AV-8A Harrier, máy bay V/STOL đầu tiên của Thủy quân Lục chiến Mỹ

ĐTN |

Sự thành công và tiện dụng nhờ khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng của Harrier G.R.1 trong Không quân Hoàng gia Anh đã gây ấn tượng mạnh cho Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Xem phần trước: Harrier của Không quân Hoàng gia Anh gồm những phiên bản nào?

Sự ra đời của AV-8A Harrier dành cho Thủy quân Lục chiến Mỹ

Thủy quân Lục chiến Mỹ (US Marine Corp) luôn muốn sở hữu một máy bay tấn công cánh cố định có thể hỗ trợ cho lực lượng mặt đất nhanh chóng và tức thời, nó sẽ cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công ngoài khơi cách xa bờ biển.

Phó Tham mưu trưởng Hàng không, Thiếu tướng Keith McCutcheon đã đưa hai phi công là Đại tá Tom Miller và Thiếu tá Bud Baker đến Triển lãm hàng không Farnborough 1968 để quan sát Harrier và học lái chiếc máy bay này trong 2 tuần ở Dunsfold.

Cả hai phi công đều có chung phàn nàn về Harrier như: phanh càng đáp rung và kêu khi di chuyển trên đường băng, cánh đuôi bị rung khi hoạt động ở độ cao thấp, phải tháo cánh chính ra khi bảo dưỡng động cơ, tầm nhìn kém ở phía sau.

Nhưng nhìn chung, họ rất ấn tượng và trở về Washington với báo cáo tích cực cho chiếc máy bay mới.

Hải quân Mỹ nhanh chóng lập một Nhóm Đánh giá Sơ bộ (Navy Preliminary Evaluation/NPE - bước đầu tiên trước khi đưa vào trang bị một loại máy bay mới) và làm việc trong vòng 3 tháng. Sau đó Hải quân đặt mua 12 chiếc YAV-8A Harrier (c/n-158384/158395) cho Thủy quân Lục chiến.


Chiếc YAV-8A đầu tiên (c/n-158384)

Chiếc YAV-8A đầu tiên (c/n-158384)

AV-8A được Hawker gọi là Mk.50 để phân biệt với Harrier G.R.1 của Anh. AV-8A tương tự Harrier G.R.1, bao gồm động cơ Pegasus 102, hệ thống tấn công dẫn đường quán tính Ferranti FE541.


Máy bay cường kích cất/hạ cánh thẳng đứng AV-8A Harrier

Máy bay cường kích cất/hạ cánh thẳng đứng AV-8A Harrier

Nhưng AV-8A khác Harrier G.R.1 ở hệ thống liên lạc và mang được tên lửa AIM-9 Sidewinder ở 2 giá treo ngoài cùng. Ngoài 12 chiếc YAV-8A do Hải quân đặt mua, Thủy quân Lục chiến Mỹ mua thêm 102 chiếc AV-8A và 8 chiếc TAV-8A (Mk.54) - phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi của AV-8A.


Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi TAV-8A Harrier

Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi TAV-8A Harrier

Rất hiếm khi thấy một loại máy bay không phải do Mỹ chế tạo được trang bị trong quân đội. Quốc hội Mỹ không hài lòng về việc này và sẽ phủ quyết việc chi hàng triệu USD cho một chiến đấu cơ “nước ngoài”.

Vì vậy, Hawker Siddeley đã ký hợp đồng có thời hạn 15 năm, chuyển giao giấy phép sản xuất Harrier cho McDonnell Douglas. Tuy nhiên do vấn đề ngân sách nên tất cả số AV-8 đều do Hawker Siddeley chế tạo. Trong thời gian hoạt động, Thủy quân Lục chiến Mỹ đã cải tiến nhẹ các máy bay AV-8A.

Hệ thống dẫn đường tấn công quán tính Ferranti FE541 do quá phức tạp và thời gian cài đặt trước khi bay quá lâu nên người Mỹ đã loại bỏ và trang bị một máy tính giao diện vũ khí mới, bắt đầu từ chiếc AV-8A thứ 60 trở đi. Hệ thống này có tên I/WAC (Interface/Weapons Aiming Computer).

Ngoài ra, máy bay còn được thay thế ghế phóng Martin Baker Mk.9 bằng ghế phóng Stencel SEU-3/A theo tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ.


Do không có hệ thống dẫn đường tấn công quán tính Ferranti FE541 nên buồng lái của AV-8A nhìn đơn giản hơn Harrier G.R.1, đặc biệt là không có màn hình hiển thị bản đồ bay

Do không có hệ thống dẫn đường tấn công quán tính Ferranti FE541 nên buồng lái của AV-8A nhìn đơn giản hơn Harrier G.R.1, đặc biệt là không có màn hình hiển thị bản đồ bay

AV-8C Harrier - Bản nâng cấp của AV-8A


AV-8C Harrier, đặc điểm nhận biết là ăng ten cảnh báo radar AN/ALR-45F lắp ở 2 đầu cánh chính và phía đuôi sau máy bay (khoanh đỏ), tháo bỏ camera F.95 ở mũi (khoanh xanh)

AV-8C Harrier, đặc điểm nhận biết là ăng ten cảnh báo radar AN/ALR-45F lắp ở 2 đầu cánh chính và phía đuôi sau máy bay (khoanh đỏ), tháo bỏ camera F.95 ở mũi (khoanh xanh)

Giữa những năm 1979 và 1984, có tổng cộng 47 chiếc AV-8A đã được cải tiến với các hệ thống như ăng ten cảnh báo radar AN/ALR-45F lắp ở 2 đầu cánh chính và phía đuôi sau máy bay, bộ phóng mồi bẫy lắp ở thân sau AN/ALE-39.

Máy bay còn được bổ sung 1 bệ phóng mồi bẫy nhiễu xạ AN/ALE-37 ở giá treo chính giữa thân và hệ thống cung cấp oxy thế hệ mới (OBOGS). Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng loại bỏ camera F.95 và thiết bị radio AN/ARC-150.


Bệ phóng mồi bẫy nhiễu xạ AN/ALE-37 ở giá treo chính giữa thân

Bệ phóng mồi bẫy nhiễu xạ AN/ALE-37 ở giá treo chính giữa thân

Những máy bay sau khi cải tiến được đổi tên thành AV-8C và phi đội VMA-513 được trang bị phiên bản này. Tuy nhiên AV-8C có thời gian phục vụ khá ngắn, đến năm 1987 chúng bị loại biên cùng với toàn bộ số AV-8A để tiếp nhận biến thể hiện đại hơn.


AV-8C Harrier trên bảo tàng tàu sân bay Intrepid

AV-8C Harrier trên bảo tàng tàu sân bay Intrepid

VA.1/VAE.1 Matador 


VA.1 Matador còn có tên gọi khác là AV-8S Matador do Hải quân Tây Ban Nha mua lại từ những chiếc AV-8A của Mỹ, máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tương tự Harrier G.R.3, để ý trên cánh đuôi đứng lắp ăng ten cảnh báo radar Marconi ARI.18223

VA.1 Matador còn có tên gọi khác là AV-8S Matador do Hải quân Tây Ban Nha mua lại từ những chiếc AV-8A của Mỹ, máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tương tự Harrier G.R.3, để ý trên cánh đuôi đứng lắp ăng ten cảnh báo radar Marconi ARI.18223

Với một chút mưu đồ chính trị, Tây Ban Nha trở nên quan tâm đến dòng máy bay Harrier trong năm 1972. Tuy nhiên họ không thể mua Harrier trực tiếp từ Hawker Siddeley do hai chính phủ đang có mâu thuẫn.

Mặc dù vậy, Hải quân Tây Ban Nha rất muốn có Harrier để trang bị cho tàu sân bay SNS Dédalo (Tàu sân bay USS Cabot cũ của Mỹ), nên Hawker Siddeley sắp xếp một buổi trình diễn cất/hạ cánh của Harrier trên chiến hạm này.

Tây Ban Nha lúc này không cho bất cứ một máy bay nào của Anh bay qua lãnh thổ của họ, vì thế tàu SNS Dédalo phải bơi đến vùng biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Bồ Đào Nha để phi công Jon Farley điều khiển chiếc Harrier G.R.3 bay từ Anh hạ cánh xuống sàn tàu SNS Dédalo.

Buổi trình diễn rất thành công nhưng chính phủ Tây ban Nha vẫn không chịu mua Harrier từ Anh, mặc dù Anh sẵn sàng xuất khẩu loại máy bay này cho đối thủ.


VA.1 Matador bay qua tàu sân bay SNS Dédalo

VA.1 Matador bay qua tàu sân bay SNS Dédalo

Tây Ban Nha chuyển sang Mỹ và ngỏ lời muốn mua lại những chiếc AV-8A và TAV-8A đã qua sử dụng. 6 chiếc AV-8A (c/n-159557/159562) được bán cho Tây Ban Nha với định danh mới là VA.1 Matador (định danh của Hawker là Mk.54, trong khi của Thủy quân Lục chiến Mỹ là AV-8S).

2 chiếc huấn luyện 2 chỗ ngồi TAV-8A (c/n-159563/159564) cũng được bán với tên VAE.1 Matador (định danh của Hawker là Mk.55 và của Thủy quân Lục chiến Mỹ là TAV-8S). Những chiếc VA.1/VAE.1 Matador được lắp hệ thống điện tử hàng không và ăng ten cảnh báo theo chuẩn Harrier G.R.3.

Thêm 5 chiếc VA.1 Matador nữa được đặt mua (c/n-161174/161178), tuy nhiên 5 chiếc này do Anh cung cấp trực tiếp, chúng đều được định danh là Mk.55 thay vì Mk.54 như ở Hawker Siddeley.


Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi VAE.1 Matador (chiếc gần nhất) bay cùng VA.1 Matador và Harrier G.R.3

Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi VAE.1 Matador (chiếc gần nhất) bay cùng VA.1 Matador và Harrier G.R.3

Sau này khi Tây Ban Nha biên chế tàu sân bay Principe de Asturias mới cùng với AV-8B, những chiếc VA.1/VAE.1 Matador được chuyển về Rota để huấn luyện.


VA.1 Matador được chuyển giao cho Thái Lan để sử dụng trên tàu sân bay Chakkri Naruebet trong giai đoạn 1992 - 2006

VA.1 Matador được chuyển giao cho Thái Lan để sử dụng trên tàu sân bay Chakkri Naruebet trong giai đoạn 1992 - 2006

Vào năm 1992, một hợp đồng trị giá 70 triệu USD chuyển giao 7 chiếc VA.1 và 2 chiếc VAE.1 do Hải quân Hoàng gia Thái Lan để trang bị trên tàu sân bay Chakkri Naruebet. Đến năm 2006, những chiếc VA.1 và VAE.1 phục vụ trong Hải quân Thái Lan đều được nghỉ hưu.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại