Nga tố Mỹ-NATO vi phạm các hiệp định hạt nhân
Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov, Giám đốc Học viện Các vấn đề địa chính trị Nga đã dành cho Ria Novosti một cuộc trò chuyện về vấn đề Mỹ triển khai bom hạt nhân thế hệ mới B-61-12 ở Đức, nhằm vào Liên bang Nga.
Mới đây, kênh truyền hình Đức ZDF dẫn nguồn từ tài liệu ngân sách Hoa Kỳ thông báo về việc chuẩn bị bố trí bom hạt nhân Mỹ loại mới B-61-12 tại căn cứ không quân Buchel trên địa bàn Liên bang Đức, thuộc vùng Rhineland-Palatinate.
Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận về thông tin trên, nhưng trong cuộc phỏng vấn của "Sputnik", đại diện của Lầu Năm Góc nói rằng Hoa Kỳ không vi phạm điều khoản cam kết nào về vũ khí hạt nhân.
Đáp lại, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân mới ở Đức sẽ phá vỡ thế cân bằng lực lượng chiến lược ở châu Âu và tạo ra căng thẳng, buộc Nga phải thi hành những động thái đáp trả để khôi phục tính cân bằng.
Theo ông Sivkov, Nga có thể đáp trả việc triển khai bom hạt nhân của Mỹ ở Đức bằng "hàng rào phòng thủ hùng mạnh trên không", đầu đạn hạt nhân dành cho tổ hợp chiến thuật "Iskander" và gia tăng cơ số tên lửa hành trình dành cho máy bay tầm xa.
Theo lời vị chuyên gia quân sự Nga, hành động của phía Mỹ không phải cái gì mới mẻ và bất ngờ, bởi cách đây hai năm Hoa Kỳ đã thông qua chương trình hiện đại hóa không quân chiến thuật cho năm quốc gia NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mục đích của kế hoạch này là nhằm nâng cấp cho họ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, để tăng cường khả năng tấn công hạt nhân của khối NATO, tạo sự cân bằng lực lượng với Nga. Theo kế hoạch, công việc này sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2018.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, hiện Moscow lên tiếng đã là hơi muộn, lẽ ra cần phải đáp trả sớm hơn, khi NATO chỉ có các loại bom thông thường.
Ông đặt câu hỏi là “tại sao Nga không tỏ thái độ ngay khi người Mỹ thông qua chương trình tái trang bị máy bay cho các quốc gia phi hạt nhân”?
“Mỹ và NATO mới chính là những nước vi phạm các hiệp định an toàn hạt nhân.
Đức là nước bị cấm không được có trang bị hạt nhân quân sự, nhưng bây giờ lại tiếp nhận và sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ? Cần hiểu điều đó như thế nào?" - chuyên viên Sivkov nêu câu hỏi.
Chuyên gia Nga bày kế đáp trả Mỹ
Ông Sivkov cho rằng, cách duy nhất Nga có thể đáp trả một cách tương xứng là tái trang bị cho "Iskander" các đầu đạn hạt nhân; tăng cường hàng rào phòng thủ trên không bằng các tiêm kích chiến thuật hiện đại, có khả năng đánh chặn tầm xa để triệt tiêu các mối nguy hiểm ngay từ biên giới.
Nga cần chuẩn bị đủ cơ số tên lửa dành cho máy bay tầm xa của không quân chiến lược; nâng cấp hiện đại hóa các máy bay Tu-22M3 bằng việc lắp đặt tên lửa hành trình tầm xa hạng nặng X-555 (Kh-555), các tên lửa tương tự như phiên bản tên lửa hành trình "Granat" của hải quân.
Bằng những biện pháp như vậy, Nga có thể sẽ tạo ra sự "đe dọa hạt nhân" qui mô, tạo ra đối trọng hạt nhân với Mỹ và NATO - chuyên viên khoa học quân sự cao cấp Sivkov nói với đại diện RIA Novosti.
Vị chuyên gia Nga còn khẳng định, bên cạnh việc củng cố khả năng phòng thủ trên không bằng máy bay chiến thuật và nâng cao khả năng tấn công tầm xa, Nga cũng phải quan tâm tăng cường các hệ thống phòng không trên biên giới phía Tây, vì người Mỹ sẽ sử dụng bom nguyên tử với phi cơ chiến thuật.
Ông nhấn mạnh, nếu Nga xây dựng hàng rào vững mạnh từ các phương tiện phòng không hiện đại, thì họ sẽ không thể chọc thủng được các lớp phòng thủ để đạt mục tiêu. Ông Sivkov nói thêm rằng, đó là những phương pháp tốt nhất và thiết thực nhất với nước Nga.
Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng ở châu Âu và ở chính nước Đức hiện có "80% cư dân đòi loại bỏ các vũ khí hạt nhân" vì dân chúng đều hiểu rằng trong trường hợp bắt đầu xung đột quân sự với hiện diện vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ châu Âu thì địa bàn này "sẽ biến thành đấu trường của sự chết chóc".
"Đó là viễn cảnh mà dân chúng châu Âu không muốn, vì vậy họ chống lại.
Nhưng giới lãnh đạo châu Âu lệ thuộc vào Hoa Kỳ hoàn toàn lại đang bỏ qua mọi lợi ích quốc gia và dân tộc mà lưu giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ" - Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị kết luận.