Ấn Độ mua 36 tiêm kích Rafale, chấm dứt dự án chế tạo máy bay trong nước

Anh Tuấn |

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã xác nhận, Ấn Độ sẽ chỉ mua 36 chiếc phi cơ chiến đấu Rafale của Pháp. Tuyên bố này có vẻ đã chính thức chấm dứt dự án chế tạo máy bay trong nước.

Theo Bộ trưởng Parrikar, việc mua về 126 máy bay Rafale là “quá đắt đỏ”, “không thực hiện được và không cần thiết”.

Ông nói thêm, toàn bộ số phi cơ đó “sẽ là một gánh nặng lớn về tài chính, do đó chúng tôi sẽ không mua tất cả mà sẽ chỉ mang về 36 chiếc”.

Tuy nhiên, các hãng thông tấn Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ vẫn có thể mua thêm 20 chiếc Rafale trong tương lai. Nguyên nhân là bởi ông Parrikar đã tuyên bố rằng ông không loại trừ khả năng mua thêm máy bay:

“Tôi không nói rằng chúng tôi có kế hoạch mua thêm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có ý định mua thêm”.

Dự án lắp ráp máy bay Rafale đã từng là dự án quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ.

Ngày 31/5, ông đã có lời bình luận rõ ràng nhất rằng ngân sách quốc phòng của Ấn Độ sẽ không đủ để mua về một phi đội máy bay chiến đấu lớn.

Ông phát biểu: “Bản thân tôi muốn có cả xe BMW và Mercedes cùng một lúc. Nhưng tôi không mua vì tôi không có đủ tiền và hơn nữa tôi không cần chúng”.

Theo các báo chí Ấn Độ, chi phí của dự án chế tạo máy bay chiến đấu đa chức năng (MMRCA) trị giá 20 tỉ USD đã lên gấp 2,7 lần so với chi phí ban đầu.

Dự án MMRCA sẽ cho phép tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) chế tạo 108 trong tổng số 126 phi cơ Rafale trong nước, còn đợt đầu tiên gồm 18 phi cơ Rafale sẽ được trực tiếp gửi từ Pháp trong điều kiện hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, New Delhi đã bất ngờ thông báo vào tháng 4 rằng họ sẽ chỉ mua 36 chiếc Rafale có sẵn thay vì lắp ráp 126 chiếc như dự kiến.

Công bố này là một cú sốc đối với một số chuyên gia phân tích quốc phòng cũng như Không quân Ấn Độ, vốn đã gặp vấn đề về hậu cần trong suốt nhiều thập kỷ qua và khiến lực lượng này suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Trong khi đó, Đức đã liên tục vận động cạnh tranh với dự án Rafale của chính phủ Ấn Độ và nói rằng Rafale là một phương án rẻ hơn so với phi cơ Eurofighter Typhoon chỉ khi bỏ qua chi phí bảo dưỡng và nâng cấp trong tương lai.

Những nỗ lực vận động của Đức dường như đã có kết quả khi Ấn Độ đang xem xét lại phương án Eurofighter.

Giá thành của 36 chiếc Rafale có sẵn sẽ thấp hơn rất nhiều bởi Pháp không còn phải lắp ráp các máy bay ở Ấn Độ nữa.

“Trong dự án MMRCA, hãng sản xuất Dassault phải cung cấp trước 18 chiếc máy bay Rafale hoàn chỉnh, cùng với đó là lắp ráp 90 chiếc tại xưởng của HAL.

Giờ đây Dassault không còn phải làm việc đó nữa, và chi phí các máy bay giờ đây đã thấp hơn 30 đến 35% so với việc phải lắp ráp ở Ấn Độ”, một chuyên gia cho biết.

Lực lượng Không quân Ấn Độ hiện nay chỉ còn 35 phi đội có thể sẵn sàng điều động, thấp hơn 7 đội so với mức yêu cầu là 42. Việc mua về 36 chiếc Rafale là một giải pháp nhằm giải quyết những thiếu hụt trước mặt của không quân Ấn Độ.

“Hoạt động trực tiếp mua 36 chiếc Rafale bắt nguồn từ mong muốn cấp thiết của Không quân Ấn Độ. Tôi không muốn bình luận vào thời điểm này, chúng ta hãy để thương vụ này đi đến đích”, ông Parrikar cho biết.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại