Vỏ quýt dày – móng tay nhọn
Ngoài ra, tỷ lệ các cuộc chiến tranh nổi dậy ngày càng nhiều hơn so với các cuộc chiến tranh truyền thống cũng đã đặt ra một vấn đề là cần ưu tiên tính cơ động hơn là ưu tiên cho sức mạnh hỏa lực.
Chính từ thực tế như vậy mà nhiều quân đội trên thế giới đang chú ý xây dựng lực lượng đổ bộ (cả đường không và đường biển) và các đơn vị đặc nhiệm để đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình mới.
Hơn nữa, đối với một số quốc gia nhỏ thì thành lập một số các phân đội gọn nhẹ được huấn luyện tốt có hiệu quả hơn nhiều so một đội quân thường trực cồng kềnh và tốn kém.
Và cuối cùng, nhờ biên chế gọn nhẹ, được huấn luyện tốt và không có các phương tiện kỹ thuật hạng nặng, lực lượng đặc nhiệm có thể tiến hành các chiến dịch bí mật trong thời bình. Đấy là chưa kể đôi khi các lưc lượng đặc nhiệm này có thể giả danh các đội quân đánh thuê nếu cần thiết .
Quân đổ bộ (đường biển và đường không) dù trình độ huấn luyện kỹ - chiến thuật kém hơn lính đặc nhiệm và hầu như không được sử dụng vào các chiến dịch bí mật nhưng lại cực kỳ thích hợp với các chiến dịch hạn chế ở xa nơi đóng quân trong các cuộc chiến tranh du kích .
Các đơn vị này (lính đổ bộ) có thể tác chiến chống lại các đội quân du kích bằng các phương thức chiến tranh du kích, nhưng lại được không quân - pháo binh yểm trợ và vì thế mà lính đổ bộ luôn có một ưu thế rõ rệt so với đối phương.
Chính vì thế mà tỷ trọng của quân đổ bộ so với các thành phần khác trong quân đội các nước đang được tăng lên rõ rệt. Tất nhiên, tỷ lệ giữa các thành phần cấu thành trong quân đội của các nước khác nhau cũng rất khác nhau.
Ví dụ, Israel là nước có một lực lượng đặc nhiệm tốt nhất thế giới trong khi chỉ có một lực lượng đổ bộ đường không không lớn và hoàn toàn không có lực lượng đổ bộ đường biển. Áo có cũng có một lực lượng đặc nhiệm rất mạnh trong khi hoàn toàn không có quân đổ bộ (cả đường không lẫn đường biển).
Philippines và một loạt nước Mỹ Latinh khác (như Brazil hay Mexico) quân đổ bộ đường biển có quân số gần như tương đương với Lục quân (mặc dù không có các tàu đổ bộ)
Mỹ, Nga và Trung Quốc có các “đội quân đổ bộ” rất mạnh (Mỹ và Trung Quốc thì quân đổ bộ đường biển chiếm ưu thế, còn Nga thì quân đổ bộ đường không chiếm ưu thế) và đồng thời có một lực lượng đặc nhiệm cũng rất mạnh trong tất cả các quân chủng.
Điểm mặt các ông lớn
Cụ thể, Mỹ có một sư đoàn đổ bộ đường không và một sư đoàn đổ bộ- tấn công của Lục quân; 4 sư đoàn lính đổ bộ đường biển (trong đó có một sư đoàn dự bị) của Hải quân và Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt bao gồm lực lượng đặc nhiệm của tất cả các quân chủng (Lục quân, Không quân, Hải quân và Lính thủy đánh bộ).
Quân số chỉ của riêng Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt đã lên tới 50.000 người (bao gồm cả lính dự bị và các nhân viên dân sự). Lực lượng này có 99 máy bay C-130 các biến thể khác nhau (EC-130, MC-130, AC-130) và một khối lượng lớn các phương tiện vận tải thủy.
Lực lượng vũ trang Nga có 2 sư đoàn đổ bộ đường không và đổ bộ- tấn công, 3 lữ đoàn đổ bộ- tấn công, 7 lữ đoàn đặc nhiệm, 4 lữ đoàn lính thủy đánh bộ.
Nếu như Mỹ có các đơn vị đổ bộ và đặc nhiệm đã nhiều lần được thử thách trong các cuộc chiến tranh khác nhau thì bộ đội đổ bộ đường không và đặc nhiệm Nga chỉ tham gia vào các cuộc chiến tranh kiểu nổi dậy. Tuy nhiên, các lực lượng này cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm tác chiến.
Một dẫn chứng cụ thể, các dơn vị đổ bộ đường không là lực lượng tham gia tác chiến chủ yếu của lực lượng vũ trang Nga trong cuộc chiến tranh cổ điển chống Gruzia vào tháng 8/2008 và đã thể hiện được ưu thế tuyệt đối trước quân đội Gruzia. Nhìn chung, chính lực lượng này là công cụ tốt nhất để tiến hành các cuộc chiến tranh tiếp xúc.
Trong quân đội Trung Quốc, quân đổ bộ đường không nằm trong cơ cấu tổ chức của Không quân. Hiện nay lực lượng này có một quân đoàn duy nhất và đóng quân tại quân khu Bắc kinh. Quân đoàn này có 3 sư đoàn đổ bộ (các sư đoàn số 43, 44 và 45). Mỗi sư đoàn có 4 trung đoàn (3 trung đoàn lính dù và một trung đoàn pháo binh).
Tổng quân số lính đổ bộ đường không Trung Quốc có khoảng từ 24.000 đến 30.000 người. Mỗi một quân nhân của lực lượng này từ Tư lệnh Tập đoàn quân đến các chuyên gia của các phân đội đảm bảo và hậu cần đều phải có khả năng nhảy dù từ máy bay các kiểu khác nhau và trên các khu vực địa hình khác nhau.
Điểm yếu của lực lượng này là có ít các máy bay vận tải- đổ bộ và máy bay lên thẳng và điều đó làm hạn chế khả năng cơ động và phản ứng nhanh.
Để khắc phục nhược điểm trên, PLA đã nhanh chóng đưa vào trang bị cho lực lượng này các máy bay IL- 76 của Nga và đặc biệt là các máy bay Y-20 do Trung Quốc tự sản xuất (đây là loại máy bay vận tải hạng nặng đầu tiên được chế tạo tại Trung Quốc).
Lính thủy đánh bộ của Hải quân Trung Quốc hiện nay có khoảng 10.000 người. Lực lượng này có 2 lữ đoàn và đều trực thuộc Hạm đội Nam Hải. Lính thủy đánh bộ PLA thực hiện các chức trách của lực lượng đồn trú tại Quần đảo Hoàng sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Ngoài ra, Lục quân PLA cũng có lực lượng lính thủy đánh bộ, mạnh hơn nhiều so với lính thủy đánh bộ của Hải quân. Quân khu Nam Kinh, có 2 lữ đoàn cơ giới thủy bộ, một lữ đoàn tăng lội nước và một lữ đoàn đặc nhiệm. Tổng quân số của các binh đoàn này là 25.000 người.
Nếu tính quân số của lực lượng lính thủy đánh bộ của Hải quân thì Trung Quốc đứng thứ hai chỉ sau Mỹ. Không có nhiều thông tin về lực lượng đặc nhiệm của PLA, chỉ biết rằng lực lượng này được phát triển rất nhanh.
Triều Tiên cũng có một lực lượng đặc nhiệm không thua kém PLA khi có tới 3 tập đoàn quân với gần 90.000 người. Ngoài ra, Triều Tiên còn có một lực lượng rất đặc biệt- đó là 10 lữ đoàn lính bắn tỉa. Triều Tiên còn có 3 lữ đoàn đổ bộ đường không và 9 lữ đoàn đặc nhiệm “thường”.
Đối thủ của Triều Tiên là Hàn Quốc “chỉ có” 7 lữ đoàn lính đổ bộ đường không, 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ.
Lực lượng hoàn hảo
Ấn Độ và Pakistan có lực lượng đặc nhiệm quân số ít hơn 5 nước vừa kể trên nhưng chúng được được huấn luyện ở mức hoàn hảo.
Các lực lượng trên đã phải tiến hành các hoạt động tác chiến thực sự với nhau tại một chiến trường có điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới- khu vực băng tuyết Siachen ở độ cao trên 6.000m so với mực nước biển.
Còn “các lực lượng đổ bộ thường”, kể cả lổ bộ đường không lẫn đường biển thì cả hai nước này đều không có.
Israel cũng không có quân đổ bộ (cả đường biển lẫn đường không) nhưng có một số phân đội đặc nhiệm có trình độ kỹ - chiến thuật và tác chiến siêu đẳng (điển hình là chiến dịch ở Entebb).
Các phân đội này thường xuyên tiến hành các hoạt động tác chiến đặc thù trong thời bình, trên khắp thế giới để tiêu diệt lãnh đạo các nhóm Hồi giáo khác nhau. Trong thời chiến thì lính đặc nhiệm hoạt động như các phân đội “bộ binh” tinh nhuệ.
Ví dụ, trong cuộc chiến tranh tại Libăng mùa hè năm 1982 phần lớn các tổn thất về xe tăng của Syria không phải do các xe tăng và không quân Israel gây ra, mà là do các phân đội đặc nhiệm Israel với các xe Jeep sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển “TOW” .
Các nước đối địch với Israel cũng có một lực lượng đặc nhiệm rất đáng kể. Syria có 1 sư đoàn đặc nhiệm. Iran có 1 sư đoàn đổ bộ đường không, 1 sư đoàn đặc nhiệm, 1 lữ đoàn đổ bộ đường không và 2 lữ đoàn đổ bộ - tấn công của Lục quân, 1 sư đoàn đặc nhiệm và 1 lữ đoàn đổ bộ đường không trực thuộc lực lượng vệ binh cách mạng.
Còn tại các nước Arập khác, thường mỗi nước có không quá 1 lữ đoàn các lực lượng tương tự. Các binh đoàn này có trình độ huấn luyện và tác chiến cao hơn nhiều so với các thành phần khác trong lực lượng vũ trang của các nước đó.
Minh chứng rõ ràng nhất là lính đặc nhiệm Qatar, tuy chỉ có 1 đại đội. Chính đại đội này đã có những đóng góp mang tính quyết định đối với việc lật đổ M. Gaddafi tháng 8/2011
Xu hướng chung
Còn đối với các nước ASEAN thì Thái Lan có 2 sư đoàn đặc nhiệm và 1 sư đoàn lính thủy đánh bộ. Philippines – 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Indonesia – có Bộ tư lệnh các lực lượng đặc nhiệm của Lục quân (5.000 người) và khoảng 20.000 lính thủy đánh bộ. Malaysia- có 1 lữ đoàn đặc nhiệm và 1 lữ đoàn đổ bộ đường không.
Tại Châu Phi nhiệt đới, chỉ có Nam Phi và Angola là có một lực lượng đặc nhiệm đáng kể. Tại Châu Mỹ latinh thì nước có lực lượng đặc nhiệm theo mô hình Châu Âu và có sức mạnh đáng kể nhất là Chile. Nước này có 1 lữ đoàn đặc nhiệm.
Lực lượng vũ trang các nước Brazil, Peru, Colombia, Mexico tuy quân số đông nhưng phương tiện kỹ thuật thiếu và lạc hậu nên lực lượng vũ trang chủ yếu của họ là sư đoàn và lữ đoàn đặc nhiệm để hoạt động tại các khu rừng rậm nhiệt đới.
Tại Châu Âu, hiện đang có xu hướng sát nhập các đơn vị đổ bộ đường không với các đơn vị cơ động bằng máy bay trực thăng và gia tăng tỷ trọng các đơn vị này trong toàn lực lượng vũ trang nói chung (không phải bằng cách thành lập các đơn vị đổ bộ mới mà do cắt giảm lực lượng vũ trang trong khi các đơn vị đổ bộ vẫn được giữ nguyên).
Hải quân các nước Châu Âu hiện đang thực hiện tiến trình tăng số lượng tàu đổ bộ và đồng thời cắt giảm số lượng tàu chiến.
Nước có lực lượng đặc nhiệm lớn nhất châu Âu là Đức. Trong quân đội Đức có 1 sư đoàn cơ động đường không và 1 sư đoàn các chiến dịch đặc biệt gồm 1 lữ đoàn đổ bộ đường không- cơ giới và 2 lữ đoàn đổ bộ đường không, 3 trung đoàn máy bay lên thẳng.
Tiếp theo Đức là Thổ Nhĩ Kỳ với 4 lữ đoàn đặc nhiệm và 1 trung đoàn lính thủy đánh bộ. Anh có Bộ tư lệnh máy bay lên thẳng thống nhất gồm tất cả các đơn vị và phân đội máy bay lên thẳng, ngoài ra Quân đội Anh còn có Bộ tư lệnh lính thủy đánh bộ có quân số tương đương với 2 lữ đoàn.
Pháp và Ý – mỗi nước có 1 lữ đoàn đổ bộ đường không, 1 lữ đoàn đặc nhiệm và 1 trung đoàn lính thủy đánh bộ.
Hy lạp- có 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ và 1 lữ đoàn đổ bộ đường không. Ba Lan- 2 lữ đoàn đổ bộ đường không. Tây Ban Nha – 1 lữ đoàn cơ động đường không và 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Bulgaria - 1 lữ đoàn đặc nhiệm. Các lực lượng đặc nhiệm của các nước khác ở châu Âu là không đáng kể.
Không loại trừ khả năng là trong tương lai gần lực lượng vũ trang của nhiều nước Châu Âu, Châu Phi và Mỹ La Tinh sẽ là một lực lượng tích hợp gồm lính đổ bộ (cả đường biển và đường không), lính đặc nhiệm và các công ty quân sự tư nhân.
Tại châu Á, vai trò của quân đổ bộ và đặc nhiệm sẽ ngày càng tăng.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!