Nga "đá văng" Ukraine khỏi kế hoạch phát triển Mi-26T2

Thắng Nam |

Ấn tượng trước trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26TS, Trung Quốc đã quyết định triển khai một kế hoạch hợp tác với Nga, nhằm phát triển phiên bản nâng cấp của Mi-26T2.

Trung Quốc muốn nâng cấp phiên bản Mi-26T2

Trước khi triển khai dự án phát triển phiên bản mới của Mi-26, Nga đã bán cho Trung Quốc 4 chiếc trực thăng đời cũ Mi-26TS. Được biết, phía Trung Quốc rất ấn tượng về tính năng của loại trực thăng vận tải này và muốn tiếp tục sở hữu.

Ngày 22/5 vừa qua, tờ Kommersant đưa tin, Nga và Trung Quốc đang triển khai một dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển máy bay trực thăng vận tải hạng nặng tương lai của quân đội Trung Quốc, dựa trên cơ sở Mi-26T2. Quá trình đàm phán đã được triển khai ngay từ năm 2008.

Đến đầu tháng 5/2015, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định khung về kế hoạch hợp tác chế tạo máy bay trực thăng vận tải hạng nặng, theo một số yêu cầu riêng của phía Trung Quốc.

Chiến đấu cơ hạng nặng Su-30MK như một “đưa trẻ con” bên “người khổng lồ” Mi-26T
Chiến đấu cơ hạng nặng Su-30MK như một “đưa trẻ con” bên “người khổng lồ” Mi-26T

Mi-26T2 có chiều dài 40,025 m; cao 8,145 m; sải cánh 32 m; trọng lượng không tải 28,2 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa là 56 tấn với đầy tải nhiên liệu 880 kg.

Hai động cơ Lotarev D-136, công suất 11.400 mã lực/chiếc và cánh quạt 8 lá giúp Mi-26 đạt tới tốc độ tuần tra 255 km/h, vận tốc tối đa 295 km/h.

Hành trình khi mang 20 tấn hàng hóa trong khoang (không cầu treo) và không có thùng nhiên liệu phụ là 560 km, khi mang thêm 4 thùng nhiên liệu hành trình chuyển trường sẽ là 1.952 km, bán kính tác chiến lên đến 800 km và đạt độ cao tối đa hơn 4.600 m.

Mi-26T chỉ mang được 20 tấn hàng nhưng Mi-26T2 có thể mang tới 26 tấn, cả trong khoang và cẩu treo, hoặc chở theo 90 lính hoặc 60 cáng thương; trong khi đối thủ xuất sắc nhất của nó là trực thăng Sikorsky CH-53E của Mỹ chỉ có sức tải 16 tấn.

Được thiết kế với khoang chở hàng rộng và chiếm phần lớn diện tích máy bay, chiếc trực thăng này mang theo được những món hàng siêu lớn trong khoang như xe cứu hỏa hay xe tăng, cẩu bên ngoài cả container, pháo, máy bay cánh cố định và trực thăng quân sự hạng nặng khác.

Mi-26T2 được nâng cấp rất nhiều chức năng so với những phiên bản cũ, như lắp đặt các thiết bị điện tử hàng không mới nhất.

Ví dụ, trong buồng lái bằng thủy tinh gia cường của Mi-26T2 có 5 màn hình tinh thể lỏng đa chức năng, sử dụng hệ thống thông tin số, thiết bị hiển thị video thế hệ mới và thiết bị định toàn cầu NAVSTAR/GLONASS.

Ngoài ra, Mi-26T2 còn nâng cao trình độ tự động hóa của hệ thống kiểm soát bay, tăng cường thêm các hệ thống cảnh báo tầm thấp, hệ thống cảnh báo chướng ngại vật và chống va chạm.

Khoang điều khiển và khoang hàng của nó đều được lắp hệ thống điều hòa không khí, gồm cả 2 chức năng làm mát và tăng nhiệt.

Loạt thiết bị tiên tiến này giúp giảm số lượng phi hành đoàn từ 5 người (2 phi công, 1 hoa tiêu, 1 kỹ sư, 1 kỹ thuật viên) xuống còn 2 - 3 người, đồng thời có khả năng tác chiến ban đêm rất tốt.

Động cơ turbine trục (turboshaft) D-136-2 dùng trên máy bay trực thăng dòng Mi-26
Động cơ turbine trục (turboshaft) D-136-2 dùng trên máy bay trực thăng dòng Mi-26

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển phiên bản mới của Mi-26T2 đang có một khúc mắc rất lớn về vấn đề động cơ.

Bởi vì nhà cung cấp trước đây là Công ty chế tạo động cơ máy bay trực thăng Motor Sich, có trụ sở ở Zaporizhzhya - Ukraine, mà nước này hiện đã cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, ngay cả những hợp đồng đang triển khai cũng bị hủy bỏ vô điều kiện.

Nga có ý định “đá văng” Motor Sich

Trước khi cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine nổ ra, sơ bộ xác định các bên tham gia dự án bao gồm:

Công ty trực thăng trực thuộc Tập đoàn chế tạo hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn chế tạo máy bay trực thăng Nga (Russian Helicopters Corporation), Công ty cổ phần Nhà máy chế tạo trực thăng Miri Moscow và Motor Sich của Ukraine.

Trong một tuyên bố chính thức, ông Alexander Mikheev - Tổng giám đốc của Russian Helicopters Corporation tuyên bố rằng:

Motor Sich có thể được tham gia trong kế hoạch này bởi phía Trung Quốc mới là bên chịu trách nhiệm chủ trì và điều phối kế hoạch phát triển chứ không phải là Nga và Ukraine trực tiếp hợp tác.

Tờ Kommersant cho biết, quyết định về nhà sản xuất động cơ sẽ do phía Trung Quốc quyết định, hợp đồng cung cấp động cơ chưa được ký kết và các bên vẫn đang tiếp tục đàm phán. Hợp đồng này nhiều khả năng sẽ được coi là một thỏa thuận hợp tác “dân sự”.

Kommersant khẳng định, với những mối quan hệ tương đối tế nhị, Trung Quốc sẽ giúp Motor Sich có cơ sở “lách luật”, nếu họ chọn đối tác Ukraine thì Nga cũng sẽ chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay công ty chế tạo động cơ Motor Sich vẫn từ chối đưa ra bình luận.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm phân tích dịch vụ Cảng hàng không Nga, ông Oleg Panteleev nhận định, cơ hội tham gia của Motor Sich vào dự án vẫn còn khá sáng sủa bởi cơ quan chủ quản kế hoạch phát triển loại trực thăng mới là Trung Quốc chứ không phải Nga.

Hơn nữa, tuy động cơ PD-12 có tính năng ưu việt hơn so với D-136 nhưng chắc chắn giá thành của nó sẽ cao hơn, đồng thời việc sản xuất hàng loạt của phía Nga cũng phải mất một vài năm nữa.

Bởi vậy, rất có thể trong giai đoạn đầu, các nguyên mẫu thử nghiệm của Mi-26T2 vẫn sẽ dùng động cơ cũ. Nhưng giới chức quốc phòng Ukraine đã lên tiếng phản bác những thông tin Nga và Trung Quốc đưa ra.

Ông Tereschenko - Cục trưởng cục quản lý xuất khẩu quốc gia Ukraine đã phủ nhận sự tham gia của phía Ukraine vào dự án này, đồng thời cho đây là âm mưu làm mất uy tín của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Phiên bản mới nhất của dòng Mi-26 là Mi-26T2 của Nga
Phiên bản mới nhất của dòng Mi-26 là Mi-26T2 của Nga

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp thoát khỏi sự quản chế của chính phủ nước mình, Motor Sich cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính là phía Nga cũng không muốn có sự tham gia của bên thứ 3 trong hợp đồng này, nhất là từ phía đối thủ chính Ukraine, trong bối cảnh hai bên quyết định chấm dứt quan hệ hợp tác quốc phòng.

Bên cạnh đó, Nga cũng hoàn toàn có khả năng sản xuất động cơ D-136, đồng thời họ còn đang phát triển một loại động cơ thế hệ mới, tiên tiến hơn nhiều so với động cơ cũ và kế hoạch phát triển phiên bản mới của Mi-26T2 sẽ là cơ hội để họ thể hiện.

Ngày 8/5 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga Dmitry Rogozin đã chỉ rõ, ngoài Nga và Trung Quốc ra, dự án sẽ không có chỗ cho bất cứ bên thứ 3 nào. Động cơ sẽ do Nga sản xuất trên cơ sở loại động cơ máy bay chiến đấu MS-21.

Ngay từ cuối năm 2014, Lãnh đạo Công ty chế tạo động cơ máy bay thuộc Tập đoàn chế tạo hàng không Liên Hợp của Nga đã tuyên bố:

Họ và Tập đoàn chế tạo máy bay trực thăng Nga đã hợp tác nghiên cứu dự án phát triển động cơ trực thăng PD-12 trên cơ sở động cơ máy bay chiến đấu MS-21.

Với những nguyên nhân trên, rất khó để công ty chế tạo động cơ máy bay trực thăng của Ukraine có thể chen chân vào dự án phát triển một phiên bản mới của trực thăng vận tải Mi-26T2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại