LTS: Lực lượng PK-KQ (viết tắt là PVO) của Liên Xô đã nhiều lần đưa quân ra tác chiến ở hải ngoại, trong đó giành nhiều thắng lợi và chiến công ở Việt Nam những năm 1960-1970.
Tuy nhiên, trong lần đọ sức cùng không quân Israel tại Ai Cập năm 1970, lực lượng PK-KQ Liên Xô (sau này là Nga) cũng đã giành nhiều thắng lợi giòn giã nhưng lại có không ít thất bại cay đắng.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài "Cuộc chiến sinh tử của của Phòng không - Không quân Nga với Israel những năm 1970" của Đại tá Trần Danh Bảng xoay quanh cuộc chiến này.
Kỳ 1: Không quân Israel với cú lừa ngoạn mục, KQ Liên Xô trả giá đắt
KỲ 2: ĂN QUẢ LỪA, KHÔNG QUÂN ISRAEL LIÊN TIẾP MẤT NHIỀU MÁY BAY
Cú lừa trận địa tên lửa giả
Vào ngày 30/06/1970, Tiểu đoàn hỏa lực tên lửa C-125 của Đại úy Malyauki (Liên-Xô) phát hiện bám sát và tấn công một cặp F-4E. Lệnh phóng mục tiêu ở cự ly 17 km. Chiếc F-4E bị trúng tên lửa ở cự ly 11,5 km, rơi xuống như bó đuốc.
Phi công nhảy dù ra bị bắt giữ. Đây là lần đầu tiên dòng tên lửa S-125 bắn rơi máy bay F-4E, một máy bay tính năng rất cao của Mỹ sản xuất khi đó. F-4 được coi là bất tử, nó chưa từng bị bắn rơi bởi tên lửa S-125 của Liên Xô.
Tin nhanh về Moscow. Tổng Bí thư Brezhnev ngay lập tức thông báo việc bắn hạ F-4 "với sự hài lòng tuyệt vời" cho Tổng thống Nasser.
Ngày 18/07/1970, một tiểu đoàn tên lửa của Liên Xô đã chống trả cuộc tấn công từ 24 chiếc F-4 Israel.
Bom, mảnh tên lửa bắn phá trận địa và khu vực phụ cận dữ dội khiến 8 binh sĩ thương vong. Trong khó khăn, các trắc thủ của nhiều tiểu đoàn đã chi viện và phối hợp bắn hạ 2 chiếc, bị thương 1 chiếc.
Chỉ huy PVO tại Ai Cập từ trận này nhận định, nếu không cơ động, sẽ tổn thất nhiều hơn. Ngay sau đó, các trận địa đã liên tục di chuyển sau khi bắn.
Dẫu rằng trên sa mạc, thu hồi và triển khai một trận địa rất vất vả, phức tạp. Khí tài vô tuyến dễ hỏng hóc trong cơ động.
Dựa trên kinh nghiệm của Việt Nam, họ đã thành lập các nhóm di động gồm ba hoặc bốn tiểu đoàn tên lửa kín đáo triển khai trong các khu vực nhiều cây cối rậm ven các kênh nước để phân tán hỏa lực.
Việc thay đổi chiến thuật phòng không từ tháng tháng 4 đến tháng 6 năm 1970 làm cho Israel hoàn toàn bất ngờ.
Tên lửa S-75 (SAM-2) tại Ai Cập.
Đơn cử các đơn vị của Trung úy Popov và Kutyntseva cùng với các tiểu đoàn tên lửa Ai Cập chấp hành nghiêm, di chuyển vào khu vực màu xanh lá cây của kênh đào.
Phía phòng không Ai Cập (học tập Việt Nam) đã đưa gỗ dán vào các nhà máy để sản xuất mô hình bệ phóng, xe cộ và tên lửa của hệ thống phòng không giống như thật.
Ngay từ dưới đất đã khó phân biệt chứ đừng nói trên trời với tốc độ lớn. Chúng được bố trí “giả” tại các vị trí, để các trận địa phòng không để nhử máy bay Israel tới.
Tạp chí VKO (số 24-2005) của Nga mô tả: Trong ngày 2/08/1970, máy bay Israel bay trinh sát dọc theo kênh đào Suez.
Sang ngày 03/8, máy bay trinh sát tiếp tục trinh sát ở độ cao 6 đến 8 km dọc theo kênh đào này, chiều rộng quan sát 23 đến 24 km. Cùng ngày, không quân Israel đã ồ ạt tiêu diệt bằng được các “trận địa này”.
Hàng chục máy bay Israel đã bay vào oanh kích các “bệ phóng”, xe anten tên lửa S-125 giả, làm bằng gỗ dán!
Mặc dù mật độ tấn công tương đối cao, lại sử dụng các độ cao rất thấp “bay thấp đánh lén” vào các “bệ phóng” trên các trận địa thật, giả. Nhưng các tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ, chặn đứng 8 nhóm oanh kích, bắn hạ 5 máy bay.
Ba máy bay bị tên lửa S-125 "vít cổ" và hai chiếc khác do tên lửa CA-75M tiêu diệt. Đối phương đã không đánh bom chính xác. Phía Liên Xô binh sĩ, khí tài bình an vô sự.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết là Andrei Mikhailov (Tạp chí VKO số 25): Nhóm tấn công thứ 3 và thứ 7 của không quân Israel hoạt động ở độ cao rất thấp, các tiểu đoàn tên lửa đã không bắn được các mục tiêu này. Có thể radar đã không phát hiện được sớm.
Khi “mạng tình báo trên không cấp trên” thông báo thì mục tiêu vào gần, các phân đội trực tiếp bắn bị lỡ thời cơ.
Ban đêm các "nhóm phục kích" lại lặng lẽ rời khỏi vị trí. Khiến cho không quân Israel “chăm chú” lao tới các vị trí vừa rời khỏi, trút bom, đạn xuống nơi không người. Màn đánh lừa bằng trận địa giả đã thu mẻ lưới khá lớn.
Một trận địa tên lửa S-125 (SAM-3) tận dụng lại trận địa của S-75 (SAM-2) tại Ai Cập. Ảnh minh họa.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Trong năm 1970 các máy bay chiến đấu MiG-21 do các phi công Liên Xô điều khiển và các đơn vị phòng không Liên Xô trực tiếp bắn hạ tổng cộng 21 máy bay Israel
Một thành công cần nói đến, đó là việc bảo đảm khí tài về kỹ thuật, điều chỉnh tham số máy móc chính xác trong điều kiện khí hậu sa mạc khô, bụi. Và nữa là bảo đảm sức khỏe binh sĩ ở sa mạc.
Có không ít binh sĩ LiênXô đã ngã xuống đất Ai Cập chỉ vì côn trùng, bọ độc và bệnh tật “lam chướng” vùng sa mạc. Thế rồi, tình thế chiến tranh ở Ai Cập kéo dài, khiến Israel buộc phải chấp nhận ký một thỏa thuận ngừng bắn.
Máy bay F-4 của Không quân Israel đã có một thời làm mưa làm gió trên bầu trời Trung Đông.
Vào ngày 05/08, Israel đã đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán, tiến tới ký kết một thỏa thuận ngừng bắn với Cộng hòa Ai Cập. Các cuộc tấn công liên tục trên lãnh thổ United Arab Republic của Ten Avip dừng lại.
Từ những chiến công của PVO Liên Xô trên đất nước có kênh đào Suez, Trung tá Popov Kutyntsevu được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin và huy chương Sao vàng. Rất nhiều cán bộ, binh sĩ được tặng thưởng.
Điều cần biết là, máy bay "Phantom" F-4 từ lâu vẫn được coi là “bất khả bại” ở Ai Cập. Nước này từng trao giải, đơn vị nào bắn rơi F-4 sẽ được thưởng 500 bảng Anh, còn bắn rơi "Mirage" là 400 bảng và A4 "Skyhawk" là 300 bảng.
Nhưng khi bộ đội tên lửa và Không quân Liên Xô xuất trận, danh hiệu "bất khả bại" của F-4 đã tan theo mây khói một cách chóng vánh.
Tới 28 tháng 9 năm 1970, do một cơn đau tim, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser qua đời. Lên nắm quyền ở Ai Cập là Anwar Sadat, một nhân vật thân thiết với Mỹ.
Năm 1972, Quân đội Liên Xô đã bị trục xuất khỏi Ai Cập. Các cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn phòng không 18 (PVO) rời Ai Cập về nước đầu mùa xuân năm 1971.