Ấn Độ thu nhỏ lực lượng chống Trung Quốc, đổ tiền vào tàu sân bay

N.Thương |

Chính phủ Ấn Độ quyết định giảm quy mô đội quân sơn cước đối phó Trung Quốc tại dãy Himalaya để dồn tiền đóng tàu sân bay mới và củng cố biên giới đường bộ, theo các nguồn tin quốc phòng ngày 15-5.

Trong năm 2013, Ấn Độ thông báo thành lập một lực lượng quân đội trên núi gồm 90.000 binh sĩ được trang bị vũ khí hiện đại với chi phí có thể lên đến 10 tỉ USD.

Nguyên nhân của động thái này có thể do New Delhi “nhức nhối” với vụ đối đầu với binh lính Trung Quốc suốt 21 ngày ở biên giới cùng năm.

Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar đã ra lệnh giảm quy mô lực lượng này xuống còn 25.000-30.000 binh sĩ và giải thích rằng chính phủ trước đây đã không tính toán kỹ chi phí liên quan trong khi các đơn vị quân sự hiện tại còn đang thiếu thốn nhiều thứ, từ súng trường đến đạn dược.

Một quan chức quân sự cho biết: “Lý do cắt giảm quy mô là tài chính. Vấn đề không phải chỉ có xây dựng đội quân mà còn phải duy trì nó”.

Một xe quân sự di chuyển trên đường núi Tezpur-Tawang dẫn tới biên giới Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Thiếu tướng đã về hưu Arun Sahgal cho biết kế hoạch của Ấn Độ là đầu tư cho những lực lượng phản ứng nhanh có quy mô nhỏ hơn để triển khai trên biên giới giáp Trung Quốc.

Ông nói: “Ý tưởng là tạo nên một lực lượng can thiệp có thể hoạt động ở vùng núi.

Trong giai đoạn thứ hai, quân đội có thể sẽ bổ sung thêm các lực lượng đặc biệt và các đơn vị không kích. Họ không bỏ kế hoạch xây dựng đội quân sơn cước mà chỉ đang điều chỉnh quy mô cho phù hợp”.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Parrikar cũng nói với quốc hội rằng ông đang thúc đẩy tiến độ xây dựng đường xá ở phía biên giới Ấn Độ.

Ông cho biết mới chỉ hoàn thành được 19 trong số 73 tuyến đường kết nối được cho là có vị trí chiến lược đối với biên giới Trung Quốc.

Trong tình cảnh nguồn tài chính eo hẹp, chính phủ Ấn Độ trong tuần qua vẫn công bố kế hoạch đóng một tàu sân bay nặng 65.000 tấn, dự kiến sẽ là tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của nước này.

Phía Mỹ cũng đã lên tiếng sẵn lòng hợp tác vào dự án này sau khi Ấn Độ mở lời muốn Mỹ hỗ trợ những công nghệ cho phép vận hành vũ khi hạng nặng trên tàu sân bay mới.

Ấn Độ và Mỹ đều tỏ ra lo ngại về sự bành trướng của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.

Hôm 13-5, quan chức quân sự Ấn Độ cho hay Bộ Quốc phòng nước này đã chi 300 triệu rupee (khoảng 4,72 triệu USD) để bắt đầu thiết kế tàu sân bay mới mang tên INS Vishal.

Báo chí địa phương còn đưa tin Ấn Độ đang cân nhắc lắp vũ khí hạt nhân cho nó.

Ấn Độ và Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài 3.500 km và tranh chấp vẫn đang diễn ra ở đây kể từ sau cuộc chiến năm 1962 (kết thúc với thất bại thê thảm cho phía Ấn Độ).

Vì 2 nước chưa thể nhất trí về vị trí chính xác của đường biên giới kiểm soát nên lính tuần tra 2 bên thường đi vào lãnh thổ của nhau, khiến căng thẳng gia tăng.

Ông Narendar Modi gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Ông Narendar Modi gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Hai bên đang đưa ra những giải pháp mới để ổn định biên giới nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc hôm 15-5.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ ông Modi tại Bắc Kinh và cả 2 đồng ý thúc đẩy hợp tác giữa hai “gã khổng lồ” châu Á.

Theo đó, 2 nước bắt đầu tổ chức những cuộc gặp thường niên giữa quân đội, mở rộng trao đổi giữa các tư lệnh qua biên giới và bắt đầu sử dụng một đường dây điện thoại nóng để xoa dịu bất ổn.

Hôm 16-5, Thủ tướng Modi cho hay công ty 2 nước đã ký 21 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 22 tỉ USD tại Thượng Hải.

Thủ tướng Modi chụp ảnh tự sướng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Facebook
Thủ tướng Modi chụp ảnh "tự sướng" với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Facebook

>>> Lý do Lục quân Ấn Độ xếp xó gần 100 xe tăng Arjun

>>> Nga giúp Ấn Độ mua Rafale hạ giá của Pháp?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại