Không quân Israel với cú lừa ngoạn mục, KQ Liên Xô trả giá đắt

Đại tá Trần Danh Bảng |

Đọ sức cùng không quân Israel tại Ai Cập năm 1970, lực lượng PK-KQ Liên Xô (sau này là Nga) đã giành nhiều thắng lợi giòn giã nhưng cũng có không ít thất bại cay đắng.

LTS: Lực lượng PK-KQ (viết tắt là PVO) của Liên Xô đã nhiều lần đưa quân ra tác chiến ở hải ngoại, trong đó giành nhiều thắng lợi và chiến công ở Việt Nam những năm 1960-1970.

Tuy nhiên, trong lần đọ sức cùng không quân Israel tại Ai Cập năm 1970, lực lượng PK-KQ Liên Xô (sau này là Nga) cũng đã giành nhiều thắng lợi giòn giã nhưng lại có không ít thất bại cay đắng.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài "Cuộc chiến sinh tử của của Phòng không - Không quân Nga với Israel những năm 1970" của Đại tá Trần Danh Bảng xoay quanh cuộc chiến này.

KỲ 1: KHÔNG QUÂN ISRAEL VỚI CÚ LỪA NGOẠN MỤC, KHÔNG QUÂN LIÊN XÔ TRẢ GIÁ ĐẮT

Israel từng khuynh đảo vùng trời Trung Đông

Trước 1970, không quân Israel “làm mưa làm gió” trời Trung Đông, như vùng Sinai, Cairo, kênh đào Suye Ai Cập và vùng trời Sirya. Quân đội Israel rất coi trọng nghiên cứu vũ khí đối phương.

Khi MiG-21 có mặt không quân các nước Trung Đông, Tướng Mordecai Hod, Tư lệnh không quân Israel, muốn tình báo Israel có thể chiếm được 1 MiG-21 để nghiên cứu, nhằm tìm ra điểm yếu của máy bay này.

 
đại tá trần danh bảng
 

Thế rồi giữa năm 1966, chiến dịch tình báo mang tên "Kim Cương" đã thành công. Bằng gái đẹp và tiền, Israel đã dụ, rồi ép viên phi công người  Iraq là Munir Redfa, đào tẩu sang Israel cùng chiếc MiG-21 do chính Munir Redfa lái.

Ngày 7 tháng 4-1967, 6 MiG-21 của Syria đã bị bắn hạ bởi những chiếc Mirage-III C của Israel. Hẳn là Israel và đồng minh tin cậy là Mỹ đã tìm ra điểm yếu của MiG-21

Trong các cuộc tấn công phủ đầu của Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Không quân Israel đã bất ngờ tấn công lực lượng không quân Ả Rập trong bốn đợt.

Trong đợt đầu tiên, Israel tuyên bố đã phá hủy tám chiếc máy bay Ai Cập trong không chiến, trong đó có 7 MiG-21.

Đợt tấn công thứ hai, Israel tuyên bố 4 MiG-21 bị bắn rơi trong không chiến, và đợt thứ ba có thêm 2 MiG-21 của Syria và 1 MiG-21 của Iraq bị bắn rơi.

Đợt tấn công thứ tư phá hủy nhiều MiG-21 của Syria trên mặt đất. Nhìn chung, Ai Cập mất khoảng 100 trong số khoảng 110 chiếc MiG-21 mà họ có.

Còn Syria mất 35 trong số 60 chiếc MiG-21F-13 và MiG-21PF trong không chiến và trên mặt đất. Ai Cập tuyên bố năm máy bay Israel bị hạ bởi MiG-21PF.

Bước vào chiến tranh tiêu hao (1968-1972), Israel tuyên bố đã hạ 56 MiG-21 của Ai Cập, trong khi MiG-21 của Ai Cập bắn hạ 14 máy bay của Israel…

Trước nguy cơ thiệt hại về không quân, nguy kịch về quân sự, tháng 12 năm 1969, Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser khi đó đã tới Moscow đề nghị với Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô nhờ giúp đỡ về quân sự cho Ai Cập.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản nước này đã đồng ý hỗ trợ quân sự cho UAR (United Arab Republic) chiến đấu với Israel, thông qua các đơn vị PK-KQ Liên Xô (PVO).


Những chiếc F-4 Con ma (trái) của KQ Israel một thời làm mưa làm gió trên vùng trời Trung Đông.

Những chiếc F-4 "Con ma" (trái) của KQ Israel một thời làm mưa làm gió trên vùng trời Trung Đông.

Tác chiến ở hải ngoại

Thiếu tướng AG Smirnov được chỉ định chỉ huy lực lượng PVO sang Ai Cập. Vị tướng này  từng phục vụ trong Trung đoàn phòng không 189, có chiến công bắn rơi 49 máy bay Đức, phá vỡ đội hình không quân cường kích tại vòng vây Leningrad trong Chiến tranh TG 2.

Đến giữa tháng 2-1970, đã có 1.500 quân nhân đến Thủ đô Cairo và sau đó con số này tăng lên tới 20.000 người, phục vụ tại các đơn vị, phần lớn ở sa mạc

Người được bổ nhiệm làm cố vấn trưởng Liên Xô tại Ai Cập là Tướng Okunhev, vị tướng phòng không được coi là giỏi nhất Liên Xô thời kỳ đó. Sư đoàn 18 (PVO) được giao nhiệm vụ tác chiến tại chiến trường xa xôi này.

Tướng Okunhev và AG Smirnov, đã chủ trương bố trí hệ thống phòng không của Ai Cập thành 3 khu vực phòng không (3 tuyến). Khu vực một kéo dài 30 km từ kênh Suez sâu vào trong nội địa Ai cập và tại đây bố trí 120 tổ hợp tên lửa và 6 trạm radar.

Tiếp theo sau là khu vực phòng không số hai có 60 tổ hợp tên lửa phòng không và 300 máy bay tiêm kích - ném bom. Khu vực ba kéo dài đến bờ sông Nil, tại khu vực này có 90 tổ hợp tên lửa và 150 máy bay tiêm kích (máy bay và tên lửa, radar đều của Liên Xô).

Về tên lửa, các phân đội trực thuộc 4 lữ đoàn; một trung tâm radar và tác chiến điện tử.

Về không quân phòng không (tiêm kích), có trung đoàn độc lập số 35 trang bị 30 MiG-21MF, 42 phi công. Một trung đoàn khác (e 135), biên chế 40 MiG-21MF, 60 phi công.

Ngoài ra còn phi đội số 90 trang bị các máy bay Tu-16R, Be-12, Tu-16P, IL-38 trợ chiến. Hạm đội Biển Đen, Baltic và hạm đội Biển Bắc luôn sẵn sàng chi viện cho PVO ở Ai Cập.

Tháng 10/2015, Tạp chí “Tuyệt mật” Nga, ghi lời các cựu chiến binh PVO Liên Xô rằng từ trước năm 1970, sĩ quan, binh sĩ của các đơn vị tập hợp cùng khí tài tên lửa, về một căn cứ huấn luyện ở sát biển Caspien cách Thủ đô Baku của nước CH Azerbaijan không xa.

Rồi PVO Liên Xô tổ chức một cuộc bắn thực binh tại trường bắn Ashuluk mãi tại vùng hoang mạc cuối tỉnh Astrakhan (Nga), đi-về bằng tàu hỏa. Người ta thấy loại tên lửa S-125 "Pechora" (SAM-3) xuất hiện, cùng các bài tập bắn máy bay bay thấp, trong nhiễu.

Sau đó, nhữngchiếc tàu biển chở hàng được nói công khai là “chở các thiết bị, máy móc nông nghiệp” lần lượt qua eo biển Bosporus và Dardanelles hướng đến cảng Alexandria của Ai Cập.

Ngày 10/04/1970 tại Ai Cập, PVO Liên Xô dự kiến cấu trúc 25 trận địa cho tên lửa dòng S-75 và 24 trận địa  cho tên lửa S-125. Những công sự kiên cố cho hàng chục xe chiến đấu trong mỗi tiểu đoàn là các bức tường bê tông với độ dày 4,5 m.

Nhưng tiếc thay, không có thời gian để hoàn thành đúng hạn. Nhưng người Ai Cập đã có các giải pháp bảo đảm.

Chẳng bao lâu sau, trên đất nước Ai Cập S-125 "Pechora" đã bí mật triển khai trên vùng sa mạc, đây là điều Ten-Avip bất ngờ!

Chưa hết, các khẩu đội pháo phòng không tự hành 4 nòng 23mm ZSU-23-4 "Shilka" cũng có mặt tại đất nước này, cùng tên lửa vác vai Strela-2.

Cùng với tin tình báo radar, Ai Cập tổ chức trong sa mạc một hệ thống giám sát trên không, họ đào hào, từ vùng giáp biên giới, đưa các  binh sĩ tới nghe âm thanh, quan sát mắt từ xa, rồi chuyển dữ liệu trên không về các lữ đoàn tên lửa phòng không.

Ban đêm họ dùng đèn tín hiệu, báo từ xa về các trạm, phương thức truyền tin có vẻ nguyên thủy, nhưng hiệu quả. Còn thông thường họ dùng điện thoại hữu tuyến thông báo các tốp bay vào nội địa.


MiG-21 của Không quân Ai Cập bị phá hủy bởi các máy bay Israel trong các cuộc tập kích bất ngờ.

MiG-21 của Không quân Ai Cập bị phá hủy bởi các máy bay Israel trong các cuộc tập kích bất ngờ.

4 vùng trời ưu tiên phòng thủ

Tới năm 1969-1970, quân đội Nga nghiên cứu khá kỹ lưỡng tình thế chiến tranh giữa Ai Cập và Israel. Quyết định 4 vùng phòng không tập trung đánh trả. Đó là cảng Alexandria, Đông Nam Thủ đô Cairo, đập nước Aswan và và kênh đào Suez.

Ngày 1 tháng 2 năm 1970, lần đầu tiên bầu trời Ai Cập không quân tiêm kích Liên Xô xuất kích từ căn cứ "Dzhankliz" gần Alexandria.

MiG-21 mang phù hiệu Air Force SAR (không lực Ai Cập), nhưng được điều khiển bởi phi công Liên Xô. Không quân SAR bảo đảm kỹ thuật hàng không và sân bay, phụ tùng, thiết bị do PVO Liên Xô chuyển tới.

Phi công Liên Xô đã  có bốn tháng luyện tập tại Marah (Turkmenistan), chủ yếu tập nhào lộn và làm quen với điều kiện vùng trời sa mạc.

Theo Đại tá Anatoly Sokolov, giáo viên cấp cao của Học viện Bộ Tổng tham mưu (đăng trên tạp chí VKO 3-2001):

"Trong khí hậu gió sa mạc nóng, thổi liên tục trong 50 ngày liền, mang theo những đám mây cát và sỏi, bụi đã bịt kín các bộ lọc của động cơ, khí tài vô tuyến, tràn vào phổi binh sĩ. Rất khắc nghiệt!".

Khi đến Ai Cập, các phi công đã được đặt trong một điều kiện chiến thuật khá chật chội: "chiến trường" của họ là một không vực tương đối hẹp (130 đến 150 km) giữa sông Nile và các kênh đào Sue.

Phi công Liên Xô (không giống như những người Ả Rập) đã bị cấm bay vượt qua kênh đào Suez và vào khu phòng không dày đặc của Israel. Như thế hạn chế đáng kể khả năng cơ động.

Sau những va chạm ngoài dự kiến, ngại đụng độ với các phi công và hệ thống phòng không Xô Viết, phía Israel chấm dứt các cuộc không kích Cairo và Alexandria. Các cuộc không chiến tiếp tục diễn ra trên bầu trời kênh đào Suez.

Mãi đến ngày 22/06/1970, Không quân Liên Xô mới có cơ hội tốt. Một cặp MiG-21MF dùng hai tên lửa R-3S đã bắn hạ thành công chiếc A4 của Israel trên Vịnh Suez. Phía Israel không xác nhận sự mất mát này. Một chiếc A-4 khác bị bắn hạ vào 25/07.


Máy bay cường kích A-4N Skyhawk của KQ Israel.

Máy bay cường kích A-4N Skyhawk của KQ Israel.

Cái bẫy "Rimon 20"

Như trình bày phần trên, trước đó, hầu như Không quân Israel làm chủ bầu trời Trung Đông. Đau đòn, chỉ huy không quân Israel đã quyết định lên kế hoạch phục kích giáng trả.

Những kinh nghiệm và bài học tuyệt vời thu nhận được từ chiếc MiG-21 dụ được năm 1966, nó được bay thử nghiệm đối kháng, điều này đã giúp không quân Israel lật ngược thế cờ đang bất lợi cho họ.

Kế hoạch này phục kích mang tên "Rimon 20". Tổng chỉ huy Không quân Israel, Mordechai Hod chỉ thị cho Đại Tá David Porath chuẩn bị một kế hoạch giáng đòn quyết định vào việc máy bay MiG-21 của Liên Xô lấy lại uy quyền tối cao trên bầu trời.

Họ chọn 10 trong số các phi công tốt nhất, tham gia trận chiến trên không. Có những phi công đạt đẳng cấp “Ace” lập nhiều chiến tích.

Ngày 30/07/1970, khoảng giữa trưa, một  tốp F-4 tấn công một radar cảnh giới Sokhna trên bờ phía tây kênh đào Suez. Phi đội 4 chiếc "Mirage", trinh sát ở độ cao tối đa di chuyển sâu vào lãnh thổ Ai Cập.

Ở tầm thấp 4 chiếc Mirage và 4 chiếc F4 phục sẵn dưới sự chỉ huy của phi công Avihu Bin-Nun người Israel.

Trên màn hình “vico” radar tại sở chỉ huy của Liên-Xô, thấy 2 tốp mục tiêu ở độ cao lớn, như các chuyến bay của máy bay trinh sát trước đó. Thực chất đó là 4 chiếc bay gần nhau từng cặp. Khiến cho radar bị lừa.

Không thể khác, vì độ phân biệt “chiếc” trong tốp của radar có hạn, khi máy bay bay quá sát nhau.

Trực tại sở chỉ huy tối cao của Liên Xô và Ai Cập khi đó là Tham mưu trưởng Không quân Ai Cập tướng Hosni Mubarak (sau này là tổng thống của Ai Cập trong những năm 1981-2011) và chỉ huy của Không quân Liên Xô, Thiếu tướng Dol'nikov.

Mubarak tỉnh táo cảnh báo Dolnikova rằng Israel giăng bẫy, hãy cảnh giác. Nhưng Dolnikova quá tin rằng 2 chiếc "Mirage" không có vũ khí đang trinh sát (giống như trước đó) sẽ là con mồi ngon.

Từ các sân bay khác nhau 3 tốp MiG nhận lệnh xuất kích. Tới 14h20 phút, một nhóm MiG nhìn thấy "Mirage", nhưng không phải là 2 mà là 4 chiếc.

Cả phi đội chưa kịp định thần thì xung quanh đã có 8 "Mirage" và ở thế bám theo là 4 chiếc F4 "Phantom" chuyên đánh chặn. Quá chênh lệch! đối phương đông gấp 3 lần. Bốn chiếc MiG phải xoay trở, quần lộn chống lại 12 chiếc trong thế “tứ bề thọ địch”.

Sở chỉ huy lệnh tiêu diệt, nhưng phi công không nghe tiếng do nhiễu quá nặng. 3 chiếc MiG liên tiếp bị bắn rơi chỉ trong ít phút. Ba phi công Xô Viết đã thiệt mạng. Đó là Zhuravlev, Yakovlev Yurchenko. Một chiếc buộc hạ cánh. Cuộc chiến chỉ kéo dài 6 phút.

14h26 phút sau đó, Mordechai Hod cũng lệnh cho các phi công Israel để trở về căn cứ.

Một cú lừa sử dụng đội hình chiếm thế thượng phong của phi công Israel đã thành công, gây thiệt hại lớn cho các phi công Liên Xô.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại