Đức đã giảm số tăng chiến đấu Leopard 2 từ 3.500 chiếc hồi đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh xuống còn 225 chiếc, theo kế hoạch hiện hành.
Nhưng báo Sddeutsche Zeitung hôm 26.2 nêu có thể sẽ tăng thêm số tăng này, cùng nhiều loại vũ khí khác.
Người phát ngôn Jens Flossdorf của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen xác nhận với báo này:
“Bảo vệ tổ quốc và bảo vệ đồng minh luôn là nhiệm vụ quan trọng của quân đội Đức, và trong năm qua, việc này đã trở thành quan trọng.
NATO đã lập các mục tiêu mới về tính cơ động, phản ứng nhanh. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang xem xét việc bổ sung và hiện đại hóa những cơ sở hiện có”.
Nhưng ông nói những thay đổi này không xảy ra trong vài tháng tới, mà trong thập niên tới và không được tính trong ngân sách quốc phòng 2016.
Theo trang tin Local.de, việc mở rộng khả năng triển khai xe bọc thép hiện có sẽ giúp kéo số tăng thời Chiến tranh Lạnh ra khỏi kho, thay vì mua các chiếc mới.
Vấn nạn nội bộ của quân đội Đức là hệ thống “quản lý cơ động”, khiến quân nhân và các đơn vị phải chia nhau sử dụng số tăng và vũ khí hiện đại khi cần.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng trong tuần này thừa nhận: “sự chia nhau sử dụng” này rất tệ, sau vụ bẽ mặt dùng cán chổi làm súng máy trong một cuộc tập trận của NATO.
Không có kế hoạch tăng tầm cỡ hiện nay của quân đội Đức, mà chỉ là bù đắp sự thiếu hụt nói trên, đáp ứng yêu cầu của binh lính và các chuyên gia chính trị quốc phòng.
Tổng tham mưu Bundeswehr, tướng Volker Wieker đã xác nhận sự thiếu hụt vũ khí với tiểu ban quốc phòng thuộc Bundestag (quốc hội Đức).
Ông hứa sẽ báo cáo tác động của hệ thống “quản lý cơ động” trên khả năng Bundeswehr trong việc đáp ứng các điều kiện bắt buộc của NATO.
Chủ tịch tiểu ban quốc phòng Hans-Peter Bartels nói:
“Nếu chúng ta muốn có một hệ thống phòng thủ đồng minh đáng tin cậy cho châu Âu, thì quân đội Đức phải được trang bị đầy đủ. Một tiểu đoàn tăng mà không có xe tăng thì không thể là một tiểu đoàn tăng”.
Ông gợi ý Đức trong tương lai nên có 300 tăng chiến đấu, và việc này sẽ không tốn nhiều tiền, vì đang còn nhiều tăng cũ trong kho.
Các nghị sĩ trong hai nhóm của liên minh cầm quyền Đức đều kêu gọi Đức tái vũ trang cho quân đội.
Bất kỳ sự tái vũ trang nào cũng sẽ khiến công nghiệp quốc phòng Đức hoan nghênh. Trước đây, vì châu Âu giảm chi quốc phòng và siết chặt mảng xuất khẩu vũ khí, nên công nghiệp vũ khí Đức bị giảm doanh số.
Theo Reuters, hiện các sĩ quan an ninh đang xem xét một kịch bản đối phó khủng hoảng: cộng đồng thiểu số Nga ở 3 nước vùng biển Baltic (Latvia, Litva, Estonia) tổ chức một cuộc nổi loạn như ở đông Ukraine.
Việc này sẽ khiến NATO phải bảo vệ vùng biên phía đông dài 2.000 km ở vùng Baltic và Ba Lan.
Đức sẽ giữ một vai trò quan trọng, nên số 225 tăng chiến đấu hiện có là không đủ, theo một quan chức cấp cao Đức cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon đã mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là “nỗi nguy hiểm thực sự và tức thời” cho Litva, Latvia, Estonia và NATO cần sẵn sàng đập tan bất kỳ cuộc xâm lược nào.