"Bị tên lửa TQ vượt mặt, Mỹ cuống cuồng tìm cách giữ thể diện"

Nhật Minh |

Đó là nhận định của hãng tin Sputnik (Nga) khi cho biết Hải quân Mỹ đang phải đau đầu cân nhắc các phương án tốt nhất để đối phó với tên lửa Đông Phong Trung Quốc.

Theo Sputnik, trong nỗ lực nhọc nhằn để cạnh tranh với tên lửa chống hạm tầm xa của Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang phải cân nhắc 2 lựa chọn:

Tiếp tục chương trình tên lửa hiện đại nhưng siêu đắt đỏ LRASM hay nâng cấp Tomahawk - tên lửa từ thời Chiến tranh Lạnh.

Bắc Kinh công bố tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21D (Đông Phong-21D) vào năm 2014.

Nó được cho là có thể di chuyển với tốc độ Mach 10 - gấp 10 lần vận tốc âm thanh và có tầm bắn hiệu quả lên tới 1.200 dặm.

Hải quân Mỹ từng bày tỏ lo ngại rằng loại tên lửa này sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với các tàu sân bay Mỹ trong trường hợp có xung đột.

Tên lửa DF-21D được cho là mối đe dọa lớn với các tàu sân bay Mỹ.

Tên lửa DF-21D được cho là mối đe dọa lớn với các tàu sân bay Mỹ.

Hôm thứ Tư, Joseph Aucoin, quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ đã phác thảo kế hoạch của Lầu Năm Góc để tìm ra phương thức hiệu quả nhất đối phó với các tên lửa Đông Phong.

Một lựa chọn là tên lửa hành trình Tomahawk. Được giới thiệu trong những năm 1970, hiện nay, các tên lửa hành trình Tomahawk do công ty quốc phòng Raytheon (Mỹ) sản xuất.

Mặc dù đã chứng minh được mức độ đáng tin cậy trong gần 40 năm hoạt động nhưng phần lớn thành tích của Tomahawk là nhằm vào các mục tiêu cố định và trên bộ.

Ngoại trừ một phiên bản đã bị loại biên, Tomahawk không được thiết kế để tấn công các mục tiêu di động và cần phải được nâng cấp mạnh mới có thể đối phó với mối đe dọa từ Hải quân Trung Quốc.

Một lựa chọn khác cho Hải quân Mỹ là tên lửa chống tàu tầm xa của Lockheed Martin (LRASM). Đây là chương trình mà cơ quan nghiên cứu quốc phòng DARPA của Lầu Năm Góc cho rằng sẽ đem lại "một bước nhảy vọt trong năng lực tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ".

LRASM được cho là có khả năng hoạt động độc lập hoặc điều khiển từ xa và có thể chống chịu được các biện pháp gây nhiễu GPS của đối phương.

Ông Aucoin cho biết Hải quân Mỹ có thể sẽ tổ chức "một cuộc cạnh tranh" để lựa chọn phương án tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu tên lửa Tomahawk tỏ ra là lựa chọn hiệu quả hơn về lâu dài, Hải quân Mỹ vẫn sẽ mua các tên lửa LRASM để đáp ứng "nhu cầu tác chiến khẩn cấp" trong ngắn hạn.

Đây hứa hẹn sẽ là một cuộc cạnh tranh "ngang tài ngang sức". Các tên lửa Tomahawk tương đối rẻ, trong khi mỗi tên lửa LRASM có đơn giá lên tới gần 2 triệu USD. Bên cạnh đó, Tomahawk còn có tầm bắn xa hơn và có thể mang đầu đạn lớn hơn so với LRASM.

Tuy nhiên, LRASM lại bền hơn và có thể mang lại hiệu quả cao hơn nhiều khi đối phó Hải quân Trung Quốc.

Mặc dù Tomahawk có thể đối phó hiệu quả với các đối thủ "công nghệ thấp" như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng chúng có thể bị bắn hạ dễ dàng bởi các hệ thống phòng không tinh vi hơn.

Cũng theo Sputnik, ngay cả khi LRASM và Tomahawk trở thành đối thủ cạnh tranh chính, vẫn còn một số lựa chọn khác đang được Hải quân Mỹ cân nhắc.

Một trong số này là tên lửa tấn công của Kongsberg (Na Uy), có tầm bắn tương đương với LRAM và đã được đưa vào sản xuất.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc có thể cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa SM-6. Song, chi phí cho việc này sẽ gần gấp đôi chi phí chương trình LRASM và có thể chỉ là phương án dự phòng trong tình huống tác chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại