Tàu sân bay São Paulo số hiệu A12 của Hải quân Brazil vốn là chiếc Foch thuộc lớp Clemenceau của Hải quân Pháp. Tàu được hạ thủy ngày 15/11/1957, chạy thử nghiệm ngày 23/7/1960, chính thức hoạt động ngày 15/7/1963 và bị loại khỏi biên chế vào tháng 9/2000.
Sau đó vào ngày 15/11/2000, Hải quân Brazil đã mua lại chiếc hàng không mẫu hạm này với giá chỉ 12 triệu USD và đổi tên thành São Paulo (A12) để thay thế tàu sân bay Minas Gerais được đóng từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai đã trải qua rất nhiều năm phục vụ.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 24.200 tấn và 32.800 tấn khi đầy tải; dài 265 m; rộng 31,7 m; mớn nước 8,6 m. Thủy thủ đoàn 1.338 người với 64 sĩ quan (1.920 người kể cả phi hành đoàn hoặc 984 người nếu tàu chỉ mang theo trực thăng).
Hệ thống động lực gồm 6 nồi hơi và 4 turbine hơi nước có tổng công suất 126.000 mã lực (94 MW) cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h (59 km/h); tầm hoạt động 7.500 hải lý (13.900 km) khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h.
Tàu được trang bị radar cảnh giới trên không DRBV-23B và DRBI-10, radar tìm kiếm độ cao thấp và bề mặt DRBV-50 (sau đó được thay thế bằng radar DRBV-15), radar kiểm soát cự ly gần NRBA-50, radar kiểm soát hỏa lực DRBC-31/32 và radar hàng hải DRBN-34.
São Paulo (A12) có khả năng mang theo 39 máy bay trong đó có 22 phản lực và 17 trực thăng. Phi đội máy bay chủ lực trên tàu sân bay Brazil là A-4KU Skyhawk (Brazil gọi là AF-1) được mua lại từ Kuwait với giá 70 triệu USD. Trong ảnh: máy bay A-4KU Skyhawk trên tàu sân bay São Paulo.
Ngoài A-4KU Skyhawk, trên tàu còn có phi đội trực thăng hỗn hợp gồm AS-532 Cougar, HB-350 và HB-355 Ecureuil cùng với SH-3 Sea King. Trong ảnh: trực thăng SH-3 Sea King trên tàu sân bay São Paulo.
Không chỉ phục vụ cho riêng Hải quân Brazil, chiếc tàu sân bay này còn là nơi tập luyện của các phi công thuộc Hải quân Argentine. Trong ảnh là máy bay S-2T của Hải quân Argentine trên tàu sân bay São Paulo.
Cận cảnh chiếc Grumman S-2T Tracker của Hải quân Argentine hoạt động trên tàu São Paulo. Hải quân Trung Quốc cũng được cho là một "học viên" của Brazil khi họ đã cử một số đoàn sang tìm hiểu kinh nghiệm vận hành tàu sân bay.
Để chống lại các cuộc tấn công đường không, São Paulo được trang bị 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn SACP Crotale EDIR do Pháp chế tạo (16 tên lửa).
Tên lửa Crotale có tầm bắn tối đa 16 km, trần bay 9 km, tốc độ 1.200 m/s, mang theo đầu đạn nặng 13 kg với hệ dẫn đường kết hợp hồng ngoại và radio, được cho là có khả năng tiêu diệt tên lửa đối hạm bay thấp.
Bên cạnh đó là 4 bệ phóng đôi Simbad của tên lửa phòng không vác vai Mistral. Tên lửa Mistral có tầm bắn 6 km, vận tốc 800 m/s, mang theo đầu đạn nặng 2,95 kg và sử dụng đầu dò hồng ngoại.
Nhiệm vụ chống tàu chiến mặt nước hay các mục tiêu ven bờ được giao cho 4 pháo 100 mm. Loại pháo này có tầm bắn tối đa 17 km ở góc 40 độ, tầm bắn hiệu quả đạt 6 km với mục tiêu trên không hoặc 12 km với mục tiêu mặt nước. Hỗ trợ cho pháo 100 mm là 5 súng máy hạng nặng 12,7 mm.
Hải quân Brazil gần đây đã công bố kế hoạch nâng cấp, kéo dài thời gian sử dụng của các máy bay A-4 đến năm 2025. Như vậy, tối thiểu tàu sân bay São Paulo cũng phải phục vụ cho tới tận năm đó. Trong ảnh: Tàu sân bay São Paulo (A12) song hành cùng USS Ronald Reagan (CVN-76) của Mỹ.