Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và chỉ đạo.
Kết quả, tên lửa của các lực lượng đều bắn trúng mục tiêu ngay lần bắn đầu tiên, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tàu HQ-377 và HQ-378 là 2 tàu tên lửa Molniya đề án 12418 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) ký hợp đồng đóng cho Quân chủng Hải quân. Việc đóng mới và bắn tên lửa thành công đã khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật và đóng mới của ngành công nghiệp đóng tàu Quân đội nói chung và Tổng công ty Ba Son nói riêng trong lĩnh vực đóng tàu chiến đấu quân sự; đồng thời khẳng định năng lực khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại của Quân chủng Hải quân.
Ngay sau khi kết thúc buổi bắn, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến trận địa bắn, thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Đoàn 685 Hải quân. Đồng chí Bộ trưởng biểu dương và ghi nhận thành tích xuất sắc của toàn đơn vị đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, đề ra nhiều giải pháp sát thực để triển khai huấn luyện, quản lý, sử dụng và làm chủ VKTBKT mới, hiện đại. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu Đoàn 685 trong thời gian tới cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục tổ chức huấn luyện, làm chủ VKTBKT, đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao.
Chiều cùng ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân. Sau khi kiểm tra và nghe chỉ huy Lữ đoàn báo cáo kết quả tiếp nhận, triển khai công tác huấn luyện, SSCĐ, đồng chí Bộ trưởng ghi nhận những kết quả đạt được và yêu cầu đơn vị tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định: Lực lượng tàu ngầm là lực lượng đặc biệt của Hải quân và Quân đội nhân dân Việt Nam, do đó, từng cán bộ, thủy thủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thành đặc biệt, kỷ luật chính quy, tinh nhuệ đi đầu, an toàn tuyệt đối trong thực hiện các nhiệm vụ. Bộ trưởng chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ toàn Lữ đoàn tiếp tục phát huy sức mạnh tập thể, kiên cường bám tàu, bám biển, tổ chức huấn luyện làm chủ VKTBKT mới, hiện đại bảo đảm thật sự nghiêm túc, chính quy, thuần thục từng vị trí chiến đấu trên tàu để nhanh chóng quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả VKTBKT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hợp đồng đóng các tàu tên lửa cao tốc Molniya được Việt Nam ký với tập đoàn Rosoboronexport (Nga) vào năm 2006 với giá trị lên đến 1 tỷ USD, bao gồm việc đóng 2 tàu ở Nga và 6 tàu tại Việt Nam.
Hai tàu Molniya đầu tiên của Việt Nam được đóng tại nhà máy đóng tàu Vympel của Nga và chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào năm 2007, lần lượt mang số hiệu là HQ-375, HQ-376.
Các tàu tên lửa Molniya đề án 12418 có lượng giãn nước đầy tải 550 tấn, vũ khí trang bị trên tàu có 1 pháo hạm AK-176M, 2 pháo AK-630M và vũ khí uy lực nhất trên tàu là 16 tên lửa chống hạm Uran-E với tầm bắn 130km.
Sức mạnh tàu tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam