Bất ngờ lớn với khách hàng đầu tiên của trực thăng Mi-26T2

Thắng Nam |

Nga đã gây bất ngờ lớn khi cho biết khách hàng đầu tiên mua trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T2 không phải là Trung Quốc hay Ấn Độ.

Nga tái khôi phục dây chuyền sản xuất Mi-26T2

Vừa qua, Tập đoàn chế tạo máy bay trực thăng Nga (Russian Helicopters), trực thuộc Tổng công ty công nghệ Nga (State Corporation Rostec) tuyên bố tái khởi động dây chuyền sản xuất máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T2.

Những trực thăng trên sẽ được chế tạo tại Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol, có trụ sở tại thành phố Rostov on Don ở miền nam nước Nga.

Mi-26 vận chuyển một chiếc trực thăng vận tải CH-47 Chinook của Mỹ
Mi-26 vận chuyển một chiếc trực thăng vận tải CH-47 Chinook của Mỹ

Mi-26 (NATO định danh là Halo) là loại trực thăng vận tải hạng nặng 2 động cơ do Cục thiết kế Miri dưới thời Liên Xô cũ (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Nhà máy chế tạo trực thăng Miri Moscow) thiết kế chế tạo vào thập niên 1970.

Tháng 12/1977, nguyên mẫu đầu tiên bắt đầu bay thử và được công khai tại triển lãm hàng không Paris - tháng 6/1981.

Tháng 5/1985, Mi-26 chính thức được phê duyệt sản xuất cấp quốc gia và bắt đầu được xuất khẩu năm 1986, với giá bán lúc đó là 10,2 triệu USD/chiếc.

Sau khi được sản xuất hàng loạt, 2 phiên bản dân dụng và quân sự của Mi-26 đã được cải tiến, nâng cấp thành rất nhiều biến thể như Mi-26A, Mi-26T, Mi-26P, Mi-26M...

Chúng được bán cho không quân Belarus, Campuchia, Congo, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Triều Tiên, Peru, Ukraine, Venezuela…

Mi-26T bắt đầu được chế tạo hàng loạt trong thập niên 1980 tại Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol, đến nay vẫn còn đầy đủ dây chuyền sản xuất và các hệ thống thiết bị phụ trợ nên việc khôi phục hoạt động của dây chuyền này là điều không khó.

Người phát ngôn của Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol cho biết, phiên bản hiện đại hóa Mi-26T2 do Nhà máy chế tạo trực thăng Miri ở Moscow kết hợp với Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol nâng cấp, năm 2010 đã hoàn thiện điều chỉnh thiết kế và hồ sơ kỹ thuật.

Cũng trong năm đó, Nhà máy Rostvertol hoàn thành nâng cấp 1 chiếc Mi-26T thành Mi-26T2. Nguyên mẫu này được chuyển thẳng từ dây chuyền lắp ráp tổng thành đến trạm thử nghiệm vào tháng 12/2010. Và đến ngày 17/2/2011, chuyến bay thử đã thành công tốt đẹp.

Đến tháng 8 năm đó, chiếc Mi-26T2 có chuyến bay trình diễn thành công mỹ mãn tại Triển lãm Hàng không Moscow (MAKS 2011). Sau khi hoàn tất nhiều đợt thử nghiệm bay khác, nó chính thức được phê chuẩn, đưa vào sản xuất hàng loạt.

Nhà máy sản xuất trực thăng Rostvertol sẽ tiến hành chế tạo cùng lúc các biến thể Mi-26T2 khác nhau, dây chuyền của họ có khả năng đảm bảo số lượng từ 7 - 8 chiếc trong năm 2015, đáp ứng nhu cầu cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hồi cuối năm 2014, người phát ngôn của Rostvertol cho biết, công ty này sẽ bàn giao những chiếc Mi-26T2 đầu tiên cho khách hàng nước ngoài trong quý I năm 2015.

Trước khi chính thức sản xuất loạt Mi-26T2, Russian Helicopters đã “úp mở” về khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu siêu trực thăng này. Thông tin trên được tạp chí Airrecognition cho biết, toàn bộ lô trực thăng của khách hàng nước ngoài này sẽ được bàn giao trước tháng 4/2016.

Mi-26 dễ dàng cẩu treo 1 chiếc máy bay tiêm kích như MiG-29
Mi-26 dễ dàng cẩu treo 1 chiếc máy bay tiêm kích như MiG-29

Khách hàng đầu tiên: Không phải Ấn Độ hay Trung Quốc

Trước đó, tất cả đều nghĩ khách hàng đầu tiên của Nga chính là Ấn Độ hoặc là Trung Quốc, bởi hồi đầu năm 2013, Rostvertol cho biết, Ấn Độ đã ngỏ ý muốn mua dòng trực thăng mới này và hai bên đang tiến hành đàm phán trước khi đi đến ký kết hợp đồng chính thức.

Tuy nhiên vào cuối năm 2013, RIA Novosti dẫn nguồn tin Quốc phòng Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã xác nhận chọn trực thăng CH-47 Chinook của hãng Boeing (Mỹ), kết thúc cuộc chạy đua giành quyền cung cấp 15 trực thăng vận tải hạng nặng cho không quân nước này.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng đã đưa tin về việc quân đội nước này quyết định lựa chọn trực thăng Mỹ. Thời báo Ấn Độ dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng cho biết giá bỏ thầu của Mỹ thấp hơn so với Nga, đồng thời chế độ bảo hành hậu mãi cũng tốt hơn.

Đây là thất bại thứ hai của trực thăng Nga trước đối thủ Mỹ tại thị trường Ấn Độ trong vòng một năm. Tháng 10/2012, Mi-28 Havoc cũng thua cuộc trước AH-64D Apache Longbow trong gói thầu cung cấp cho Ấn Độ 22 trực thăng tấn công hạng nặng, có tổng trị giá 1,4 tỷ USD.

Theo RT, khách hàng đầu tiên của phiên bản Mi-26T2 chính là Algeria, với một hợp đồng hết sức bí mật.

Đầu năm nay, một loạt nhỏ bao gồm 2 chiếc Mi-26T2 đã được lắp ráp để chuyển sang nước này dùng thử, sau đó dây chuyền được chính thức tái khởi động để sản xuất loạt lớn tiếp theo.

Trực thăng vận tải Mi-26 và “người đàn em” Mi-8
Trực thăng vận tải Mi-26 và “người đàn em” Mi-8

Tuy nhiên, hợp đồng đình đám nhất có liên quan đến Mi-26T2 chính là kế hoạch phát triển một phiên bản theo kiểu Trung Quốc, được Moscow và Bắc Kinh thai nghén từ năm 2008 và đến tháng 5 năm nay mới chính thức ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển.

Thêm nữa, song song với dự án này, Nga cũng đang thực hiện hợp đồng cung cấp phiên bản đời cũ Mi-26T cho Trung Quốc được định danh là Mi-26TC (Mi-26TS). Đến nay, Nga đã bàn giao cho Trung Quốc 4 chiếc Mi-26TC, mỗi chiếc được lắp thêm 4 radar khí tượng thế hệ mới.

Được biết, phía Trung Quốc rất ấn tượng về tính năng của loại trực thăng vận tải này. Chúng đã chứng minh sự hiệu quả trong chiến dịch cứu hộ động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 và trận động đất Nhã An năm 2013, đều thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Bởi vậy, kế hoạch hợp tác phát triển một phiên bản trực thăng hạng nặng trên cơ sở nguyên mẫu Mi-26T2 đã hoàn thiện, do Nhà máy chế tạo trực thăng Miri ở Moscow kết hợp với Nhà máy sản xuất trực thăng ở Rostov chế tạo đã được hai nước tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang có một khúc mắc rất lớn về vấn đề động cơ, bởi nhà cung cấp trước đây là Công ty chế tạo động cơ máy bay trực thăng Motor Sich, có trụ sở ở Zaporizhzhya - Ukraine, mà hiện chính quyền Kiev đang chấm dứt vĩnh viễn hợp tác quân sự với Moscow.

Vấn đề về hợp đồng này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại