Trung Quốc sẽ "hồi sinh" Yak-141 để bố trí trên tàu Mistral?

Tuấn Trung |

Bên cạnh tin đồn đang cân nhắc việc mua lại 2 tàu Mistral, Quân đội Trung Quốc tiếp tục gây shock khi công bố kế hoạch phát triển chiến đấu cơ STOVL.

Wantchinatimes cho biết, cơ quan ngôn luận của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã đăng tải một bài viết với nội dung "Trung Quốc sẽ phát triển chiến đấu cơ STOVL (cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng) của mình như thế nào?”

Đáng chú ý, bài báo đã chỉ đích danh con đường ngắn nhất là phát triển một mẫu tiêm kích STOVL dựa trên "tuyệt tác yểu mệnh" Yakovlev Yak-141 của Liên Xô, để có thể nhanh chóng trang bị cho các tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn.

Tiêm kích STOVL Yakovlev Yak-141 của Liên Xô
Tiêm kích STOVL Yakovlev Yak-141 của Liên Xô

Quân đội Trung Quốc nhận định rằng tàu đổ bộ tấn công sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Vì vậy, chiến đấu cơ STOVL biên chế theo tàu sẽ là một thành phần không thể thiếu.

Trong quá trình phát triển, với tiềm lực tài chính dồi dào của mình, Trung Quốc có thể nhờ Nga hỗ trợ về kinh nghiệm cũng như công nghệ, và họ cũng không quên nhấn mạnh rằng đây là dự án hợp tác có lợi cho cả hai quốc gia.

Về phần mình, Nga nhiều khả năng sẽ nhanh chóng đồng ý nếu phía Trung Quốc có đề nghị chính thức. Tiền lệ trên đã từng xảy ra khi Nga phát triển hệ thống phòng không KM-SAM Chun Koong cho Hàn Quốc để rồi sau đó chế tạo S-350 Vityaz cho mình.

Nếu Trung Quốc quyết tâm mua lại 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral và sản xuất một loại tiêm kích STOVL dựa trên Yak-141 để biên chế theo tàu thì sẽ là một động thái cực kỳ nguy hiểm, khiến các quốc gia trong khu vực phải đặc biệt lưu tâm.

Tiêm kích Yak-141 thử nghiệm hạ cánh trên tàu sân bay Baku
Tiêm kích Yak-141 thử nghiệm hạ cánh trên tàu sân bay Baku

Yak-141 là loại tiêm kích hạm siêu âm có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Máy bay đảm nhận được nhiệm vụ chiến đấu tầm gần, đánh chặn các mục tiêu trên không hoặc tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước.

Liên Xô bắt tay chế tạo Yak-141 từ giữa những năm 1970, mẫu thử đầu tiên do Phòng Thiết kế Yakovlev chế tạo vào năm 1986. Theo kế hoạch, những chiếc Yak-141 sẽ nằm trong thành phần chiến đấu của các cụm tàu sân bay Baku, Tbilisi, Riga và cả Ulyanovsk.

Yak-141 được chế tạo với 26% Titan để đảm bảo chịu được sức nóng của động cơ tỏa ra khi hạ cánh, còn lại là vật liệu tổng hợp. Máy bay lắp 2 động cơ phản lực phụ RKBM RD-41 ở dưới thân, động cơ chính MNPK Soyuz R-79V-300 đặt ở vị trí giữa 2 cánh đuôi.

Để cất cánh, vòi phun động cơ R-79V-300 sẽ xoay tạo góc 90 độ với mặt đất, cùng với 2 động cơ nâng đưa máy bay cất cánh. Khi đạt độ cao ổn định, động cơ chính sẽ xoay lại theo hướng ngang và đưa máy bay tiến về phía trước.

Theo thiết kế, Yak-141 có khả năng đạt vận tốc tối đa Mach 1,7. Nếu làm được điều này, nó trở thành mẫu tiêm kích STOVL siêu âm đầu tiên trên thế giới.

Năm 1987, Yak-141 lần đầu cất hạ cánh thành công theo phương pháp truyền thống (cất hạ cánh trên đường băng). Những năm tiếp theo, Yak-141 nhiều lần thực hiện thành công thao tác cất hạ cánh ngắn/thẳng đứng.

Dù vậy nó không tránh khỏi tai nạn, ngày 26/9/1991, mẫu thử Yak-141 số hiệu 48-2 gặp nạn khi hạ cánh. Rất may là phi công thoát hiểm an toàn, máy bay chỉ bị hư hỏng nhẹ và được khôi phục lại sau đó.

Đáng tiếc là Yak-141 được phát triển và thử nghiệm đúng vào những năm tháng cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Không lâu sau chuyến bay thử, Hải quân Liên Xô ngừng cấp kinh phí cho chương trình.

Nếu như Yak-141 ra đời từ những năm 1970 thì nó đã có số phận tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, công nghệ của Yak-141 được chứng minh là rất ưu việt, mẫu máy bay này hoàn toàn có thể được "hồi sinh" vào một thời điểm thích hợp trong tương lai.

>>> Đối thủ nặng ký của Mỹ về tên lửa siêu vượt âm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại