Cách Nhật Bản chinh phục thị trường vũ khí thế giới

Vy Lam |

Theo tạp chí Diplomat, hội chợ vũ khí quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật sau nhiều thập kỷ đã cho thấy Tokyo có tham vọng trở thành một nhà cung cấp vũ khí toàn cầu.

Những nỗ lực ban đầu

Hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II đã diễn ra tại thành phố cảng Yokohama, gần với các căn cứ hải quân của Mỹ và Nhật ở Yokosuka.

Sự kiện kéo dài 3 ngày (từ ngày 13/5 – 15/5), do chính phủ Nhật Bản phối hợp với một công ty tư nhân của Anh tổ chức và nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ, cùng Bộ Quốc phòng Australia.

Hội chợ này nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến của Nhật Bản, trong đó đặt trọng tâm vào vấn đề giám sát và bảo đảm an ninh hàng hải, cũng như các hoạt động cứu hộ, cứu trợ thảm họa.

Trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng, tháng 4 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí do nước này tự áp đặt trước đây, mặc dù Tokyo tuyên bố vẫn “tiếp tục tuân theo đường lối hòa bình”.

Hội chợ vũ khí diễn ra trùng với thời điểm Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua 2 dự luật nhằm cho phép triển khai quân đội ở nước ngoài.

Các công ty quốc phòng Nhật Bản và quốc tế, trong đó có công ty Mitsubishi Heavy Industries Ltd và Kawasaki Heavy Industries Ltd (2 nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Nhật) đã trưng bày các sản phẩm của họ tại sự kiện.

Hai “ông lớn” của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, với tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu, trở thành ứng viên tiềm năng trong cuộc cạnh tranh giành hợp đồng vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Australia.

Mô hình tàu ngầm lớp Soryu tại hội chợ vũ khí quốc tế tổ chức ở Yokohama.

Mô hình tàu ngầm lớp Soryu tại hội chợ vũ khí quốc tế tổ chức ở Yokohama.

Nhà thầu quốc phòng ShinMaywa Industries Ltd của Nhật cũng đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để xuất khẩu 12 thủy phi cơ tìm kiếm cứu nạn (SAR) US-2 sang Ấn Độ.

Đây có vẻ sẽ là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn đầu tiên của Nhật theo những quy định mới.

Mô hình thủy phi cơ US-2 do tập đoàn ShinMaywa Industries sản xuất tại hội chợ vũ khí tổ chức ở Yokohama

Mô hình thủy phi cơ US-2 do tập đoàn ShinMaywa Industries sản xuất tại hội chợ.

Susumu Kasai, một quan chức thuộc ShinMaywa Industries nói:

“Hiện tại, chính phủ Nhật và Ấn Độ đang đàm phán vấn đề này và nếu được thông qua, chúng tôi sẽ có thể xuất khẩu sản phẩm của mình.

Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi quảng bá tên tuổi và sản phẩm”.

Mặc dù Indonesia, Anh, Đài Loan và Việt Nam đều bày tỏ sự quan tâm đối với các khí tài của Nhật nhưng cho tới nay, Nhật Bản mới có 2 thỏa thuận khả thi, đó là cung cấp tàu ngầm lớp Soryu cho Australia và thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ.

Chưa thật sự sẵn sàng cạnh tranh

Toru Hotchi, Giám đốc bộ phận chính sách trang bị của Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ quan điểm của mình về nguyên do đằng sau sự phát triển chậm chạp của ngành xuất khẩu vũ khí Nhật Bản:

"Nhật Bản chưa theo kịp xu hướng toàn cầu. Các công ty của Nhật Bản chưa thật sự chuẩn bị cạnh tranh. Họ không biết làm thế nào, bởi cho đến nay, khách hàng của họ hoàn toàn là Bộ Quốc phòng Nhật và họ chưa bao giờ tìm cách tiếp thị sản phẩm".

Jack Midgely, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Deloitte Tohmatsu, đồng tình với đánh giá của ông Hotchi nhưng bổ sung thêm rằng Nhật Bản còn thiếu kỹ năng chuyển giao công nghệ.

“Những kỹ năng đó sẽ phải được phát triển trong lúc họ cạnh tranh với đồng minh như Mỹ trong thị trường xuất khẩu vũ khí” – ông Midgely nói.

Để tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản cũng đang có kế hoạch thành lập một cơ quan theo mô hình cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ.

Đây là cơ quan chuyên phụ trách các hoạt động kinh doanh vũ khí, chương trình đào tạo và các dịch vụ khác cho đồng minh của Washington, đồng thời duy trì hoạt động trao đổi quân sự đối với các quốc gia đồng minh.

Tuy nhiên, hồi tháng 1 năm nay, tờ Washington Post cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản sẽ phải trải qua nhiều khó khăn trong thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, nếu không thích ứng với môi trường cạnh tranh.

Các công ty quốc phòng lớn của Nhật thậm chí vẫn còn do dự trong việc thảo luận  triển vọng mở rộng xuất khẩu quốc phòng, ngầm xem nhẹ các cơ hội phát triển thị trường toàn cầu. Họ chỉ nói rằng sẽ làm việc này nếu chính phủ yêu cầu.

>>> 5 vũ khí nguy hiểm nhất của Nhật Bản

>>> "Muốn chặn Trung Quốc, Nhật Bản cần 800 tên lửa Tomahawk"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại