Bỏ xa Nga-Trung, nước này có vũ khí "siêu vượt âm" từ Thế chiến 2

Hải Vy |

Theo Michael Peck, ở một vài khía cạnh, ngư lôi Long Lance (từng đánh chìm nhiều tàu chiến Mỹ) cũng giống như các tên lửa chống tàu “siêu vượt âm” mà Nga và TQ đang phát triển.

"Tên lửa siêu vượt âm"

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Michael Peck cho biết, vào mùa thu năm 1942, Guadalcanal – hòn đảo thuộc quần đảo Solomon gần Australia – trở thành tâm điểm trong Chiến tranh Thái Bình Dương.

Trong suốt 6 tháng, quân Mỹ và Nhật đã giao tranh ác liệt trên bộ, trên không và trên biển để giành quyền kiểm soát hòn đảo và sân bay chiến lược tại đây.

Đối với Hải quân Mỹ - bên xem thường người Nhật không đủ năng lực, trận hải chiến Guadalcanal là một cú sốc.

“Bất ngờ” và “bị phản bội” đã khiến Mỹ thiệt hại nặng nề trong trận Trân Châu Cảng nhưng đó không hẳn là lý do khiến Hải quân Mỹ phải bỏ lại tới 24 tàu chiến ngoài khơi Guadalcanal.

Trên thực tế, thủ phạm gây ra tổn thất lớn này cho Mỹ là “Long Lance” – ngư lôi do Nhật Bản chế tạo và là loại ngư lôi mạnh nhất trên thế giới trong những năm đầu Thế chiến II.


Ngư lôi Long Lance (Type 93) trưng bày bên ngoài trụ sở Hải quân Mỹ ở Washington D.C trong Thế chiến 2.

Ngư lôi Long Lance (Type 93) trưng bày bên ngoài trụ sở Hải quân Mỹ ở Washington D.C trong Thế chiến 2.

Được phát triển vào cuối những năm 1920, Long Lance - định danh của người Mỹ (người Nhật gọi là “Type 93”) là một thiết bị đặc biệt.

Theo cách nói hiện đại, nó sẽ được gọi là “vũ khí phi đối xứng”, được thiết kế để bù đắp cho những thua kém của Nhật Bản trước các quốc gia phương Tây mạnh hơn về kinh tế.

Ở một vài khía cạnh, nó cũng giống như các tên lửa chống tàu “siêu vượt âm” mà Nga và Trung Quốc đang phát triển để đối phó Hải quân Mỹ - bên vượt trội hơn.

Khi Thế chiến II nổ ra, Nhật Bản bắt đầu kế hoạch chậm rãi để đánh bại kẻ thù mạnh hơn.

Theo chiến lược “trận chiến quyết định”, Nhật Bản sẽ chiếm giữ Philippines. Khi Hải quân Mỹ vượt qua Thái Bình Dương để giải phóng Manila, lực lượng này sẽ bị suy yếu, tổn hao lực lượng trước các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay, tàu ngầm và tàu khu trục.

Khi hạm đội của Mỹ suy yếu tới một mức độ nhất định, hạm đội của Nhật sẽ tràn ra và đánh chìm nó trong một trận hải chiến lớn (giống như trận Jutland) gần Philippines.

Để đạt được mục tiêu này, Hải quân Đế quốc Nhật không ngừng đào tạo lực lượng tàu chiến mặt nước thực hiện các cuộc tấn công bằng ngư lôi trong đêm.

Chiến thuật này cho phép các tàu chiến của họ lẻn vào và phá hủy tàu đối phương.

Hải quân Nhật thiếu radar nhưng lực lượng cảnh giới của họ được đào tạo nghiêm ngặt và trang bị các ống nhòm đêm rất mạnh.

Tuy nhiên, mọi sự sẽ chẳng thành nếu không có một loại ngư lôi tốt và “Long Lance” đã vượt quá cả sự mong đợi của người Nhật.

Vào thời điểm đó, Long Lance là loại ngư lôi cỡ lớn, đường kính khoảng 0,6m, dài hơn 9m và nặng gần 3 tấn. Nó được trang bị 1 đầu đạn nặng gần 500kg, lớn gấp đôi đầu đạn của phần lớn các loại ngư lôi khác.

Bộ phận quan trọng nhất của Long Lance là hệ thống đẩy.

Hầu hết các quốc gia khác triển khai ngư lôi dùng hệ thống đẩy bằng hơi nước, diesel hoặc điện.

Nhưng người Nhật lựa chọn hệ thống đẩy bằng oxy tinh khiết (dựa theo thiết kế trước đó của Anh), có thể đẩy Long Lance đi xa gần 20km, với vận tốc 48 hải lý hoặc gần 40km với vận tốc 36 hải lý.

Đặc biệt, Long Lance không tạo ra các bọt khí khi di chuyển để tránh bị tàu đối phương phát hiện trong lúc tiếp cận.


Tàu khu trục USS OBrien (DD-725) phóng ngư lôi Mark 15.

Tàu khu trục USS O'Brien (DD-725) phóng ngư lôi Mark 15.

So với ngư lôi Mỹ thì thế nào? Ngư lôi Mark 15 trang bị trên các tàu khu trục Mỹ có đường kính 0,5m, nặng chưa đầy 2 tấn và chỉ mang đầu đạn nặng chừng 370kg.

Tệ nhất là tầm bắn tối đa của nó chỉ tới khoảng 13km, tức là chưa bằng 1/3 tầm bắn của Long Lance. Vì vậy, không ngạc nhiên khi người Mỹ ưu ái pháo hạm hơn là ngư lôi.

Và họ đã nhanh chóng nếm mùi đau đớn với Long Lance.

Trong trận chiến đảo Savo, một đội đặc nhiệm gồm các tàu tuần dương hạng nặng và tàu khu trục bất ngờ tấn công quân Đồng Minh, đánh chìm 3 tuần dương hạm hạng nặng của Mỹ và 1 tuần dương hạm hạng nặng của Australia.

Người Mỹ không thể ngờ được rằng quân Nhật lại dùng tàu chiến hạng nặng để tấn công bằng ngư lôi trong đêm.

Hải quân Mỹ buộc phải rút quân sau đó, khiến lực lượng quân đồn trú của họ tại Guadalcanal gần như bị triệt tiêu.

Trong trận Tassafaronga đêm 30/11/1942, lực lượng tàu khu trục trong “Đoàn tàu tốc hành Tokyo - Tokyo Express” đã đánh chìm 1 tuần dương hạm hạng nặng và làm hư hại nghiêm trọng 3 tàu tuần dương khác của Mỹ, trong khi họ chỉ thiệt hại 1 tàu khu trục.

(Tokyo Express: Cách quân Đồng Minh gọi các tàu chiến tốc độ cao xuất hiện tới lui đến Guadalcanal trong suốt chiến dịch).

Vấn đề không chỉ nằm ở ngư lôi Long Lance, mà còn ở ưu thế của các cảm biến Nhật Bản.

Hải quân Mỹ đặt niềm tin vào loại radar mới phát triển dành cho tàu chiến mặt nước nhưng loại radar thô sơ vào cuối năm 1942 không đáng tin cậy và người sử dụng nó cũng không có kinh nghiệm.

Trong khi đó, lực lượng cảnh giới của Nhật Bản liên tục phát hiện ra tàu chiến của Mỹ trước và ở những khoảng cách “đáng kinh ngạc”.

Một khi phát hiện tàu Mỹ, các tàu tuần dương và tàu khu trục của Hải quân Nhật Bản có thể phóng ngư lôi. Khác với pháo hạm, chúng không lóe sáng hay phát ra âm thanh nên giữ được yếu tố bất ngờ khi tấn công mục tiêu.

Lợi hại nhưng không hợp thời

Song có một điều quan trọng cần nhớ, đó là Nhật Bản cuối cùng đã thất bại ở Guadalcanal.

Vì sao như vậy? Ưu thế của Nhật Bản đã suy yếu khi hệ thống radar của Mỹ được cải thiện, thủy thủ của họ có nhiều kinh nghiệm hơn và có những chiến thuật khôn ngoan hơn.

Trong suốt trận hải chiến Guadalcanal thứ 2 diễn ra vào tháng 11/1942, Nhật Bản đã thiệt hại 2 thiết giáp hạm và nhiều tàu chiến khác.

Long Lance là vũ khí đáng sợ nhưng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định và trong một chuỗi điều kiện nhất định:

- Radar của Mỹ thô sơ – lực lượng cảnh giới của Nhật sắc bén;

- Thủy thủ Mỹ thiếu kinh nghiệm - thủy thủ Nhật được đào tạo chuyên nghiệp;

- Chiến thuật của Mỹ yếu kém – Nhật Bản chuyên nghiệp về tấn công trong đêm;

- Tác chiến mặt nước ở khoảng cách gần, trong vùng biển giới hạn.


Mô phỏng trận hải chiến Guadalcanal trong đêm.

Mô phỏng trận hải chiến Guadalcanal trong đêm.

Nhưng quan trọng hơn, là việc sử dụng Long Lance có thể coi như "buổi biểu diễn" cuối cùng của một kiểu chiến tranh đã lỗi thời.

Siêu ngư lôi có thể thay đổi cục diện trận chiến Jutland năm 1916 nhưng đến năm 1942, máy bay và tàu sân bay đã trở thành "mốt mới".

Ngoài trận Guadalcanal và một số trận đánh khác như trận chiến eo biển Surigao, thì nhìn chung tàu thuyền các bên chẳng mấy khi chạm mặt nhau trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Long Lance rất lợi hại, nhưng không hợp thời.

Điều đó nhắc chúng ta nên hoài nghi những thứ gọi là vũ khí “thay đổi cuộc chơi”, như tên lửa siêu vượt âm mà Nga, Trung đang phát triển.

Hiện vẫn chưa đủ căn cứ để khẳng định rằng các tên lửa chống tàu này có thể “quét sạch” Hải quân Mỹ. Chúng ta cần đặt câu hỏi rằng dưới điều kiện nào thì các vũ khí này mới hiệu quả?

Chúng cần hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh không thể bị gây nhiễu, các cảm biến không thể bị đánh lừa hay các tên lửa không thể bị bắn hạ?

Khi thế giới đang tiến xa hơn trong thế kỷ 21, có vẻ các hình thái tác chiến mới - tác chiến mạng, tàng hình, vũ khí laser – sẽ khiến tên lửa chống tàu trở thành một loại vũ khí uy lực nhưng lỗi thời.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Michael Peck.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại