"Bắc Đẩu" của Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh với GPS của Mỹ

TN |

Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc đã được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận.

Đây là một bước quan trọng nằm trong chiến lược của Trung Quốc cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ.

Tại hội nghị tổ chức từ ngày 17-21/11 vừa qua, Ủy ban An ninh trên biển thuộc IMO phụ trách việc đưa ra các tiêu chuẩn vận chuyển đường biển quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức đưa hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc vào hệ thống dẫn đường vô tuyến điện toàn cầu.

Điều này có nghĩa là sau hệ thống GPS của Mỹ và Glosnass của Nga, hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc đã trở thành hệ thống dẫn đường vệ tinh trên biển được LHQ công nhận.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hệ thống Bắc Đẩu vẫn chưa hoàn thiện và gần như chưa thể sánh được với GPS trong phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, GPS chiếm tới 95% thị trường dẫn đường Trung Quốc. Theo một chuyên gia của Đại học California, đó là vì sự tin cậy, độ chính xác và giá thành rẻ của GPS đã được thừa nhận mấy chục năm nay.

Năm 2000, Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống Bắc Đẩu, sau đó đầu tư nguồn vốn khổng lồ để phát triển hệ thống này nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào GPS.

Trung Quốc đã quy định các cơ quan chính phủ phải sử dụng Bắc Đẩu, bao gồm Bộ Công an, các bộ ngành cứu nạn và du lịch.

Theo báo chí Trung Quốc, năm 2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc từng hối thúc các nhà nghiên cứu nâng cao khả năng chống nhiễu của hệ thống Bắc Đẩu và coi đây là một cột mốc trong xây dựng tin học hóa quân đội và quốc gia.

Năm 2013, Ủy ban Phát triển cải cách quốc gia Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch phát triển trung và dài hạn đối với hệ thống này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại