Ngày 23/11/2012, Ấn Độ đã đạt một cột mốc vô cùng quan trọng trong nỗ lực xây dựng lá chắn tên lửa. Hệ thống tên lửa đánh chặn của họ đã lập chiến công tiêu diệt 2 mục tiêu giả định ở độ cao 30 và 120km. Sự kiện này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới cùng với Mỹ, Israel xây dựng thành công lá chắn tên lửa.
Theo tuyên bố của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), hệ thống đánh chặn tên lửa của nước này đã sẵn sàng triển khai cho quân đội nhằm tăng cường khả năng bảo vệ an ninh quốc gia.
Hình ảnh thử nghiệm hệ thống phòng không tiên tiến AAD của Ấn Độ.
Vào năm 1983, Ấn Độ bắt đầu phát triển chương trình dẫn hướng tên lửa tích hợp (IGMDP), chương trình này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi đến các loại tên lửa đạn đạo tầm xa của gia đình tên lửa Angi.
Ngoài khả năng dẫn hướng tên lửa cho mục đích tấn công, IGMDP còn tạo nền tảng để phát triển các hệ thống tên phòng thủ đất đối không như Akash. Ban đầu, Akash được lên kế hoạch để phát triển một hệ thống tên lửa phòng không nhưng có tiềm năng mở rộng thành hệ thống đánh chặn tên lửa.
Những năm 1990, DRDO bắt đầu phát triển khái niệm xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ấn Độ. Việc chuyển đổi tên lửa Akash để đảm đương nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật bắt đầu được phát triển một cách nghiêm túc trong thời gian này.
Mục tiêu của chương trình là phát triển thành công một hệ thống tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 2.000km vào năm 1997. Tuy nhiên, do không đủ năng lực công nghệ cũng như những rào cản từ cộng đồng quốc tế, chương trình gần như dậm chân tại chỗ.
Sau đó, DRDO đã bí mật đàm phán với Nga để mua công nghệ phòng thủ tên lửa từ hệ thống S-300 của Nga và mua radar cảnh báo sớm từ Israel, cũng như phối hợp với Pháp để phát triển radar điều khiển hỏa lực. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở một phần công nghệ bản địa và một phần công nghệ nước ngoài.
Đây chính là điểm khác biệt so với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc thường sao chép “không phép” các hệ thống vũ khí của nước ngoài thì Ấn Độ thường mua công nghệ hoặc hợp tác để cùng phát triển những hệ thống theo yêu cầu tác chiến riêng của mình. Chính vì thế, những hệ thống vũ khí của Ấn Độ được đánh giá rất cao về mặt công nghệ và đặc tính kỹ chiến thuật.
Hệ thống tên lửa đánh chặn Prithvi
Trong lần phát triển trở lại, hệ thống phòng thủ tên lửa BMD của Ấn Độ được phát triển thành 2 tầng, hệ thống tên lửa đánh chặn Prithvi (PAD - một thiết kế sửa đổi từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi) được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao từ 80-120km bên ngoài bầu khí quyển. Trong khi đó, hệ thống phòng không tiên tiến (AAD), được phát triển từ hệ thống tên lửa phòng không Akash, sẽ đánh chặn các tên lửa ở độ cao từ 15-30km bên trong bầu khí quyển.
Trong cấu hình hiện tại, hệ thống BMD của Ấn Độ có thể đảm đương nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm bắn 2.000km với tốc độ tối đa của tên lửa từ Mach-3.8 đến Mach-8.
Nhiệm vụ phát hiện tên lửa đạn đạo dẫn hướng cho tên lửa đánh chặn được thực hiện bởi hệ thống radar Swordfish. Đây là biến thể xuất khẩu của hệ thống radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine mà Israel bán cho Ấn Độ, loại radar này đang được sử dụng cho hệ thống đánh chặn Arrow của Israel.
Radar có thể theo dõi đồng thời 200 mục tiêu có đường kính chỉ 7cm, ở khoảng cách từ 600-800km. Đây là loại radar cảnh báo sớm và dẫn hướng cho tên lửa đánh chặn tiên tiến hàng đầu thế giới, phía Trung Quốc không có loại radar nào có khả năng tương tự.
Radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine
Tuy vậy, phía Ấn Độ vẫn chưa hài lòng với loại radar này cũng như khả năng đánh chặn của hệ thống BMD. DRDO đã tuyên bố kế hoạch phát triển khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn 5.000km. Các hệ thống đánh chặn này được gọi là AD-1 và AD-2.
Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tốc độ lên đến Mach 12-15. Ngoài ra, DRDO cũng có kế hoạch nâng cấp radar cảnh báo sớm Swordfish với khả năng phát hiện mục tiêu lên đến 1.500km. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang phát triển các vệ tinh địa tĩnh để sử dụng cho mục đích phát hiện sớm và hỗ trợ dẫn hướng cho tên lửa đánh chặn.
Với những kế hoạch hiện tại, Ấn Độ đang qua mặt Trung Quốc trong việc xây dựng lá chắn tên lửa BMD. Phía Trung Quốc vẫn chưa thấy động tĩnh nào trong việc phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa. Mặc dù hệ thống phòng không HQ-9 được Bắc Kinh giới thiệu có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tuy nhiên, tuyên bố này gần như không thể kiểm chứng.
(Còn tiếp)
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!