Bộ đội VN đã vô hiệu hóa "sát thủ diệt radar" của Mỹ như thế nào?

Phi Yến |

...Yếu tố quan trọng nhất là huấn luyện cho trắc thủ thói quen xác định nhanh, bám được mục tiêu là tắt sóng, sau 5 giây mở ra xác định lại khiến địch không thể nào phát hiện được.

Bước ngoặt nguy hiểm của tác chiến điện tử trong Chiến tranh Việt Nam

Sự nguy hiểm của tên lửa Shrike

Với biệt danh "sát thủ diệt radar", Shrike được Mỹ đưa vào chiến trường Việt Nam với tham vọng "làm mù" lưới lửa phòng không miền Bắc.

Nhưng kế hoạch nguy hiểm đó đã không thành.

Đại tá Nguyễn Lành - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 375 là người đã từng tham gia chiến đấu hàng trăm trận trên nhiều chiến trường, trực tiếp ấn nút phóng 126 quả đạn tên lửa, bắn rơi 19 máy bay Mỹ.

Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Lành

Đặc biệt, ông chính là người đã tìm ra cách vô hiệu hóa tên lửa Shrike của địch với câu nói "Tên lửa Shrike không có gì đáng sợ".

Ông chia sẻ về những năm tháng hào hùng của một thời dọc ngang trận mạc:

Cuối năm 1968, khi cả quân chủng sôi lên vì phải đối phó với tên lửa chống radar Shrike.

Đây là loại tên lửa không đối đất có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc "tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ".

Nghĩa là khi radar, ăng ten của ta phát sóng lên không trung, máy thu của Shrike bắt được cánh sóng đó và phi công chỉ cần nhấn nút phóng, quả đạn sẽ theo trục cánh sóng radar tự tìm tới mục tiêu với xác suất chính xác gần như tuyệt đối.

Ông nhớ lại: “Trong thời gian này, tên lửa Shrike của không quân Mỹ đã tác động rất lớn đến tinh thần bộ đội radar, bộ đội tên lửa. Mỗi khi ăng ten vừa phát sóng, lập tức đã thấy Shrike xuất hiện.

Có những trận đánh, ta chưa kịp phóng đạn thì đã bị tên lửa của địch phá hủy khí tài, kíp chiến đấu hy sinh hầu như toàn bộ”.

Tên lửa Shrike được bắn đi từ máy bay  A-4 Skyhawk

Tên lửa Shrike được bắn đi từ máy bay A-4 Skyhawk

Trong khi đó, trên màn hình vô tuyến đài điều khiển tên lửa của ta, tín hiệu thu về của Shrike bé, dễ nhầm với nhiễu hoặc máy bay. Vì vậy, để tránh tổn thất, chúng ta phải “gạt Shrike" ra khỏi trục cánh sóng.

Đây là một thao tác chiến đấu khó, buộc người sĩ quan điều khiển phải bình tĩnh, có bản lĩnh vững vàng, tinh thần chiến đấu dũng cảm.

Trên thực tế, bộ đội radar, bộ đội tên lửa của ta đã tổn hao nhiều xương máu mới tìm ra được cách đánh máy bay có mang tên lửa Shrike.

Đại tá Nguyễn Lành mô tả: “Trong khi máy bay địch đang bay vào trận địa, tên lửa ta bắn lên, tên lửa địch bắn xuống với tốc độ gần 1000 m/s cùng chung một trục cánh sóng.

Sĩ quan điều khiển phải làm sao vừa diệt được mục tiêu, vừa tránh được Shrike. Nếu gạt sớm thì ta không bắn được máy bay, nếu gạt chậm vài tích tắc thì cả xe điều khiển sẽ bị tên lửa địch thiêu rụi”.

Khuất phục tên lửa Shrike

Sau nhiều ngày dày công nghiên cứu nắm quy luật hoạt động của địch, ông và toàn kíp chiến đấu đã hạ quyết tâm phải đánh bằng được, tạo niềm tin cho cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị.

Đúng thời điểm đó, một đoàn nghiên cứu chống nhiễu cũng kịp thời có mặt, nhờ gắn camera quan sát trực tiếp mà quá trình diễn biến trận đánh đã được ghi lại rất trung thực.

Vào khoảng 3 giờ sáng một ngày giáp Tết năm 1968, toàn kíp nín thở bám sát mục tiêu, đến thời điểm thích hợp, quả đạn tên lửa đã được phóng đi với sự tính toán:

Ta phóng quả đạn đầu tiên trước địch 6 giây rồi phóng tiếp quả đạn thứ hai khi địch phóng quả thứ nhất. Chờ cho quả đạn thứ nhất nổ mới quay ăng ten tắt sóng, đẩy tên lửa của địch ra ngoài.

Khoảng 3 giây sau, 2 tiếng nổ vang lên, tên lửa Shrike đã bị "gạt" sang hướng khác, trinh sát của ta báo về: Máy bay địch đã bốc cháy, rơi cách trận địa khoảng 30 cây số. Cả trận địa vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

Bằng mưu trí và sự sáng tạo, bộ đội tên lửa Việt Nam đã tìm ra cách vô hiệu hóa tên lửa chống radar Shrike của địch

Tìm ra cách chống lại tên lửa Shrike của địch có nghĩa là Shrike hoàn toàn không đáng sợ, chiến công ấy làm địch vô cùng hoang mang nhưng cán bộ và chiến sĩ của ta lại tự tin hẳn lên.

Là người trong cuộc lại trực tiếp tham gia nhiều trận đánh, ông gọi đó là phương pháp "Đánh nhanh có chuẩn bị", đánh gấp trong vòng 15 giây.

Yếu tố quan trọng nhất của cách đánh này là huấn luyện cho trắc thủ thói quen xác định nhanh, bám được mục tiêu là tắt sóng, sau 5 giây mở ra xác định lại khiến địch không thể nào phát hiện được.

Điều đó đồng nghĩa với việc tăng khả năng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Với cách đánh trên, ta không chỉ vô hiệu hóa tên lửa Shrike, hạn chế tổn thất của bộ đội radar, bộ đội tên lửa mà còn góp phần tô thắm truyền thống bộ đội phòng không anh hùng, nâng tầm nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại