Nga có dấu hiệu ngãng ra
Ông Oleg Bochkaryov, Phó Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga vừa bị Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin khiển trách khi hé lộ thông tin rằng Nga “không còn quan tâm” đến Mistral nữa, bởi thực tế Chính phủ Nga chưa chính thức từ bỏ thương vụ này.
Bên cạnh đó, kể từ khi trục trặc với Pháp, phía Nga chưa hề có bất cứ tuyên bố cứng rắn nào, mà chủ yếu vẫn chờ đợi “thiện chí” từ đối tác.
Tiếc thay, hy vọng lắm thì thất vọng cũng nhiều, bởi đến thời điểm này Pháp vẫn bảo lưu quan điểm không giao tàu cho phía Nga mà tìm cách bán lại chúng để lấy tiền bồi thường.
Hơn nữa, Nga ở thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi chính họ cũng dính “phốt” y hệt như vậy khi từ chối giao cho Iran và Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 hiện đại theo hợp đồng đã ký.
Trách Pháp thì Nga cũng phải nhìn lại mình, nên đành phải chọn giải pháp nhẹ nhàng.
Nga đã ít nhiều có dấu hiệu “ngãng ra”, đỉnh điểm là vụ “ông nói gà, bà nói vịt” kể trên.
Thực tế, Nga chưa cần các tàu sân bay trực thăng Mistral đến mức phải đấu tranh bằng mọi giá. Bởi nếu nhận tàu, Nga tự đẩy mình xa hơn với các nước châu Âu, chiếc “vòng kim cô” cấm vận sẽ càng bị siết chặt hơn.
Thêm nữa, giá dầu lao dốc, tuy chưa đẩy Nga đến mức kiệt quệ, nhưng rõ ràng đã khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Không được nhận tàu nhưng người Nga đã ít nhiều học được cả về thiết kế, quy trình công nghệ đóng tàu lẫn cách thức vận hành con tàu hiện đại. Thôi thì nhận tiền đền bù rồi tự đóng lấy tàu tương tự mà dùng!
Tàu sân bay Mistral của Pháp và trực thăng vũ trang Tiger
Pháp tìm thấy ánh sáng mong manh cuối đường hầm
Những động thái của phía Pháp cho thấy họ thà đền tiền cho Nga còn hơn là giao tàu để nhận lấy sự rạn vỡ, ghẻ lạnh từ các đồng minh thân thiết.
Thậm chí, theo tờ Le Monde, các quan chức Pháp còn có “giải pháp” cực đoan là đánh chìm cả 2 tàu, dù mất thêm khoản chi phí không nhỏ, khoảng 20 triệu Euro.
Rõ ràng, xác suất Pháp giao tàu cho Nga gần như bằng không. Đánh chìm ư? Ý tưởng thật ngớ ngẩn và điên rồ! Tại sao không tìm cách bán lại cho một nước thứ 3 nào cần đến chúng?
Thật không dễ dàng chút nào khi NATO lắc đầu nguầy nguậy bởi họ chẳng cần cũng như chẳng đủ tiền mua, chứ đừng nói đến chi phí vận hành.
Sự việc tưởng như bế tắc, nhưng cuối cùng Pháp như “người sắp chết đuối vớ được phao”, ánh sáng cuối đường hầm đã le lói khi Trung Quốc đánh tiếng “TÔI MUA”.
Trung Quốc vồ lấy cơ hội “từ trên trời rơi xuống”
Việc Trung Quốc muốn mua cả 2 tàu sân bay trực thăng Mistral là tín hiệu vui với Pháp, bởi họ muốn tống khứ chúng càng nhanh càng tốt để dứt hẳn khỏi vụ việc đau đầu này.
Rõ ràng, nếu có 2 tàu Mistral, sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ có sự phát triển vượt bậc gần như ngay lập tức, giúp tăng đáng kể khả năng tung phóng sức mạnh quân sự tới nhiều vùng biển mà họ đang yêu sách chủ quyền.
Chắc chắn họ sẽ không bỏ qua cơ hội “từ trên trời rơi xuống” này.
Pháp đã cử biên đội tàu đổ bộ/sân bay Dixmude cùng tàu hộ tống tàng hình Aconit (lớp La Fayette) thăm Thượng Hải từ 9 - 15.5.2015 và tiến hành tập trận với tàu hộ vệ tên lửa Type-054A của Hải quân Trung Quốc.
So với tàu đổ bộ lớn nhất lớp 071 của Trung Quốc tự đóng trong nước, tàu Mistral của Pháp vượt trội hơn về nhiều mặt.
Pháp thì khoe hàng và tạo điều kiện cho Trung Quốc ngắm nghía “con mồi” trước khi chộp lấy nó. Động thái này cho thấy các bên đã “xích lại gần nhau” đến mức tưởng chứng sắp có thỏa thuận cụ thể.
Tàu đổ bộ lớp 071 số hiệu 999 mang tên Tỉnh Cương Sơn do Trung Quốc tự đóng trong nước
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tính đến phương án phát triển dòng máy bay cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng cho các tàu Mistral.
Song, Trung Quốc sẽ phải vượt qua một số rào cản cực lớn, trước khi với tới "trời".
Thứ nhất, dù Pháp muốn bán tàu, nhưng Mistral là thứ không phải "giá rẻ như cho". Bởi lẽ, đây là lớp tàu cực kỳ hiện đại đến Nga còn thèm muốn chứ nói gì đến Trung Quốc.
Mua được tàu, Trung Quốc có thể tiếp cận nhanh chóng với công nghệ, vũ khí trang bị và cách vận hành để sao chép một cách “trắng trợn” như đã làm với vũ khí Nga. Do vậy, Pháp có quyền ra giá cao.
Thứ hai, lệnh cấm buôn bán vũ khí của EU với Trung Quốc vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, gần đây Pháp lại chính là nước châu Âu đầu tiên đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm này, bởi lẽ Trung Quốc là thị trường vũ khí cực lớn mà bấy lâu nay Pháp phải nhường cho Nga. Anh và Italia cũng nhắm đến thị trường "béo bở" này khi đã có đề xuất tương tự
Dẫu lệnh cấm không thể một sớm một chiều có thể dỡ bỏ ngay được nhưng xem ra, Trung Quốc sẽ quyết tâm với thương vụ này nhằm mở toang cách cửa để tiếp cận với nguồn cung vũ khí hiện đại của Phương Tây.
Thứ ba, Trung Quốc có Mistral sẽ khiến cán cân quân sự ở châu Á thay đổi đáng kể.
Đây là điều mà Hoa Kỳ và nhiều nước đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á không muốn, bởi lẽ họ không muốn Trung Quốc có khả năng tung phóng sức mạnh quân sự, đe dọa tự do và an ninh hàng hải trong khu vực.
Hiện chưa có phản ứng chính thức từ phía Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia dự đoán rằng họ sẽ ngăn cản thương vụ này. Tuy nhiên, người Trung Quốc vốn “lắm mưu nhiều mẹo” trong việc đạt được các thỏa thuận “ngầm” để đạt được mục đích của mình.
Chưa biết vụ việc sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng và sẽ không bỏ lỡ “cơ hội trên trời rơi xuống này”.
Nếu Pháp “gật”, Trung Quốc coi như đã thò được một chân vào các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hàng đầu Châu Âu, khi mà cả hai bên đều đang “thèm khát” lẫn nhau.
** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.