Chúng ta đã được chứng kiến một loạt hành động, biện pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Đó là:
- Dùng máy bay, tàu chiến tuần tra để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc (như đưa máy bay B-52 vào Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông);
- Bật đèn xanh cho Nhật Bản xây dựng quân đội mang tính tấn công và sẵn sàng tác chiến tại Biển Đông khi lợi ích quốc gia của Mỹ, Nhật Bản bị xâm hại;
Nước Úc cũng chính thức có hành động ở Biển Đông, cùng với đó, liên minh tuần tra của Indonesia, Malaysia và Singapore đang sẵn sàng.
Điểm nhấn đặc biệt chú ý là Mỹ - Nhật - Úc (Liên minh quân sự mạnh, trụ cột của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương) đã sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn.
Do tính chất không thể thỏa hiệp nên các biện pháp cùng hành động của Mỹ và đồng minh nhằm đối đầu với Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và rất dễ xảy ra xung đột.
Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục bồi lấp trái phép các đảo đá, bãi cạn, xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp thì sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ - Nhật - Úc sẽ dày đặc hơn, áp lực giáng xuống Trung Quốc sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, khi Mỹ chưa ra hết những quân bài trong tay thì còn quá sớm để trả lời câu hỏi: Liệu xung đột quân sự có xảy ra hay không?.
Dưới đây có thể là 2 “biện pháp hòa bình” trên Biển Đông theo kiểu Mỹ - như Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) mới đây.
Bán vũ khí, máy bay săn ngầm cho Việt Nam…
Phải khẳng định rõ, chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải xây dựng lực lượng hải quân đủ mạnh, đảm bảo khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việc mua sắm máy bay, tàu ngầm, tên lửa đối hải… là nhu cầu tất yếu và phải phù hợp với điều kiện kinh tế, cũng như chỉ hoạt động trong vùng trời, vùng biển Việt Nam, mà không nhằm gây thêm căng thẳng trên Biển Đông.
Việt Nam đã mua sắm vũ khí của Nga, của Tây Âu và gần đây nhất, đích thân Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết ông cùng các thượng nghị sĩ khác sẽ đề nghị nới lỏng hơn nữa lệnh cấm vận vũ khí sát thương để giúp Việt Nam có thêm khả năng tự vệ.
Nếu Mỹ sẵn sàng bán máy bay săn ngầm hiện đại hoặc bất kỳ loại vũ khí nào khác phù hợp với định hướng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam thì không loại trừ khả năng 2 bên sẽ đạt được những thỏa thuận nhất định.
Chẳng hạn, chống ngầm trong phòng thủ biển của Việt Nam là một nhiệm vụ sống còn, quyết định sự thành bại của hệ thống phòng thủ xa bờ. Do đó, nếu không mua máy bay chống ngầm của Mỹ, Việt Nam cũng sẽ mua của nước khác.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thêm P-3C Orion từ Mỹ thì tàu ngầm đối phương sẽ phải “suy nghĩ 2 lần” trước khi có bất kỳ hành động xâm nhập nào, bởi tính năng kỹ - chiến thuật của nó tạo thành sức răn đe lớn.
Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng, Việt Nam cần được cung cấp phương tiện để tiếp tục ngăn chặn những “hành vi quyết đoán” của Trung Quốc trên Biển Đông.
… và bán vũ khí cho Đài Loan
Vào tháng 3/1979, thông qua “Luật Quan hệ với Đài Loan”, Mỹ cam kết bảo vệ kinh tế, chế độ xã hội và an ninh cho Đài Loan.
Trung Quốc đã vài lần “thử” cam kết này trong các lần “khủng hoảng eo biển Đài Loan” nhưng không thành công vì Mỹ tỏ ra cứng rắn hơn hẳn.
Đến nay, vấn đề Đài Loan vẫn là chủ đề nhạy cảm nhất, quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.
Mỗi khi Mỹ có ý định bán vũ khí cho Đài Loan là Trung Quốc nổi giận lôi đình, phản đối kịch liệt và không khó để nhận thấy là khi ấy, Mỹ dùng “quân bài Đài Loan” để buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp một vấn đề gì đó.
Chúng ta đã rõ khi năm 2010, Mỹ bán cho Đài Loan gói vũ khí 6,4 tỷ USD và gần đây nhất, ngày 18/12/2014, Tổng thống Barack Obama đã đặt bút ký phê chuẩn “Dự luật Chuyển giao tàu chiến hải quân”, mở đường cho việc bán 4 tàu chiến không còn sử dụng cho Đài Loan.
Trước đó, Trung Quốc đã rất tức giận khi cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Oliver Hazard Perry cho Đài Loan.
Đúng thôi, vì Đài Loan là “lợi ích cốt lõi”, là lãnh thổ của Trung Quốc.
Bán vũ khí cho Đài Loan chẳng khác nào phủ nhận “một Trung Hoa”, “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Trung Quốc, làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia” như Trung Quốc vẫn thường lên án.
Điều này khiến Trung Quốc không giãy lên như “đỉa phải vôi” mới là chuyện lạ.
Rõ ràng, việc bán vũ khí cho Đài Loan ra sao, như thế nào, vào thời điểm nào…là một đòn cực hiểm “2 trong 1” (chính trị và quân sự) mà Mỹ giáng vào Trung Quốc.
Xét trong mối quan hệ song phương Trung - Mỹ thì xử lý, hóa giải miếng đòn này vô cùng khó khăn nếu như không nói là bế tắc.
Tuy nhiên, xét trên mối quan hệ đa phương, chiến lược toàn cầu, thì không phải không có cách để hóa giải.
Trung Quốc có thể “bán đứng” ai đó hay thỏa hiệp điều gì đó nhằm bảo vệ lợi ích an ninh cốt lõi, then chốt, của mình như đã từng làm khi chưa đủ thế lực để đối đầu tay đôi với Mỹ.
Như vậy có thể nói, trên Biển Đông sẽ có rất nhiều “biện pháp hòa bình” trước khi phải dùng biện pháp xung đột bạo lực.
Biện pháp hòa bình như trên của Mỹ sẽ đồng thời tạo thế lực cho Washington trước thềm một cuộc xung đột quân sự.
Do đó, hãy còn quá sớm để nói tới một cuộc xung đột Trung - Mỹ xảy ra trên Biển Đông khi Mỹ chưa tung ra hết những “biện pháp hòa bình”. Đài Loan vẫn là một vấn đề hóc hiểm nhất, là "tử huyệt" của Trung Quốc mà Mỹ quá hiểu.
Liệu trên Biển Đông, Trung Quốc có “lùi” trước 2 đòn rất hiểm nêu trên?
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.