Vào ngày 5-6-1967, Israel đã chủ động tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống lại các nước Ai Cập, Syria, Jordani và Iraq - những nước trong liên minh Ả-rập tham chiến.
Cuộc chiến diễn ra trong đúng 6 ngày, cả trên không và trên bộ từ ngày 5 đến 10 tháng 6 năm1967 xung quanh vùng kênh đào! Từ đây, các nhà phân tích quân sự gọi là “Cuộc chiến tranh sáu ngày”.
Cụm từ này đã mang hàm nghĩa rộng hơn, nói đến một chiến dịch tập kích đường không với thủ đoạn đánh phủ đầu, ồ ạt, chớp nhoáng, áp đảo vào đối phương.
Bên tấn công giành ưu thế tuyệt đối trên không, bộ binh giành lãnh thổ, kết cục đạt ý đồ chiến lược, thôn tính, chiếm đóng một vùng đất rộng lớn.
Có lửa ắt phải có khói
Đầu năm 1967, thế cuộc tại Ai Cập xuất hiện những diễn biến nguy hiểm. Tháng 5 năm 1967, Ai Cập đã huy động 1.000 xe tăng và 100.000 lính đến sát biên giới Israel.
5 ngày sau đó, họ phong tỏa eo biển Tiran (cửa ngõ vào Vịnh Aqaba), ngăn các tàu mang cờ Israel. Ai Cập kêu gọi các nước Ả-rập thống nhất lại để cùng hành động đối phó với Israel. Khi đó, kinh tế Israel đang khó khăn lại chịu nhiều sức ép về dân số, người hồi cư…
Trước hành động gây sức ép quân sự và kinh tế lên Israel, cùng với việc thái độ Hoa Kỳ trù trừ, vì đang vướng vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, Ban lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel thấy rằng việc đánh phủ đầu liên minh Ả-rập là cần thiết.
Không những có lợi về mặt quân sự, mà còn có khả năng xoay chuyển tình thế.
Tới ngày 26-5, Tổng thống Mỹ L. Johnson đã đưa ra cam kết sẽ ủng hộ Israel giải tỏa eo biển Tiran. Ngay sau đó, một phần lực lượng của Hạm đội 6 được triển khai đông Địa Trung Hải. Một đội tàu chiến khác của Mỹ cũng được đưa đến Biển Đỏ.
Dẫu sao Israel cũng đã có sự hậu thuẫn từ Mỹ. Liên Xô cũng rất nhạy cảm, chú ý đến động thái này, đưa tàu đến vùng biển gần khu vực thăm dò suốt ngày đêm.
Trước thời điểm xảy ra chiến tranh 4 quốc gia Ả-rập có tổng cộng gần 700 máy bay chiến đấu, trong khi Israel có gần 12 phi đội, với 340 máy bay chiến đấu gồm các loại máy bay tương đối hiện đại Mirage-3C, A-4, A-6...
Phía Israel “đặc biệt quan tâm” đến 30 máy bay ném bom tầm trung Tu-16 "Badger" xuất xứ từ Liên Xô, vì chúng có khả năng đánh sâu vào nội địa Israel.
Máy bay cường kích A-4 Skyhawk của Không quân Israel.
Oanh kích quyết liệt từ phi vụ đầu tiên
Sáng ngày 5-6-1967, là “ngày N”, chiến dịch mang tên “Cú đấm của Sion” khởi nguồn từ Israel bắt đầu. Tiếng còi báo động rú lên trên các căn cứ không quân Ovda, Ramat David, Nevatim, Hatzerim, Hatzor… vốn đã căng thẳng từ nhiều ngày trước đó.
Radar của Israel và các phương tiện thông tin vô tuyến cũng lặng lẽ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu lên mức cao nhất. Điều kiện tiên quyết cho thành công của chiến dịch này là bất ngờ và làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc và giám sát của đối phương.
Để không gây ra sự nghi ngờ nào dù nhỏ nhất cho cuộc tấn công sắp xảy ra, Israel đã xây dựng một kế hoạch khéo léo lừa liên quân. Các chuyến bay huấn luyện vào buổi sáng hàng ngày vẫn được thực hiện, như không có chuyện gì xảy ra!
Nhưng đòn tấn công của họ đã tiến hành ngay sau đó 15 phút, đúng 7h45 phút. Israel nắm chắc, thông thường các phi công Ai Cập được báo động chiến đấu từ sáng sớm đến 07h30phút.
Lúc này các radar theo phiên ban của Ai Cập đã ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường trực; họ có 23 trạm, trong đó 16 trạm trên bán đảo Sinai. Tất cả không phận và các tuyến đường bay sát bờ biển Ai Cập được các radar sớm theo dõi.
Chưa bao giờ không quân Israel lại huy động một lực lượng máy bay đông, tổ chức oanh kích quy mô lớn như lần này. Gần như cùng lúc, 200 chiếc máy bay phản lực ào ạt theo từng tốp tấn công các sân bay của Ai Cập.
Các phi công Israel đã bay rất thấp, vừa để tránh radar, vừa bay dưới dải độ cao hoạt động hiệu quả của các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 đã giăng sẵn, vô hiệu hóa chúng. Phần lớn đường bay của Israel vòng qua Địa Trung Hải hướng về Ai Cập.
Trong khi đó, phía Ai Cập lại tự làm hại mình. Đúng ngày này, có lệnh đóng cửa toàn bộ hệ thống phòng không của họ.
Nguyên nhân là do họ sợ lực lượng nổi dậy Ai Cập có thể bắn hạ máy bay chở Nguyên soái chiến trường Amer và Trung tướng Sidqi Mahmoud, hôm đó trên đường từ al Maza tới Bir Tamada ở Sinai để gặp các chỉ huy đồn trú sở tại.
Các phi công Israel chọn đúng giờ G, ngày N, thật lợi thế.
Họ phối hợp nhiều chiến thuật cùng lúc, ném bom và dùng các loại hỏa lực trên máy bay để băm nát các phi cơ đang đậu trên đường băng, ném bom xuyên phá đường băng để máy bay Ai Cập không cất cánh được.
Dĩ nhiên, do không có nhà chứa hay hầm ngầm để sơ tán, các máy bay của Ai Cập nằm phơi mình trước các đợt oanh kích liên tiếp của Không quân Israel.
Nhiều phi công thực hiện 8 đến 10 chuyến oanh kích mỗi ngày. Tần suất bay chiến đấu (tính theo phi công) chưa từng có!
Sau đợt tấn công đầu tiên, Israel đã gây bất ngờ hoàn toàn với Ai Cập vì radar và phương tiện thông tin liên lạc của họ đã bị làm mù mắt bịt tai. Các máy bay Israel quay trở lại sân bay để tiếp nhiên liệu và nạp lại vũ khí rồi bay tiếp oanh kích các mục tiêu còn lại.
Những tiêm kích chủ lực MiG-21 của Ai Cập vĩnh viễn bị loại khỏi vòng chiến khi còn chưa kịp cất cánh.
Cuộc không kích thành công vượt mức, không quân Israel phá hủy gần như toàn bộ không quân Ai Cập ngay trên mặt đất. Thật đau là không một chiếc máy nào của Ai Cập có thể cất cánh.
Tuy vậy, tới sáng ngày thứ hai của cuộc chiến, số máy bay của hai bên vẫn còn tương đương nhau. Vài cuộc không chiến vẫn diễn ra cho đến ngày 9-6, nhưng phía Israel vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên không.
Hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy, hơn 100 phi công Ai Cập chết. Đau đớn thay trong số máy bay bị phá hủy lại có toàn bộ 30 máy bay ném bom Tu-16.
Chưa hết, còn 27 chiếc trong tổng số 40 máy bay ném bom IL-28, cùng 12 chiến đấu cơ ném bom Su-7 cũng mất sức chiến đấu.
Dòng máy bay chủ lực là MiG-21 bị phá hủy hơn 90 chiếc, cùng 20 MiG-19, 25 MiG-17, thêm vào danh sách còn có 32 máy bay vận tải các loại !!!
Máy bay Không quân Ai Cập bị xóa sổ ngay trên đường băng sân bay của mình.
Tính chung không quân Israel tấn công bất ngờ 27 sân bay lớn của Ai Cập, Syria và Jordan, các đài radar, vô hiệu các hệ thống phòng không, đánh sập cây cầu bắc qua kênh đào Suez. Trong vòng một ngày không quân Israel thực hiện tới 420 phi vụ.
Một tần suất bay hiếm thấy trong lịch sử không quân thế giới thời điểm ấy.
Tiếp theo thành công của đợt không tập đầu tiên đánh vào quân Ai Cập, Không quân Israel ngay chiều hôm đó chuyển sang đánh các sân bay khác ở Ai Cập và bắt đầu tấn công Jordan, Syria, và Iraq, tiêu diệt hầu hết không quân các nước này.
Cuộc không kích mang lại cho Israel ưu thế áp đảo trên không. Cho đến hết cuộc chiến, Israel cho biết họ đã phá hủy 416 máy bay của phe Ả-rập, trong khi họ chỉ mất 26 máy bay trong hai ngày đầu chiến sự.
Trong suốt những ngày sau, Israel tiếp tục bắn phá đường băng để ngăn máy bay đối phương hoạt động trở lại.
Israel đạt được ưu thế tuyệt đối trên không, trong 72 giờ đã đập nát không quân 4 nước. Cùng lúc đó chỉ huy quân sự Israel lệnh các lực lượng thiết giáp, bộ binh, trên chiến trường đánh chiếm các vùng đất cao nguyên Golan, bờ Tây…
Từ ngày thứ ba, không quân đã chi viện rất hiệu quả cho các lực lượng đánh chiếm này.
(Còn tiếp)