Việt Nam đặt mua tới 6 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9?

Tuấn Sơn |

Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam có thể đã đặt mua tới 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9.

Bước tiến lớn, tiến thẳng lên hiện đại

Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, việc tiếp nhận 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 đầu tiên năm 2011 đã đánh dấu bước tiến quan trọng, thay đổi về chất của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Lần đầu tiên Bộ đội Hải quân có tàu hộ vệ tên lửa với vũ khí, trang bị hiện đại, sức răn đe cao, uy lực lớn, có thể tác chiến biển xa, dài ngày.

Ngoài cấu hình vũ khí, trang bị như tổ hợp tên lửa đối hạm Uran-E, pháo - tên lửa phòng không Palma-SU, radar cảnh giới nhìn vòng Pozitive-ME, thì trái tim của Gepard 3.9 chính là hệ thống chỉ huy, kiểm soát Sigma-E tiên tiến.

Bên cạnh đó, khả năng gây nhiễu, chế áp điện tử cũng được đảm bảo bởi hệ thống tác chiến điện tử MP-407E hết sức hiện đại.

Dẫu vậy, cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên chưa được trang bị sonar dưới thân nên khả năng săn ngầm cũng hạn chế ít nhiều. Chính vì vậy, các tàu tiếp theo đang được đóng đã bổ sung tính năng săn ngầm tiên tiến, đúng với cấu hình vốn có là tàu hộ vệ đa năng.

Hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam, nhận năm 2011 và 2012.

Đặt mua 6 tàu - Tại sao không?

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc Việt Nam đặt mua tới 6 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, nhưng phân tích một cách logic thì các chỉ dấu dưới đây có thể chứng minh đó là khả năng có thật:

Thứ nhất, theo thống kê của SIPRI - nguồn dữ liệu vốn luôn được đánh giá là khá tin cậy thì ngoài hợp đồng đóng mới 2 chiếc Gepard 3.9 tiếp theo, tính tới cuối năm 2013, Việt Nam đã đàm phán hợp đồng đóng cặp tàu thứ 3, nâng tổng số lên 6 chiếc.

Một phần bản thống kê của SIPRI, có thể thấy ngoài 2 tàu đã ký hợp đồng đóng mới vào năm 2012 thì 2 tàu còn lại đang trong quá trình đàm phán.

Thứ hai, Học viện Hải quân đã được trang bị hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp vận hành tàu Gepard 3.9 hết sức hiện đại, cho phép tiết kiệm rất nhiều chi phí so với thực hành trên tàu.

Các bài tập mô phỏng được xây dựng rất đa dạng, độ khó có thể đẩy lên đến giới hạn tối đa theo tính năng của tàu, đảm bảo các kíp tàu thành thục, nhuần nhuyễn trong việc vận hành cũng như xử lý tình huống chiến đấu.

Kể cả việc chỉ dừng lại ở 4 tàu thì việc đầu tư như vậy vẫn là hết sức cần thiết, dù Hải quân Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo 1 kèm 1 ngay trên tàu thật.

Nhưng sẽ hợp lý hơn, hiệu quả hơn nếu hệ thống mô phỏng hoạt động hết công suất để đào tạo nhiều kíp tàu nối tiếp nhau, đáp ứng số tàu Gepard sẽ được trang bị ngày càng nhiều hơn.

Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp vận hành tàu Gepard 3.9 của Việt Nam.

Liệu có tàu Gepard 3.9 “Made in Vietnam”?

Ngày 18/3, tại Triển lãm LIMA-2015 ở Malaysia, ông Renat Mistahov - Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu Zelenodolsky cho biết, 2 tàu Gepard 3.9 tiếp theo sẽ được lần lượt chuyển giao vào năm 2017 và 2018.

Trong đó, tàu 956 (số hiệu nhà máy) đang thi công hệ thống điện còn tàu 957 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Như vậy, có thể thấy tiến độ giao tàu có vẻ chậm hơn kế hoạch là chiếc đầu tiên giao cuối năm 2016 và chiếc thứ 2 giao trong năm 2017.

