Tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa dẫn đường lớp Jin Type 094 của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa với cả Mỹ và Nga. Theo Sina, JL-2 có thể tấn công tới khu vực bờ biển nước Mỹ.
Một vệ tinh của Mỹ đã phát hiện tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực gần bờ biển Đại Liên. Trong khi đó, Bắc Kinh dự kiến đưa Type 094 vào sử dụng ngay cuối năm nay, Want China Times đưa tin.
Ngoài ra, 16 quả tên lửa đạn đạo JL-2 được trang bị trên tàu ngầm Type 094 còn có tầm bắn từ 8.000 - 12.000 km.
Do đó, JL-2 đã trở thành loại vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc có khả năng hăm dọa đối phương.
Như nhà phân tích chiến lược độc lập Nicolas Giacometti, tác giả của loạt bài phân tích trên tờ The Diplomat và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định:
"Lần đầu tiên trong lịch sử, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ không bị tổn thương trong các cuộc tấn công phủ đầu. Đây là bước nhảy vọt cuối cùng giúp Trung Quốc tăng khả năng trả đũa hạt nhân".
Trong khi đó, kể từ sau năm 2006, Quốc hội Mỹ đã không thể nắm bắt chính xác thông tin số lượng tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đang sở hữu.
Do đó, Washington đã cố gắng tìm hiểu độ dài các đường hầm mà Trung Quốc sử dụng để cất giữ các loại vũ khí hạt nhân và đầu đạn hạt nhân nhằm dự đoán số lượng.
Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ cũng đã biên soạn bản báo cáo về “Vạn Lý Trường Thành hạt nhân” dưới lòng đất của Trung Quốc đồng thời đề nghị quân đội Mỹ tiêu diệt những cơ sở ngầm cũng như số vũ khí hạt nhân mà Bắc Kinh đang sở hữu.
Tuy nhiên, việc trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 trên tàu ngầm Type 094 cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi phát triển thế hệ tên lửa có thể phóng được từ mặt đất và trên biển. Theo đó, JL-2 là thế hệ cải tiến của tên lửa phóng từ mặt đất DF-31.
Thậm chí, JL-2 còn được phóng ở tốc độ cao hơn mọi thế hệ tên lửa đạn đạo khác, khiến vệ tinh đối phương khó có thể phát hiện ra thời điểm JL-2 khai hỏa.
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa JL-2.
Trên mặt đất, Mỹ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hiểu các thế hệ tên lửa đạn đạo di động của Trung Quốc. Việc phát hiện các loại vũ khí này là cực kỳ khó khăn bởi nó có thể được phóng từ nhiều khu vực khác nhau bao gồm cả trên đường cao tốc.
Điển hình, Washington từng "sững sờ" khi Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo di động hồi tháng Chín. Động thái này cho thấy năng lực hạt nhân của Trung Quốc đã có thể cạnh tranh với Nga và Mỹ.
Ngoài ra, hành động này còn chứng minh Bắc Kinh đã có thể tổ chức phản công bằng vũ khí hạt nhân.
Trong nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã cố gắng theo dõi các tên lửa đạn đạo di động trên khắp thế giới với tần suất 24 giờ/ngày nhưng chưa có kết quả.
Do đó, Washington đang lên kế hoạch phóng thêm 21 vệ tinh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020 để đạt được mục tiêu do thám trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times là trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan).
Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.