Báo Nga: Đánh chìm tàu Mistral chẳng khác nào "sát nhân"!

Vy Lam |

Paris đang phải đối mặt với một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: đánh chìm 2 tàu Mistral hay đưa chúng vào biên chế Hải quân Pháp.

Tờ Pravda (Nga) đăng bài viết cho hay:

Quyết định về số phận của các tàu Mistral vẫn chưa được đưa ra.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết như vậy sau cuộc họp với người đồng cấp Putin ở Yerevan, Armenia.

Ngày 16/5 tới, các bên sẽ phải đưa ra quyết định, hoặc hủy bỏ hoặc thực hiện hợp đồng.

Trong lúc này, Paris đang phải đối mặt với một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khác: đánh chìm 2 tàu Mistral hay đưa chúng vào biên chế Hải quân Pháp.

Việc phá hủy tàu Mistral không chỉ chôn vùi hàng triệu euro mà còn làm tiêu tan công sức của rất nhiều người, cụ thể là những người đã thiết kế và chế tạo nên 2 con tàu đẹp đẽ, tiên tiến này.

Tất nhiên, khả năng Pháp chuyển giao tàu cho Nga gần như bằng 0.

Tuy nhiên, trước cuộc họp tại Yerevan, thủ đô của Armenia, người Pháp lại tiến hành thử nghiệm chiếc tàu Mistral thứ 2 mang tên Sevastopol.

Tàu Sevastopol sau khi vừa được hạ thủy tháng 11/2014

Tàu Sevastopol sau khi vừa được hạ thủy tháng 11/2014

Tại sao họ làm điều đó nếu mọi thứ đã trở nên vô vọng?

Tất nhiên, vẫn còn một lối thoát trong thương vụ này và phần nhiều sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Hollande, người vẫn đang chịu áp lực rất lớn từ Washington.

Ông Hollande dễ có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc phản bội. Rất nhiều công dân Pháp cho rằng ông Hollande nên tự bỏ tiền túi để bồi thường cho Nga vì không giao tàu.

Đáng nói là, Nga và Pháp ký hợp đồng Mistral vào năm 2011, đồng nghĩa với việc hiệu lực của hợp đồng không liên quan tới khủng hoảng Ukraine.

Hãy chờ xem Tổng thống Pháp sẽ hành động như thế nào. Vấn đề sẽ được quyết định trong vài ngày tới.

Pháp sẽ làm gì với 2 tàu Mistral?

Trong lúc này, các phương tiện truyền thông Pháp đã thảo luận về việc Paris sẽ làm gì với 2 tàu Vladivostok và Sevastopol nếu quyết định không chuyển giao tàu cho Moscow.

Pháp là một quốc gia nổi tiếng về đóng tàu và du lịch. Rất nhiều người tại Pháp tin rằng khi những con tàu đã được đặt tên, đánh chìm chúng ngoài biển chẳng khác nào “sát nhân”.

Tàu đổ bộ Vladivostok (lớp Mistral) mà Pháp đóng cho Nga. Ảnh: Defense Update

Tàu đổ bộ Vladivostok (lớp Mistral) mà Pháp đóng cho Nga. Ảnh: Defense Update

Theo tờ Le Figaro (Pháp), đánh chìm các tàu Mistral sẽ là phương án tiết kiệm nhất.

Việc duy trì các con tàu đang ngốn của Pháp 5 triệu euro mỗi tháng.

Tuy nhiên, như một quan chức quốc phòng Pháp đã nói, đối với những công nhân tham gia đóng tàu Mistral, việc đánh chìm chúng là không thể tưởng tượng được.

Trong khi đó, bán thiết bị quân sự cho bất cứ quốc gia nào cũng có thể dẫn tới rủi ro quốc gia đó dùng chính vũ khí của Pháp để chống lại Pháp.

Hủy bỏ hợp đồng tàu Mistral sẽ khiến nước Pháp suy yếu. Đầu tiên, Paris sẽ phải trả lại Nga 890 triệu euro trong tổng số 1,2 tỷ euro giá trị hợp đồng.

Tổng thiệt hại, bao gồm cả tiền phạt, sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ euro.

Ai sẽ trả số tiền “khổng lồ” này? Đó là chính phủ Pháp, bởi hợp đồng có sự bảo lãnh của nhà nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế Pháp đang gặp khó khăn nên gánh nặng sẽ đè lên vai những người đóng thuế.

Tiếp đó, Pháp sẽ mắc kẹt với 2 con tàu không thể bán đi đâu được. Tất cả các thiết bị trên tàu đều là của Nga và các chữ viết trên tàu cũng bằng tiếng Nga.

Cơ hội để Paris tìm được khách hàng là rất mong manh. Các cuộc đàm phán với Australia, Canada, Ai Cập và Algeira đã thất bại.

Nga có bị tổn hại nếu Pháp không giao Mistral?

Đã có ý kiến cho rằng nên đưa tàu Vladivostok và Sevastopol vào biên chế Hải quân Pháp.

Tuy nhiên, như nhà báo Jean Dominique Merchet viết trên tờ L'Opinion, các thủy thủ Pháp không vui vẻ gì trước viễn cảnh này.

Một động thái như vậy sẽ làm suy yếu sự cân bằng trong hạm đội tàu chiến của Pháp, hiện đang có 3 tàu Mistral, 15 khinh hạm và 6 tàu ngầm hạt nhân để tiến hành các chiến dịch tấn công.

Ngân sách quốc phòng Pháp cũng không được tăng thêm nếu tiếp nhận thêm 2 tàu Mistral.

Sự gián đoạn của hợp đồng Mistral sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng độc đáo và độc lập của Pháp.

Với Nga thì sao? Như Tổng thống Putin đã trả lời trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân Nga hôm 16/4:

“Quyết định phá vỡ hợp đồng của Pháp là một quyết định không hay, tuy nhiên đó không phải là một vấn đề đối với Nga, nếu xét từ quan điểm duy trì năng lực quốc phòng.

Chúng tôi ký hợp đồng này chủ yếu để ủng hộ các đối tác của mình và các cơ sở đóng tàu của họ”.

>>> “Ác mộng” đáng sợ của HQ Pháp khi Nga không nhận được tàu Mistral

>>> Vụ Mistral: Trung Quốc có sẵn lòng trở thành "cứu tinh" của Pháp?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại