tỏ ra thích hợp với các màn nhào lộn trên không.
Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành nâng cấp J-10 và biến thể J-10B "thế hệ 4.5" được xem là biến thể hiện đại nhất của dòng chiến cơ "made in China" này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những cải tiến được thực hiện trên J-10B lại vô hình trung biến nó thành một máy bay nhào lộn chứ không phải là một chiến cơ thực thụ như thiết kế trưởng Zhang vẫn tự hào.
Trong biến thể J-10B, nhà sản xuất đã loại bỏ cửa hút khí kiểu cũ để thay thế bằng kiểu cửa hút khí khuếch tán siêu âm (DSI). Kiểu thiết kế này giúp cho máy bay có khả năng thao diễn tốt với tốc độ cao, song lại khiến J-10B kém ổn định và yêu cầu càn phải có phần mềm điều khiển bay phức tạp.
Một vấn đề khó khăn nữa mà J-10 phải là là máy bay vẫn phải sử dụng động cơ nhập khẩu từ Nga, khiến cho triển vọng xuất khẩu loại chiến cơ này không mấy sáng sủa. Chắc chắn rằng trong nhiều năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung động cơ từ Nga mặc dù nước này đã cho ra mắt các động cơ nội địa mang tên Thái Hành để trang bị trên các máy bay J-10 và J-11, nhưng độ tin cậy cũng như tuổi thọ của động cơ này quá kém nên chính người Trung Quốc cũng đã không tin tưởng sử dụng chúng.
J-10 là loại máy bay tiêm kích đa năng hạng nhẹ một động cơ, có thể thực hiện được tất cả nhiệm vụ đối không, đối đất trong mọi điều kiện thời tiết. Máy bay được thiết kế bởi Viện thiết kế máy bay Thành Đô và được sản xuất bởi Tập đoàn hàng không Thành Đô.
J-10 chính thức phục vụ trong quân đội Trung Quốc từ năm 2004 với hai phiên bản J10 và J10S. Tháng 2/2009, Trung Quốc đã công bố phiên bản J-10B được cho là có rất nhiều cải tiến so với nguyên mẫu J-10.
Tiêm kích J-10 được trang bị một khẩu pháo Type-23 hai nòng 23 mm tốc độ bắn 3.000 đến 3.400 phát/phút và có khả năng mang được 4.500 kg vũ khí gồm các loại tên lửa, bom… trên 6 giá treo vũ khí dưới cánh và 5 giá treo vũ khí dưới thân.