Không quân Nga bừng tỉnh sau "ngày đen tối" đau đớn và tai tiếng!

Đại tá Trần Danh Bảng |

9/8/2008 là ngày "đen tối" của Không quân Nga bởi chỉ trong vài giờ, cùng lúc có 3 máy bay bị bắn hạ, tổn thất đau đớn và tai tiếng nhất chính là chiếc máy bay ném bom Tu-22M3.

Trong 5 ngày lâm trận, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức công nhận họ chỉ thiệt hại 3 máy bay Su-25 và 1 chiếc Tu-22M3. Tổng số chỉ là 4 chiếc, không phải là 6 chiếc.

Ngày 9/8/2008, là ngày "đen đủi" của Không quân Nga, họ chịu tổn thất nặng nề nhất, chỉ trong vài giờ cùng lúc có 3 máy bay bị bắn hạ gồm 1 Tu-22М3, 1 Su-24 và 1 Su-25SM. Trong đó, máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 bị bắn rơi là tổn thất đau đớn và tai tiếng nhất.

 
Đại tá trần danh bảng
 

Một số diễn tiến chi tiết

Sáng 8 tháng 8 năm 2008, không quân Nga bắt đầu thực hiện các phi vụ ngăn chặn quân Gruzia tấn công, nhằm cách ly chiến trường, tấn công các mục tiêu trọng hậu phương ngay trên lãnh thổ Gruzia.

10 giờ 30 ngày đầu, các máy bay ném bom Su-24 đã ném bom trạm tập kết lính dự bị ở Vaziani.

Kết quả khá cao, có đợt tiêu diệt cùng lúc 42 lính của Lữ đoàn bộ binh số 4 của Gruzia tại cánh rừng trên đường tiếp cận Tskhinvali, gây mất tinh thần rất nặng nề cho binh lính Gruzia…Sau đó là các mục tiêu khác.

Ngày 9 tháng 8, chủ yếu không kích các mục tiêu theo đường bay cũ. Trong ngày này máy bay ném bom Tu-22M3 bị bắn rơi. Máy bay Tu-22M3 này trong đội hình tốp ném bom rải thảm tại thung lũng Kodori.

Sau khi ném bom xong, tốp bay vòng qua lãnh thổ Gruzia, rõ ràng là còn các mục tiêu thứ yếu nào đó. Khi bay trên huyện Sachkhere của Gruzia, tốp máy bay đã lọt vào “bẫy phục kích tên lửa”.

Tại đây hệ thống tên lửa phòng không đã “tắt” sóng, bảo toàn lực lượng. Không hề  bộc lộ mình.  Họ sử dụng tin trên không bằng các radar bên sườn, ở xa, triệt để sử dụng khí tài quan sát quang học (TZK), quang điện như quang-truyền hình (TVK).

Khi mục tiêu Tu-22M3 lọt sâu vào vùng sát thương, tên lửa phòng không bật nhanh radar, đưa mục tiêu vào “rãnh” ngắm và lập tức phóng tên lửa.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 của Gruzia đã bắn rơi đúng quy trình, nhanh như thế. Chiếc Tu-22M3  cắm đầu rơi tại thành phố Shindisi.

Theo các nguồn tin khác nhau, đã có 4 đến 6 quả đạn tên lửa được phóng vào máy bay, trong đó 2 quả đã tiêu diệt mục tiêu, số tên lửa còn lại đã bị các khí tài tác chiến điện tử trên máy bay này đánh lừa được.

Tổn thất này đã dẫn tới việc Không quân chiến lược Nga chấm dứt các chuyến bay Tu-22M3 tiếp theo trong cuộc chiến tranh này.

Sau một giờ, thêm 1 chiếc Su-25SM của Trung đoàn trưởng Trung đoàn cường kích 368, Đại tá Sergei Kobylash đã bị bắn ở Nam Ossetia.

Số là khi máy bay Sergei Kobylash bị bắn hư hại khá nghiêm trọng khi tấn công một đoàn xe Gruzia, cố lết về căn cứ, nhưng trên bầu trời Tskhinvali đã bị quân Nam Ossetia bắn nhầm vì nghĩ là Su-25 của Gruzia.

Viên phi công đã nhảy dù thành công và mấy phút sau đã được một trực thăng cứu nạn sơ tán đi. Trong ngày, cả thảy Nga mất 3 chiếc.

Ngoài các máy bay bị bắn rơi, một số lượng máy bay tương tự cũng bị thương, chủ yếu do hỏa lực tên lửa phòng không mang vác của Gruzia. Những tổn thất liên tiếp, khiến Nga bừng tỉnh. Vào ngày thứ ba của cuộc chiến, Không quân Nga đã thay đổi chiến thuật.


Sau 2 ngày đầu tổn thất nặng nề, Không quân Nga đã tung máy bay cường kích Su-34 vào chế áp lực lượng phòng không Gruzia. Ảnh minh họa.

Sau 2 ngày đầu tổn thất nặng nề, Không quân Nga đã tung máy bay cường kích Su-34 vào chế áp lực lượng phòng không Gruzia. Ảnh minh họa.

Không quân Nga bừng tỉnh

Các máy bay tiến công đã bắt đầu tác chiến dưới sự yểm hộ của các máy bay gây nhiễu An-12PP, trực thăng tác chiến điện tử Mi-8 cũng chế áp tích cực hệ thống phòng không Gruzia hiệu quả hơn.

Máy bay ném bom tối tân nhất Su-34 đã được tung vào trận. Đây là lần đầu tiên Su-34 được sử dụng trong chiến tranh ở Nam Ossetia.

Nó đã tiêu diệt được 2 trạm radar quan trọng nhất 36D6 (bằng tên lửa chống radar mới Kh-31P), và chế áp điện tử hệ thống tên lửa phòng không Buk.

Sau này Quân Nga đã bắt sống và thu giữ nguyên vũ khí, trang bị của 1 tiểu đoàn “Buk” của phòng không Gruzia tại cảng Poty.


Hình ảnh tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 của Gruzia bị Nga bắt sống và thu giữ tại cảng Poty.

Hình ảnh tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 của Gruzia bị Nga "bắt sống" và thu giữ tại cảng Poty.

Trong 2 ngày cuối cuộc chiến, Không quân Nga đã không chịu thêm tổn thất nào. Một phần đáng kể tổn thất gây ra do “hỏa lực quân nhà”. Đáng tiếc là Không quân Nga đã không áp dụng các dấu hiệu “nhận biết nhanh”.

Kinh nghiệm của Israel là khi bước vào tác chiến đường không, không quân của họ thường sơn lên các đuôi đứng máy bay các dải màu chói đặc biệt.

Để phân biệt quân nhà, hệ thống “máy hỏi” của các radar nhiều nước, làm việc tự động với các “cốt mã” trên máy bay, luôn truyền tin nhanh nhất đến các đơn vị liên quan…hạn chế thấp nhất  nhầm lẫn.

Trong chiến đấu, quân Nam Ossetia đã “đốt lưới nhà” bằng tên lửa vác vai, vì nghĩ là Su-25 của Gruzia. Vì Gruzia cũng có các cường kích như Nga và cũng sơn ngụy trang như vậy, nên trong trận chiến dẫn đến hỗn loạn, điều đó đã dẫn đến những hậu quả bi thảm.

Rõ ràng cả Su-24, Su-25 của Nga đã bị ám ảnh nặng bởi hệ thống tên lửa phòng không cơ động, tầm thấp "Osa", hoặc vác vai của Gruzia.

Vào thời điểm đó, Quân đội Nga đã chua xót nhận định, các máy bay thế hệ 3 và 4 của Nga đã lỗi thời. Su-25 không đủ cả tốc độ, cả tầm bay để hoạt động trong đội hình chiến đấu của các máy bay tiêm kích đa năng và cường kích mặt trận.

Để giải quyết các nhiệm vụ khác, có lẽ, phải nghĩ đến việc nghiên cứu một loại máy bay chuyên dùng trên cơ sở Su-30. Cần kíp phải tạo ra một tổ hợp thiết bị gây nhiễu mạnh, cùng với vũ khí cần thiết.

Còn máy bay trinh sát - ném bom siêu âm MiG-25RB đã luống "tuổi", trong 10 đến 15 năm tới sẽ hoàn toàn bị loại khỏi biên chế của Không quân Nga.


Đài radar 36D6 của Gruzia bị tiêu diệt được cho là chiến công của Su-34.

Đài radar 36D6 của Gruzia bị tiêu diệt được cho là chiến công của Su-34.

Cải cách không quân

Từ năm 2008, Không quân Nga bắt tay vào cải cách nhưng đã bộc lộ nhiều sai lầm về biên chế tổ chức. Mãi đến ngày 17/8/2013, Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng V. Bondarev đã thông báo một số thay đổi trong định hướng phát triển của Không quân nước này.

Có mấy điểm chính là: bố trí lại các sân bay quân sự theo nguyên tắc “một sân bay - một trung đoàn”.

Các báo cáo của Nga còn chỉ ra rằng, từ năm 2020, Không quân Nga sẽ bao gồm Lực lượng linh hoạt, căn cứ không quân và lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ (phòng thủ tên lửa tầm xa và chống tên lửa).

Về hệ thống tác chiến điện tử, đây có lẽ là lĩnh vực Nga “ngấm” nhất. Mới đây, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử lớn nhất của Nga (KRET), ông Igor Nasenkov cho biết:

"Chúng tôi đang phát triển hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến Vitebsk để bảo vệ các máy bay và trực thăng. Nó có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công trong toàn bộ phạm vi của phòng không".

Bộ Tư lệnh Không quân Nga quyết định trang bị hệ thống Vitebsk trước hết cho trực thăng và máy bay cường kích.

Nga đã bàn giao lô trực thăng đầu tiên có gắn hệ thống tác chiếc điện tử mới hiện đại “Richag-AV”.Trực thăng Mi-8 MTPR1 gắn hệ thống tác chiến điện tử “Richag-AV” được cho là không có đối thủ ở thời điểm này.

Nó được phát triển để có thể tránh radar, sonar, nhằm bảo vệ máy baychiến đấu và trực thăng từ phạm vi vài trăm km.

Không những thế, “Richag-AV” còn có khả năng thu thập dữ liệu tình báo. Với cơ sở dữ liệu về nhiều loại thiết bị được cài sẵn, hệ thống tác chiến “Richag-AV” sẽ nhanh chóng xác nhận loại mục tiêu và tìm cách vô hiệu hoá thiết bị dò.

Nga sẽ tiếp tục nhận thêm 18 hệ thống này năm 2016.

Trên trực thăng tấn công Ka-52 của Nga thì lắp trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP/Vitebsk. Có thể nói, chỉ sau thời gian 7 năm, tính từ 2008, quân đội Nga đã có những bước tiến thần kỳ về khả năng tác chiến điện tử, khiến các cường quốc kính nể.


 Ka-52 của Nga đã được lắp trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP/Vitebsk.

 Ka-52 của Nga đã được lắp trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP/Vitebsk.

Với hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới nhất vô cùng hiện đại Nga đã đem ra thử nghiệm trên chiến trường. Nhiều tin cho thấy nó đã “quấy phá” hiệu quả các cuộc tập trận của Mỹ và NATO.

Nga đang phát triển một hệ thống tác chiến điện tử (EWS) với mục tiêu vô hiệu hóa bất cứ khí tài quân sự nào sử dụng liên lạc, thông tin vô tuyến, từ vệ tinh, tàu chiến đến tên lửa và vũ khí bội siêu thanh thế hệ tương lai.

Phát biểu trên truyền hình Nga, Phó thủ tướng Dmitri Rogozin đánh giá sự ra đời của EWS mới là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực tác chiến điện tử. “Đây là một “công tắc toàn năng”. Chỉ cần bật nó lên là chúng ta có thể khiến đối thủ “mù mắt, điếc tai”.

Tạp chí Armyrecognition dẫn thông cáo báo chí của Bộ quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga sẽ đưa vào hoạt động khoảng 20 loại hệ thống tác chiến điện tử thế hệ mới trong năm 2015. Trong đó có ít nhất 10 loại hệ thống tác chiến điện tử đã hoàn tất.

Về trang bị máy bay, Nga đang ra sức xây dựng lực lượng không quân hiện đại, trang bị mới đáp ứng yêu cầu tác chiến Liên quân chủng.

Jane's Defense Weekly dẫn các nguồn tin Nga nói rằng, Hải quân Nga đã được cung cấp 12 chiến đấu cơ đa năng Su-30SM (máy bay thế hệ 4++) từ giữa năm 2011.

Mikhail Pogosyan, Chủ tịch Liên hiệp hàng không Nga (UAC), cho hay tổng công ty Sukhoi sẽ cung cấp cho lực lượng không quân Nga 14 chiếc vào năm 2015. Không quân Hải quân Nga sẽ có tổng số 50 chiếc đã được đặt mua và bàn giao từ nay tới năm 2020.

Mới đây nhất, không phận rộng lớn từ hồ Baikal đến cuối vùng sông A-Mua đã có Su-30SM tuần thám, bảo vệ căn cứ chính của Su-30SM ở gần Chita.

Su-35 là tiêm kích thế hệ 4++ có năng lực chiến đấu vượt trội so với các thế hệ trước nhờ động cơ và hệ thống điện tử tối tân, đạt sự cơ động tốt nhất trên không mà các máy bay khác không có được.

Nó ngang ngửa với tốc độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là F-22 của Mỹ nhưng vượt trội về khả năng linh hoạt. Ngày 28-12-2012, Tập đoàn sản xuất máy bay Sukhoi đã chuyển giao 6 chiếc chiến đấu cơ đa năng Su-35 đầu tiên cho Không quân Nga.

Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 48 chiếc Su-35 từ hãng Sukhoi hồi năm 2009, và hạn chót hoàn tất hợp đồng này là vào năm 2015.

Còn vũ khí “tinh khôn”? Năm 2010, Phó Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Igor Sadofiev tuyên bố ý định tăng tỷ trọng vũ khí chính xác cao của Không quân Nga lên 18 lần vào năm 2020. Mức độ tổn thất về máy bay và trực thăng dự định giảm đi 10 đến 12 lần.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng nói cần tăng 6 lần tỷ lệ máy bay không người lái, lên 30% biên chế của Không quân Nga.

Dựa trên chương trình tái vũ trang trị giá 325 tỷ USD của Nga, các máy bay thế hệ thứ tư hiện đang được thay thế bằng phi cơ mới, nâng tổng số lượng thiết bị quân sự nâng cấp vào năm 2020 của nước này lên 70%.

Bắt đầu từ năm 2012, Nga đã nhận được hơn 300 máy bay và trực thăng và đến năm 2020, con số này sẽ là gần 1.000 chiếc. Sự bừng tỉnh mạnh mẽ của Không quân Nga có rất nhiều lý do khởi nguồn từ Nam Osetia và Gruzia năm 2008.

Bài học nào cho Việt Nam?

Vùng trời trên đất liền và biển đảo Việt Nam rất rộng lớn. Địa hình Việt Nam trải dài theo vĩ độ, nhiều quần đảo.

Bài học từ chiến tranh 5 ngày ở Nam Osetia và Gruzia cho chúng ta thấy, trong tác chiến hiện đại, nắm đối phương chắc, bằng nhiều phương tiện khác nhau, theo thời gian thực có ý nghĩa rất quan trọng.

Suốt 8 năm đối kháng điện tử, chống trả tiến công đường không với Không quân - Không quân hải quân Mỹ, chúng ta hiểu rõ việc trinh sát, phân tích, chế áp nhiễu quan trọng như thế nào.

"Tác chiến điện tử" (TCĐT), giao thức chiến tranh này đạt hiệu quả cao, khó giám sát, có thể ngăn chặn hiệu quả, đáp trả hiệu quả tiến công đường không. Do vậy, lực lượng TCĐT của Quân đội ta được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại là quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Các khí tài hiện đại cần tiếp tục được mua sắm, từ trinh sát tần số, cường độ nhiễu cho tới các máy móc phân tích nhanh chủng loại nhiễu, mau chóng đáp trả bằng các phương tiện điện tử chế áp cao hơn hẳn cả về tần số, cường độ, khoảng cách, thủ đoạn gây nhiễu.

Các lực lượng TCĐT phải được cọ sát trong huấn luyện có thực binh ở cường độ cao, tình huống phức tạp, chế áp từ xa.

Mặt khác TCĐT của Việt Nam phải "trùm phủ", bảo vệ hiệu quả các lực lượng tác chiến bảo vệ vùng trời, vùng biển, trong đó có không quân, hải quân để bảo đảm các tuyến đánh chặn, bảo vệ biển đảo hiệu quả.

Chúng ta có nhiều đảo tiền tiêu, có đội tàu chiến tác chiến ven bờ mạnh, nếu bố trí tốt các trạm TCĐT trên tàu sẽ nối dài được cự ly chế áp ra khơi xa, bảo vệ tốt các lực lượng giữ đảo từ trên không và tại chỗ.

Trong lúc đầu tư mua sắm vũ khí "nóng" là cấp thiết, thì đầu tư mua sắm thiết bị TCĐT để chế áp "cứng" và chế áp "mềm" các đối tượng tác chiến cũng không thể coi nhẹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại