An-124 “Ruslan”: Huyền thoại máy bay vận tải

Duy Hoàn |

Đã từ lâu, trong lĩnh vực vận tải quân sự luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô cũ (hiện tại là Nga).

Giữa hai cường quốc luôn có sự cạnh tranh rất mạnh về tải trọng và kích thước đối với khoang chứa hàng của máy bay vận tải.

Bắt đầu vào năm 1963, Mỹ sở hữu chiếc C-141 Starlifter do công ty Lockheed sản xuất với tải trọng lên đến 29 tấn.

Tuy nhiên, đến năm 1969, Nga đã sản xuất chiếc An-22 không chỉ có tải trọng vượt qua C-141 Starlifter (60 tấn), đồng thời, kích thước cũng lớn hơn.

Đây cũng là chiếc máy bay thân rộng đầu tiên của ngành vận chuyển hàng không quân sự.

Máy bay An-124 “Ruslan” và các máy bay hộ tống.

Sự thống trị của Liên Xô kéo dài cho đến khi công ty Lockheed (Mỹ) chế tạo chiếc siêu tải C-5A Galaxy vào năm 1971.

Kỉ lục thế giới được C-5A thiết lập vượt An-22 gấp 1,5 lần, đạt mức tải trọng 93 tấn.

Khoang chứa của C-5A có thể đặt 6 chiếc trực thăng UH-64A “Apache”, xe tăng M1 và 2 chiếc trực thăng UH-1 hoặc 5 chiếc xe bọc thép M113 và 16 xe jeep.

Trong trường hợp đổ bộ hàng không, C-5A có thể chở 270 lính dù cùng vũ khí trong khoang kín.

Trong 11 năm tiếp theo, Mỹ hoàn toàn “thống trị” về máy bay vận tải quân sự.

Đến năm 1982, Nga lại một lần nữa vượt qua Mỹ khi Cục Thiết kế Antonov thông báo về chuyến bay của An-124 “Ruslan”.

Cho đến nay, An-124 vẫn đứng đầu trong số các máy bay vận tải quân sự thế giới được sản xuất hàng loạt.

Quyết định chế tạo máy bay vận tải hạng nặng với tải trọng 100-120 tấn được Liên Xô bắt đầu thực hiện từ năm 1966.

Khi đó, ngự trị ngành vận tải hàng không siêu trọng đang là C-141 Starlifter, còn An-22 “Antey” vẫn chỉ đang tồn tại trên bản vẽ.

Ban đầu, ý tưởng đưa ra nhằm sản xuất máy bay vận tải phục vụ trong cả lĩnh vực quân sự lẫn dân sự và có thể thực hiện các chuyến bay giữa các vùng rộng lớn cũng như phục vụ thám hiểm các địa cực.

Toàn bộ dự án được tiến hành tại nhà máy cơ khí quốc phòng Kiev dưới sự điều hành của nhà thiết kế chính Belolipetski.

Năm 1971, Bộ Quốc phòng được giới thiệu 3 mẫu máy bay vận chuyển siêu trọng kí hiệu 122, 124 và 126. Ủy ban điều hành đã chọn mẫu “124” và đặt tên gọi là “sản phẩm 200”.

Các công việc trong quá trình sản xuất An-124 diễn ra không hoàn toàn dễ dàng. Năm 1973, một bản thử được ra mắt sẵn sàng.

Tuy nhiên, các thử nghiệm cho thấy nó không đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Đến năm 1976, Antonov quyết định bắt đầu lại dự án từ đầu với tên gọi “sản phẩm 400”.

Antonov đã phát triển một chương trình phức tạp nhằm nâng cao hiệu quả của tất cả các thành phần máy bay: khí động học, độ vững chắc, trọng lượng, tính năng động cơ…

Tất cả các thay đổi đều lần đầu tiên thực hiện ở Liên Xô với sự tham gia của các chuyên gia của Viện Thủy động lực học Trung ương, mười công ty và tổ chức các Bộ khác nhau.

Đến năm 1982, An-124 thành công thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Những chiếc An-124 đầu tiên được giới thiệu cho các chuyên gia hàng không và công chúng vào tháng 5/1985 tại Triển lãm Hàng không vũ trụ lần thứ 26 (Le Bourget/Pháp).

Các nhà báo phương Tây ngay lập tức đặt tên cho nó là “phép lạ nước Nga”.

Tuy nhiên, đại diện của công ty Lockheed lại cho rằng các tính năng trong mẫu quảng cáo có thể không tương ứng với hoạt động thực tế.

Để bác bỏ những ám chỉ trên, An-124 bắt đầu thiết lập các kỉ lục thế giới mới.

Chỉ trong vòng 2 tuần từ tháng 7/1985 nó đã phá vỡ 21 kỉ lục thế giới tại thời điểm đó. Trong đó đáng chú ý nhất là: nâng vật tải nặng 171,219 tấn lên độ cao 10.750 mét .

Vào năm 1987, An-124 tiếp tục phá vỡ kỉ lục về khoảng cách bay không nghỉ theo tuyến đường khép kín (dọc biên giới Liên Xô) với quảng đường bay 20.151 km (kỉ lục cũ thuộc về máy bay ném bom chiến lược B-52 với quảng đường 18.245,5 km).

Đồng thời, trọng lượng cất cánh cũng đạt được 1 kỉ lục mới: 455 tấn.

Trong lĩnh vực quân sự, những chiếc An-124 thuộc lực lượng Không quân tiếp tục lập thêm những kỉ lục mới cho dòng máy bay này.

Ngày 1/12/1990, 1 chiếc An-124 của Trung đoàn vận tải quân sự hàng không số 235 đã thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới chỉ trong 72 giờ 16 phút.

Trong lộ trình dài 50.005 km từ Melbourne (Úc) - Nam Cực - Bắc Cực - Úc, máy bay dừng nghỉ tại Rio-de-Janero (Braxin), Casablanca (Ma-rốc) và Kiev (Liên Xô cũ).

Trong chuyến bay này, An-124 cũng thành lập thêm 7 kỉ lục thế giới về tốc độ.

An-124 có hai khoang gồm các ngăn kín với kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 36,5m; 6,4m; 4,4m và có thể tích khoảng 1.100m3.

Sàn máy bay được làm từ titan cho phép di chuyển các trang thiết bị hạng nặng vào khoang chứa. Toàn bộ khoang trước phía trên dành cho ê-kip bay.

Việc bốc dỡ hàng hóa được thực hiện thông qua cửa nắp trước và sau. Để thực hiện điều đó, phần mũi máy bay sẽ được nâng lên phía trên về phía sau.

Quá trình bốc-dỡ tiêu bản 1 chiếc Superjet trên An-124 “Ruslan”.

Mặc dù tải trọng tối đa theo lí thuyết không vượt quá 120 tấn, tuy nhiên, An-124 có thể vận chuyển được được tải trọng lớn hơn con số trên.

Về vấn đề này, các giải pháp cho độ lệch so với các chỉ tiêu được thiết lập sẵn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm: tình trạng đường băng cất-hạ cánh, thời tiết, quãng đường bay và tính chất lộ trình bay, trình độ kĩ thuật của phi hành đoàn…

Theo đó, An-124 từng lập và phá vỡ các kỉ lục thế giới về tải trọng bay khi nhận vận chuyển lò phản ứng hóa học (140 tấn), xe ben hạng nặng (152 tấn), đài tưởng niệm dài 24m (160 tấn).

Để vận chuyển các tải trọng quá cỡ, các kĩ sư cần tính toán sự thay đổi góc nghiêng thân máy bay do sự thay đổi vị trí các bánh xe.

Đồng thời, để phục vụ cho nhiệm vụ dẫn đường và cung cấp khả năng cất-hạ cánh an toàn, trên An-124 “Ruslan” sử dụng 34 máy tính.

Cho đến năm 2004, đã có tổng cộng 55 chiếc máy bay An-124 “Ruslan” được sản xuất. Phần lớn trong số trên đang phục vụ trong lực lượng Không quân Nga.

Một số chiếc được giao cho các công ty của Nga như “Volga-Dnepr”, “Polet” và “Antonov Airlines” (Ucraina).

So sánh một số tính năng kĩ thuật của An-124 và C-5 Galaxy:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại