Tiết lộ cuộc đối đầu giữa phi công Liên Xô và F-4 Mỹ ở VN

Thiên Minh |

Theo lời Trung tướng Phạm Tuân, trên bầu trời Việt Nam vào tháng 9/1972, duy nhất có một trận không chiến có sự tham gia của cố vấn quân sự, phi công Xô Viết.

Cuộc đối đầu F-4 trên bầu trời Việt Nam

Trong bài viết đăng trên báo Quân đội Nhân dân, Đại tá - PGS- TS Trần Nam Chuân Viện Chiến lược Quốc phòng/Bộ Quốc phòng đã ghi theo lời Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng LLVT nhân dân kể lại trận chiến:

Tháng 9/1972, trên máy bay MiG-21US huấn luyện 2 chỗ ngồi không được trang bị vũ khí, phi công tiêm kích Việt Nam và cố vấn quân sự Xô Viết thực hiện chuyến bay huấn luyện thường xuyên.

Ở tầm xa 8km cách sân bay, họ nhận được thông báo về một tốp F-4 đang tiếp cận ở độ cao thấp. Lúc đó MiG-21US còn lại 800 lít dầu.

Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21US.

Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21US.

Thực hiện kỹ thuật thùng trượt, đội bay thoát khỏi đòn tấn công tên lửa thứ nhất.

Sau đó, F-4 liên tục tấn công bằng tên lửa 2 lần liên tiếp, nhưng MiG-21US với kỹ thuật xoáy vít đã thoát khỏi, tên lửa bay trượt mục tiêu, lần thứ 3 F-4 lại tiếp tục tấn công và cũng không thu được kết quả.

Nhưng những lần cơ động đó đã tiêu hao toàn bộ lượng dầu còn lại của MiG-21US.

Quyết định thông minh cuối cùng là nhảy dù, khi MiG-21US lấy độ cao thì động cơ chết máy, 2 phi công bung dù khi chiếc MiG-21US anh dũng trúng tên lửa trong lần tấn công thứ 4. Đội bay Việt-Xô tiếp đất an toàn.

Trận không chiến gay cấn với sự góp mặt của phi công Liên Xô xảy ra chỉ vài tháng trước khi Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II (18/12/1972 - 30/12/1972) tấn công ồ ạt trên toàn bộ miền Bắc.

Trong chiến dịch này, quân Mỹ tập trung tấn công vào các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác, nhằm mục đích đạt được mục tiêu chính trị trên bàn hội nghị Paris.

Để đạt được mục tiêu tàn phá các trung tâm kinh tế, quân sự của miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã sử dụng hầu hết máy bay chiến lược B-52 ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, điều người Mỹ có được sau 12 ngày đêm năm 1972 không phải là chiến thắng.

Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B-52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội.

Theo Đại tá Trần Nam Chuân tổng kết, trong cả năm 1972, giữa Không quân Mỹ và Không quân Việt Nam xảy ra 201 trận không chiến.

Phía Việt Nam mất 54 máy bay, trong đó có 36 máy bay MiG 21 và 1 máy bay huấn luyện MiG 21 US. Phía Mỹ thiệt hại 90 máy bay trong đó có 74 máy bay F-4 và 2 máy bay trinh sát RF-4C. Riêng MiG 21 diệt 67 máy bay đối phương.

B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội, một trong những tấm ảnh nổi tiếng về trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu

B-52 phơi xác trên đường phố Hà Nội, một trong những tấm ảnh nổi tiếng về trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu

Từ góc độ kỹ chiến thuật, có thể nhận thấy rằng:

Dù liên tục thay đổi chiến thuật, phương thức tác chiến, vũ khí trang bị, với những phi công dày dạn kinh nghiệm và có số lượng giờ bay hơn rất nhiều lần nhưng Không quân Mỹ không những không thể tiêu diệt không quân Việt Nam, mà còn bị tổn thất nặng nề.

Với không gian thu hẹp của chiến trường Miền Bắc Việt Nam, với gần 4.000 máy bay bị tổn thất, có thể nói: Người Mỹ đã thua trên bầu trời Miền Bắc Việt Nam.

Chiến tích vang dội năm 1972 nói riêng và thắng lợi vẻ vang của Không quân ta trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, ngoài nhờ tinh thần anh dũng, tác chiến sáng tạo của phi công Việt Nam, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ quý báu của các chuyên gia Liên Xô.

Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Không quân Việt Nam

Theo cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”, trong thời gian từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, Liên Xô đã nhận đào tạo giúp Việt Nam một số lượng lớn các phi công, thợ kỹ thuật.

Giai đoạn sau, Liên Xô tiếp tục đào tạo các kỹ sư, cán bộ chỉ huy – tham mưu cho Không quân Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, cho đến thời điểm năm 1970, đã có gần 30 đoàn học viên bay, thợ kỹ thuật và cán bộ tham mưu, chỉ huy, với số lượng hàng nghìn học viên Không quân theo học tại các trường đào tạo nổi tiếng của Liên Xô.

Trong số các cơ sở đào tạo đó, trường đào tạo phi công tại thành phố (tỉnh) Kra-sơ-nô-đa là cơ sở đào tạo với số lượng lớn nhất và chất lượng tốt nhất.

Các phi công MiG-17, Trung đoàn 923 (Ảnh: cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”)
Các phi công MiG-17, Trung đoàn 923 (Ảnh: cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”)

Giai đoạn cao điểm, tại trường này có hơn 300 học viên kỹ thuật và hơn 200 học viên phi công học tập.

Các cán bộ, phi công, thợ kỹ thuật tốt nghiệp từ các trường đào tạo ở Liên Xô về nước đã nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, tổ chức chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

Hàng trăm phi công MiG-17 và MiG-21 đã xuất kích chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ.

Hàng chục phi công ưu tú, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các phi công MiG-21, Đoàn không quân Sao Đỏ (Ảnh: Cuốn: Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”)
Các phi công MiG-21, Đoàn không quân Sao Đỏ (Ảnh: Cuốn: "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”)

Nhiều người trưởng thành, trở thành các cán bộ chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch, các chính khách và tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cũng theo cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ 2 phía”, riêng trong Không quân, ngoài đào tạo, viện trợ khí tài, suốt trong quá trình chiến đấu, chuyên gia Liên Xô liên tục sang Việt Nam để nắm bắt tình hình, cải tiến vũ khí.

Ngoài ra, họ còn trực tiếp giúp đỡ trong công tác huấn luyện, bay thử, lắp ráp máy bay mới.

Nhiều chuyên gia Liên Xô tuy không trực tiếp tham chiến nhưng đã sẵn sàng cất cánh ngay trong thời chiến, giúp công tác bay hồi phục và huấn luyện.

Về vũ khí, trang thiết bị quân sự, trong những năm chiến tranh, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam rất nhiều chủng loại cho cả Lục quân, Hải quân và Không quân.

Riêng về máy bay, Liên Xô đã kịp thời viện trợ cho Không quân Việt Nam các máy bay MiG-17 từ khi Trung đoàn 921 được thành lập.

Sau đó trong suốt những năm chiến tranh, Liên Xô đã nhiều lần viện trợ bổ sung cho Việt Nam về số lượng và các phiên bản mới của MiG-17, MiG-21 cũng như các loại máy bay vận tải, trực thăng khác.

Các máy bay MiG và vũ khí, khí tài tốt là một trong những nhân tố rất quan trọng, đặc biệt là khi được bộ đội Không quân Việt Nam sử dụng rất thành thục và sáng tạo, làm nên những chiến công to lớn.

Trong quá trình giúp đỡ các phi công Việt Nam, các cán bộ nghiên cứu và phi công đã viết nhiều sách và các bài nghiên cứu về không chiến tại Việt Nam.

Một số tài liệu đã được đưa vào giảng dạy tại các Học viện Không quân.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại