Quân đội Việt Nam được trang bị những hệ thống TLPK tự hành nào?

Việt Hà |

Dựa trên báo cáo của nước ngoài và các hình ảnh đã được công bố, Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đang có trong biên chế những hệ thống tên lửa phòng không tự hành sau đây.

9K35 Strela-10 (SA-13 Gopher)

Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp SA-13

9K35 Strela-10 (NATO định danh SA-13 Gopher) là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm thấp, được chế tạo và đưa vào sử dụng tại Liên Xô từ năm 1979.

Strela-10 là một giải pháp phản ứng nhanh hiệu quả đối với các mục tiêu đường không tầm thấp như tên lửa hành trình, UAV, trực thăng, máy bay cánh cố định bay thấp và các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao khác.

Toàn bộ hệ thống gồm cả radar ngắm bắn Hat Box được đặt trên khung gầm xe bánh xích MT-LB có khả năng cơ động rất cao.

Sức mạnh của Strela-10 nằm ở 4 tên lửa đất đối không tầm thấp 9M37 sẵn sàng trên bệ phóng và 8 tên lửa trong xe, nhưng nó còn bắn được loại tên lửa 9M31 (Strela-1) của SA-9 Gaskin.

Điều này cho phép tiết kiệm khi chiến đấu, Strela-1 sẽ được sử dụng để bắn các mục tiêu có tính năng và độ cơ động thấp trong khi Strela-10 dùng cho các mục tiêu phức tạp hơn.

Đạn tên lửa 9M37 có chiều dài 2,2 m; đường kính 0,12 m; trọng lượng 55 kg, đầu đạn 5 kg HE; tầm bắn tối đa 5 km; trần bay 3,5 km. Tên lửa được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại thụ động kết hợp ngòi nổ laser cận đích.

Theo báo cáo của SIPRI, Việt Nam nhận được tổng cộng 20 hệ thống SA-13 cùng 500 đạn tên lửa 9M37 từ Liên Xô trong giai đoạn 1985 - 1986. Đến nay, SA-13 vẫn là xương sống của lực lượng phòng không tầm thấp Việt Nam.

SA-13 trong một cuộc diễn tập, bộ phận trong vòng tròn đỏ có thể là hệ thống dẫn hướng quang điện mới được bổ sung

Tương tự SA-2 và SA-3, SA-13 cũng đã khá lạc hậu và cần được nâng cấp lên chuẩn mới hiện đại hơn để đáp ứng các yêu cầu của tác chiến phòng không công nghệ cao.

Trong bức ảnh bắn đạn thật của SA-13 đăng trên báo Tiền phong, một thiết bị khá lạ đã xuất hiện phía trên giá gắn ống phóng tên lửa.

Qua so sánh với các bức ảnh chụp hệ thống SA-13 của nước ngoài thì nhiều khả năng SA-13 của Việt Nam đã được nâng cấp lên chuẩn Strela-10M3.

Điểm nhấn của gói nâng cấp này là bổ sung hệ thống dẫn hướng quang điện gắn bên phải bệ phóng tên lửa, có tác dụng giúp SA-13 hoạt động hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.

Radar điều khiển hỏa lực 9S86 của Strela-10M3 được cải tiến với khả năng bám bắt mục tiêu tốt hơn, phạm vi tìm kiếm mục tiêu cỡ tiêm kích F-15 vào khoảng 15 km, cho phép dẫn bắn các loại tên lửa hiện đại hơn như 9M37M1 hoặc 9M333.

Với gói nâng cấp này, hệ thống phòng không tầm thấp SA-13 của Việt Nam được đánh giá có đủ khả năng đối phó với các thách thức mới của chiến trường hiện đại.

S-300PMU1 (SA-20 Gargoyle)

Hệ thống phòng không S-300
Hệ thống phòng không S-300

S-300 là một loạt các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa của Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất.

Hệ thống S-300 được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình cho lực lượng Phòng không Xô viết. Các biến thể sau đó có thể đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Phiên bản S-300PMU1 (SA-20 Gargoyle) được giới thiệu lần đầu vào năm 1992 với các tên lửa 48N6 mới và lớn hơn so với tên lửa 5V55R đời cũ, một xe phóng có thể mang 4 đạn tên lửa 48N6.

Loại tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện với vai trò triển khai trên đất liền và có tất cả các tính năng cải tiến từ phiên bản hải quân S-300FM gồm gia tăng tốc độ, tầm hoạt động, dẫn đường và khả năng chống tên lửa đạn đạo.

S-300PMU1 thường sử dụng hệ thống chỉ huy và điều khiển 83M6E, mặc dù nó cũng tương thích với các hệ thống chỉ huy và điều khiển Baikal-1E và Senezh-M1E CCS cũ.

Hệ thống 83M6E được trang bị radar giám sát/phát hiện 64N6E (Big Bird). Radar kiểm soát bắn và dẫn đường của S-300PMU1 là 30N6E, có thể lựa chọn tích hợp với một radar bắt thấp 76N6 hoặc 36D6 và một radar thám sát mọi độ cao 96L6E.

Hệ thống chỉ huy và điều khiển 83M6E có thể kiểm soát tới 3 xe phóng, cả phương tiện tự hành 5P85SE và bệ phóng kéo 5P85TE.

Xe mang phóng tự hành 5P85SE của hệ thống S-300PMU1 Việt Nam

Vào năm 2003, Việt Nam đã mua của Nga 2 hệ thống S-300PMU1 với khoảng 75 quả tên lửa 48N6 để trang bị cho 2 đơn vị phòng không triển khai ở 2 đầu đất nước, giá trị hợp đồng ước tính 300 triệu USD.

Cho đến khi SAMP/T của Singapore đi vào hoạt động, S-300PMU1 của Việt Nam vẫn là hệ thống phòng không tầm xa mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

2K12 Kub (SA-6 Gainful)

Ngoài 2 hệ thống tên lửa phòng không tự hành trên, theo báo cáo của SIPRI, trong giai đoạn 1979 - 1980 Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô 10 hệ thống SA-6 cùng 600 đạn tên lửa 3M9.

Xe mang phóng tự hành 2P25 của hệ thống SA-6

2K12 Kub (SA-6 Gainful) là hệ thống phòng không di động tầm ngắn được đưa vào trang bị năm 1967, nó ra đời nhằm bổ sung cho 2K11 Krug (SA-4) tầm trung-cao.

Xe radar LONG TRACK, xe tiếp đạn và xe bệ phóng của SA-6 đều đặt trên khung xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T (đã được cải tiến) có tính việt dã rất cao để đủ sức đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới.

Sau khi đưa vào biên chế, SA-6 đã trải qua nhiều đợt hiện đại hóa với mục tiêu cải thiện các đặc tính chiến đấu (tầm bắn xa hơn, cải thiện khả năng tác chiến điện tử, giảm thời gian triển khai hoạt động).

Một biến thể nâng cấp được chấp nhận năm 1973 với định danh Kub-M1 và từ năm 1974 - 1976, hệ thống trải qua một đợt hiện đại hóa nữa, kết quả là cho ra đời biến thể Kub-M3.

Xe radar hỏa lực 1S91 cùng xe mang phóng tự hành 2P25 của hệ thống Kub

Hệ thống SA-6 sử dụng đài radar hỏa lực 1S91 (NATO định danh Straight Flush) có tầm hoạt động 75 km, bắt đầu chiếu mục tiêu và điều khiển tên lửa ở tầm 28 km.

Tên lửa của SA-6 là 3M9 có chiều dài 5,8 m; sải cánh 1,245 m; đường kính 0,355 m; trọng lượng phóng 599 kg mang theo đầu đạn HE nặng 59 kg; tầm bắn tối đa 28 km, trần bay 12 km; tốc độ Mach 2,8.

Mặc dù hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến S-300PMU1 đã được công khai rộng rãi, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một hình ảnh nào của SA-6 tại Việt Nam. Vì vậy cũng tồn tại nhiều ý kiến cho rằng thực ra Việt Nam không hề được trang bị SA-6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại