Việt Nam đã thực sự cần đến "dao phẫu thuật" Su-34?

Bình Nguyên |

Dù được đánh giá là hiện đại nhưng thực tế vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần phải khắc phục và với chủ trương phòng thủ là chính, liệu có hơi sớm khi đặt vấn đề Việt Nam sẽ mua Su-34?

Các nhà thiết kế vẫn còn nhiều việc phải làm

Thứ nhất, phải chăng Su-34 là một sai lầm trong định hướng thiết kế của Nga?

Không ai dám quả quyết kết luận như vậy, bởi hiện nay Nga vẫn đang đặt mua dòng máy bay này với số lượng lớn để trang bị cho Không quân của họ.

Tuy nhiên, danh hiệu máy bay tiêm kích bom đa năng độc nhất vô nhị có lẽ "bỗng nhiên" được trao tặng cho Su-34. Bởi lẽ, gần đây, trên thế giới hầu như không có dòng máy bay tương tự nào được phát triển.

Xu hướng chung là các tập đoàn hàng đầu thế giới đều tập trung vào nghiên cứu các mẫu máy bay tiêm kích đa năng, vừa làm tốt nhiệm vụ đối không, vừa có khả năng đánh đất tương đối mạnh. Điển hình là các loại máy bay F-15, F-16, EF-2000, Rafale và JAS-39.

Ngay như Nga cũng phải "chạy" theo xu hướng này và gặt hái rất nhiều thành công với dòng tiêm kích đa năng Su-30 khi xuất khẩu được một số lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với ít nhất 36 chiếc Su-30MK2 đã có, trong tương lai gần Việt Nam có thể sẽ mua thêm phiên bản Su-30SM, biến Su-30 trở thành dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam trong ít nhất 15-20 năm tới, trước khi đưa vào trang bị máy bay thế hệ mới hơn.

Thứ hai, hệ thống radar và quang truyền hình chưa đủ "tinh"

Su-34 có khả năng bay thấp bám địa hình, luồn sâu đột kích nhanh bằng vũ khí chính xác, nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", bởi ngày nay các hệ thống phòng không tầm thấp đã có sự phát triển vượt bậc.

Chúng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Su-34, vỏ giáp titan cũng trở nên không mấy hiệu quả và sẽ trở thành gánh nặng nếu phải vọt lên cao, khiến cho máy bay trở nên nặng nề, hạn chế phần nào khả năng thao diễn.

Dù được quảng cáo là hết sức hiện đại, nhưng theo nhiều chuyên gia phương Tây cả radar và hệ thống quang truyền hình của Su-34 lại chưa đủ "tinh" để phát hiện, tiêu diệt những mục tiêu nhỏ, có độ bộc lộ thấp nhất là khi phải bay ở độ cao lớn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia phương Tây, các loại vũ khí đánh đất, nhất là bom có điều khiển chính xác của Nga đều có tính năng, sức công phá và độ chính xác thua kém hơn so với của Mỹ và châu Âu. Do đó, xác suất đánh trúng mục tiêu của nó giảm đi rất nhiều.

Đài radar 36D6 của Gruzia bị diệt bởi tên lửa bức xạ Kh-31 của Nga, nhưng chiến công này có lẽ là của Su-24 hơn là của Su-34

Đài radar 36D6 của Gruzia bị diệt bởi tên lửa bức xạ Kh-31 của Nga, nhưng chiến công này có lẽ là của Su-24 hơn là của Su-34.

Thứ ba, kinh nghiệm thực chiến hầu như không có gì

Mặc dù có nhiều đồn đoán về việc Su-34 đã từng tham chiến tại một số cuộc xung đột, nhưng những thông tin hết sức ít ỏi, thậm chí còn đá xéo lẫn nhau, khiến khó đánh giá được hiệu quả thực sự của nó.

Trận chiến thực sự đầu tiên của Su-34 được cho là đã diễn ra hồi tháng 8/2008 tại Nam Osetyya khi các máy bay Su-34 dùng tên lửa chống radar Kh-31 chế áp hỏa lực phòng không của Gruzia theo chiến thuật tấn công tầm thấp men qua vùng rừng núi bắc Kavka.

Có tin cho rằng, Su-34 đã diệt một đài radar nhìn vòng 36D6 và loại khỏi vòng chiến một số đài radar của các tổ hợp tên lửa phòng không Buk và S-125 của đối phương. Trong khi đó, một nguồn tin trong Không quân Nga lại cho rằng các chiến công này đều của Su-24.

Su-34 cũng được cho là đã xuất kích tham gia "tìm diệt" phiến quân ở Dagestan và Ingushetia vào năm 2012. Tuy nhiên, hiệu suất chiến đấu của chúng không được như mong muốn khi hệ thống radar và quang ảnh nhiệt không phát huy được tính năng.

Trước những nguồn tin trái ngược nhau như vậy, người ta có quyền đặt dấu hỏi về tính năng thực sự của Su-34 và có lẽ cũng chính vì vậy mà phải sau gần 25 năm kể từ ngày cất cánh lần đầu tiên, Su-34 mới chính thức được Không quân Nga chấp nhận đưa vào trang bị.

Đồng thời, Không quân Nga phải nâng cấp, hiện đại hóa để tiếp tục kéo dài niên hạn sử dụng của Su-24 nhằm duy trì lực lượng máy bay ném bom chiến thuật chuyên nhiệm bởi sự chậm chễ trong việc phát triển của Su-34.

Rõ ràng, trong tương lai, các nhà thiết kế vẫn còn nhiều việc phải làm để Su-34 trở nên hoàn thiện hơn để đảm đương tốt không chỉ nhiệm vụ của Su-24 mà còn một phần nhiệm vụ của dòng máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3.

Trong tương lai gần, các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 và có thể thêm cả Su-30SM vẫn sẽ là dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam

Trong tương lai gần, các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 và có thể thêm cả Su-30SM vẫn sẽ là dòng máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Việt Nam

Việt Nam đã thực sự cần Su-34?

Bên cạnh hiệu suất chiến đấu chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là sau vụ tai nạn gần đây, dù được cho là do lỗi của đội ngũ nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả của Su-34 vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, đơn giá của Su-34 và các vũ khí đi kèm không hề rẻ, nhất là đối với Việt Nam - quốc gia vốn có ngân sách eo hẹp.

Theo Hãng thông tấn RIA Novosti, mỗi chiếc Su-34 sản xuất cho Không quân Nga có giá khoảng 36 triệu USD (trước 2007), đến nay, sau gần 10 năm, trượt giá cùng với những yếu tố khác chắc chắn sẽ đẩy giá thành của nó lên cao hơn rất nhiều.

Theo ước tính của một số chuyên gia, đơn giá xuất khẩu của mỗi chiếc Su-34 có thể lên tới khoảng 65 triệu USD mà chưa bao gồm vũ khí đi kèm. Có lẽ mức giá này vượt quá khả năng tài chính của Việt Nam trong tương lai gần.

Đặc biệt, ưu tiên đối với không quân Việt Nam hiện nay là dành cho các loại máy bay tiêm kích đa năng như Su-30MK2/SM vốn có thể làm một công đôi ba việc là cả đối không, đối hải và đối đất, cho dù khả năng đối hải, đối đất thua kém hơn so với Su-34 rất nhiều.

Chưa kể, Việt Nam chủ trương phòng thủ là chính thì nếu được trang bị, Su-34 dường như sẽ không phát huy hết tính năng tiến công tầm xa bằng vũ khí chính xác, cho dù nó hoàn toàn có thể đáp ứng tốt yêu cầu chi viện bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Không quân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã nhấn mạnh:

tổng tham mưu trưởng qđnd việt nam
thượng tướng đỗ bá tỵ
Là một trong 2 lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân đội xác định tiến thẳng lên hiện đại, lực lượng Phòng không - Không quân thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết không để bị động bất ngờ, lỡ thời cơ; tiếp tục tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc chiến tranh trước đây và những cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây để vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Quân chủng Phòng không - Không quân cần quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, tại thời điểm này, việc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Ukroboronprom (Ukraina) cho rằng Việt Nam sẽ mua Su-34 là hơi sớm và nếu có thì khả năng cao cũng chỉ ở mức "quan tâm" mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại