Theo tờ VPK (Nga), khi đề cập tới 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard tiếp theo đóng cho Hải quân Việt Nam, ông Renat Mistahov - giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã tiết lộ thông tin rất bất ngờ rằng, 2 con tàu này có thể sử dụng động cơ và bộ truyền động của Đức.
Hình ảnh buổi lễ đặt ky cặp tàu Gepard thứ 2 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Cụ thể, trong phát biểu của mình, ông Mistahov nhấn mạnh rằng, việc đóng 2 tàu Gepard cho Việt Nam sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng.
"Không có bất kỳ vấn đề nào với châu Âu. Các công ty MAN và RENK của Đức sẽ cung cấp động cơ và thiết bị truyền động cho 2 tàu Gepard. Họ đã được cho phép xuất khẩu các sản phẩm này sang Nga," ông Mistahov nói.
Hình ảnh mô hình tàu Gepard được nhà máy Zelenodolsk mang đến triển lãm LIMA-2015.
Thông tin 2 tàu Gepard tiếp theo của Việt Nam sử dụng động cơ của Đức trái với nhiều dự đoán cho rằng các tàu này sẽ sử dụng động cơ do Ukraine chế tạo, tương tự như nhiều tàu chiến của Hải quân Việt Nam, trong đó có tàu Molniya.
Song, trước đó, tại triển lãm Indo Defence 2014, ông Evgeny Matveyev, kỹ sư trưởng phòng thiết kế Zelenodolsk (nơi phát triển các tàu thuộc đề án 11661 lớp Gepard) từng nói rằng:
Cặp tàu Gepard mới đóng cho Việt Nam sẽ sử dụng động cơ hiện đại với hiệu suất được nâng cấp so với cặp tàu đầu tiên.
Xét theo tuyên bố này của ông Matveyev thì thông tin 2 tàu Gepard tiếp theo của Việt Nam sử dụng động cơ và bộ truyền động của Đức khá hợp lý.
Quá trình đóng cặp tàu Gepard thứ 2 cho Hải quân Nhân dân Việt Nam được thực hiện tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước Việt - Nga.
Vào ngày 24/09/2013, tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã diễn ra buổi lễ đặt ky đóng 2 tàu Gepard tiếp theo cho Việt Nam.
Tháng 11/2014, theo hãng tin Itar-Tass, 2 tàu Gepard mà Nga đang đóng cho Việt Nam sẽ được bàn giao đúng thời hạn là vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, tới tháng 3/2015, phát biểu bên lề triển lãm LIMA 2015, ông Renat Mistahov cho hay, các con tàu dự kiến sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2017 và 2018.
Theo VPK, ông Mistahov cho biết thêm rằng, quá trình thử nghiệm 2 tàu cũng sẽ không diễn ra trên biển Baltic như dự kiến ban đầu mà chuyển sang biển Đen do gặp khó khăn trong việc vận chuyển tàu trên sông Volga.
Quá trình bảo hành cũng sẽ áp dụng tương tự như cặp tàu đầu tiên, thời gian bảo hành là 2 năm và một nhóm các chuyên gia từ nước cộng hòa Tatarstan (nơi đặt nhà máy Zelenodolsk) sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình vận hành tàu.