Hai tàu Gepard 3.9 đang được thi công tại Nhà máy Zelenodolsky, trong đó tàu 956 (bên phải) đã lắp pháo chính

Hai tàu Gepard 3.9 đang được thi công tại Nhà máy Zelenodolsky, trong đó tàu 956 (bên phải) đã lắp pháo chính.

Dù ông Renat Mistahov không tiết lộ lý do nhưng có thể thấy nguyên nhân chậm chễ là do nhà máy đang thực hiện cùng lúc nhiều dự án khác nhau cho Hải Quân Nga.

Ngoài ra, việc chuyển giao động cơ chính của tàu từ Ukraine gặp trục trặc do lệnh đóng băng quan hệ quốc phòng của nước này với Nga cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.

Với chủ trương làm chủ công nghệ và từ thực tế Dự án đóng tàu M, đội ngũ cán bộ, kỹ sư lành nghề của Ba Son và các nhà máy đóng tàu quân sự trong nước đang ngày càng lớn mạnh, việc đóng tàu Gepard 3.9 “Made in Vietnam” theo hợp đồng chuyển giao công nghệ là hoàn toàn khả thi.

Ngoài việc “giảm tải” cho Nhà máy Zelenodolsky, việc đóng tàu trong nước sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Điển hình là với Dự án tàu M, Tổng công ty Ba Son đã tiết kiệm cho Nhà nước tới 20 triệu USD, trong đó riêng chi phí thuê chuyên gia nước ngoài giảm hơn 10 triệu USD.

Cập nhật cấu hình cặp tàu Gepard 3.9 thứ 2

Tại Lễ đặt ky đóng mới 2 tàu thuộc Dự án 15310 cho Hải Quân Nga đầu tháng 1/2015, Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã công bố những bức ảnh mới nhất về 2 tàu Gepard 3.9 của Việt Nam.

Có thể thấy phần thân tàu gần như đã hoàn thiện, thượng tầng đang được thi công. Bên cạnh đó, mô hình tàu Gepard 3.9 cải tiến cũng được nhà máy trưng bày tại buổi lễ này.

Mô hình hoàn chỉnh của tàu Gepard-3.9 mới với cấu hình vũ khí, trang bị hầu như không khác so với 2 tàu đầu tiên. Thay đổi lớn nhất là tàu có sonar săn ngầm gắn dưới thân.
Mô hình hoàn chỉnh của tàu Gepard 3.9 mới với cấu hình vũ khí, trang bị hầu như không khác so với 2 tàu đầu tiên. Thay đổi lớn nhất là tàu có sonar săn ngầm gắn dưới thân.

Xét về mặt cấu hình, có thể thấy vũ khí trang bị hầu như không khác so với các tàu 011 - Đinh Tiên Hoàng và 012 - Lý Thái Tổ, ngoại trừ có thêm sonar săn ngầm dưới thân và cửa phóng ngư lôi bên hông tàu.

Trên tàu 956 (số hiệu nhà máy), nhìn kỹ bố trí phía trước tháp chỉ huy, ta có thể thấy hoàn toàn không có chỗ cho hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng mà vẫn là tháp pháo AK-176 (đã lắp) cùng bệ tên lửa - pháo phòng không Palma-SU.

Phía sau tàu không có hangar chứa máy bay và cũng chỉ có 2 pháo bắn nhanh AK-630M.

Như vậy, khác biệt lớn nhất so với 2 tàu đầu tiên là các tàu mới sẽ có thêm chức năng săn ngầm hoàn chỉnh và chắc chắn sẽ có một số thay đổi nhỏ về thiết kế nhằm tối ưu hóa tính năng dựa trên những góp ý từ kinh nghiệm vận hành thực tế của các kíp tàu Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại