Trong bài viết có tựa đề "Việt Nam - đối tác của Nga trong khu vực", Báo Độc lập của Nga tiết lộ thông tin rằng, một số hợp đồng quân sự quan trọng có thể được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra hôm nay (12/11).
Báo Độc lập nhấn mạnh rằng, đây là chuyến thăm thứ ba tới Việt Nam của người đứng đầu nhà nước Nga Vladimir Putin, mà theo bộ phận truyền thông của điện Kremlin, sự kiện này sẽ mở ra "một trang tươi sáng trong lịch sử quan hệ hữu nghị giữa 2 nước". Dự kiến, hai bên sẽ ký kết 16 nghị định hợp tác, thảo luận về quan hệ song phương, tình hình chính trị ở Đông Nam Á, đồng thời mở ra những ngày văn hóa Nga ở Việt Nam.
Đánh giá toàn diện mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực Nga-Việt, bài báo nhấn mạnh tới mối quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự ngày càng nồng ấm giữa Moscow và Hà Nội, trong đó nêu bật những thành tựu hợp tác quốc phòng đã đạt được trong những năm qua. Việt Nam đứng thứ 5 trong những đối tác quan trọng mua vũ khí của Nga và Hà Nội luôn tích cực chú trọng vào việc trang bị các thiết bị quân sự hiện đại cho quân đội.
Trong 10 năm qua, giá trị các hợp đồng đã lên tới 2,7 tỷ USD. Trong đó, trừ những vũ khí thông thường, còn có máy bay Su-27SK và Su-27UBK, máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2V và đáng chú ý nhất là bài báo có đề cập tới việc Việt Nam đàm phán mua máy bay chiến đấu thế hệ mới Su-35. Nếu đúng như vậy thì đây là lần đầu tiên giới truyền thông Nga tiết lộ về việc Việt Nam có thể mua các chiến đấu cơ tối tân nhất của Moscow.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây tuyên bố rằng, Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hạm đội tàu ngầm. Đến năm 2016, chiếc cuối cùng trong loạt 6 tàu ngầm diesel-điện Project 636 Kilo sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Trong khi đó, chiếc đầu tiên là tàu ngầm Hà Nội, theo kế hoạch sẽ chính thức gia nhập Hải quân Việt Nam vào cuối tháng 1/2014.
Theo Báo độc lập, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng là người đầu tiên trong các nhà quân sự cấp cao Nga, đã đến thăm quân cảng Cam Ranh kể từ khi căn cứ này được Hạm đội Thái Bình Dương trả lại cho Việt Nam trong năm 2002.
Hoài niệm về căn cứ hải quân mang ý nghĩa chiến lược Cam Ranh, Đô đốc Hải quân Viktor Chirkov cho biết, Hải quân nga đang nghiên cứu khả năng thiết lập các cơ sở dịch vụ hầu cần cho tàu Nga đặt ở Cuba, Seychelles và Việt Nam. Sáu tháng trước, Hà Nội cũng đã chấp thuận việc cho phép các tàu chiến Nga ghé vào cảng để tiếp nhiên liệu, bổ sung thực phẩm cũng như sửa chữa. Theo một số báo cáo, ở căn cứ Cam Ranh sẽ có một khu nghỉ dưỡng cho các thủy thủ Nga và thỏa thuận này có thể sẽ được ký kết tại Hội nghị cấp cao ở Hà Nội.