5 máy bay vận tải quân sự cánh quạt nổi tiếng nhất thế giới

Tuấn Trung |

Xương sống phi đội máy bay vận tải của đa số các quốc gia trên thế giới hiện vẫn là loại sử dụng động cơ cánh quạt.

1. Airbus A400M Atlas

Airbus A400M Atlas là loại máy bay vận tải quân sự tầm xa 4 động cơ cánh quạt rất hiện đại do Airbus Military phát triển với mục đích thay thế Transall C-160 và Lockheed Martin C-130 Hercules.

Dự án A400M được khởi động từ năm 2007, máy bay thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ngày 11/12/2009 và chính thức ra mắt vào năm 2013. Hiện tại A400M đã nhận được 174 đơn hàng từ 9 quốc gia trên thế giới, đơn giá của A400M là 152,4 triệu Euro vào thời điểm năm 2013.

A400M có kíp lái 3 - 4 người; chiều dài 45,1 m; sải cánh 42,4 m; cao 14,7 m; trọng lượng cất cánh tối đa 141.000 kg; trọng lượng hạ cánh tối đa 122.000 kg; tải trọng chuyên chở lớn nhất 37.000 kg hoặc 116 lính.

Máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt Europrop TP400-D6 công suất 8.250 kW cho tốc độ 780 km/h; tầm hoạt động 3.298 km khi mang tải trọng tối đa; trần bay 11.300 m. Quãng đường cất/hạ cánh trên đường băng chiến thuật lần lượng là 980 và 770 m.

2. Antonov An-22 Antaeus

Antonov An-22 Antaeus (NATO định danh: Cock) là máy bay vận tải cánh quạt lớn nhất thế giới, nó thậm chí còn giữ kỷ lục máy bay vận tải quân sự lớn nhất cho đến khi chiếc Lockheed C-5 Galaxy của Mỹ ra đời.

An-22 được xem như là bản mở rộng của An-12, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 27/2/1965, được giới thiệu năm 1967 và sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1966 - 1976 với tổng số 68 chiếc xuất xưởng.

Thông số kỹ thuật cơ bản: kíp lái 5 - 6 người; chiều dài 57,9 m; sải cánh 64,4 m; cao 12,53 m; trọng lượng rỗng 114.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 250.000 kg; tải trọng chuyên chở lớn nhất 80.000 kg nhưng chỉ mang được 29 người trong khoang điều áp bố trí phía trước.

An-22 được trang bị 4 động cơ cánh quạt kép quay ngược chiều Kuznetsov NK-12MA công suất 11.186 kW mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 740 km/h; tầm hoạt động 5.000 km khi mang tải trọng tối đa; hoặc 10.950 km khi mang tải 45.000 kg; trần bay 8.000 m.

3. Lockheed Martin C-130 Hercules

Lockheed Martin C-130 Hercules là loại máy bay vận tải hạng trung hoạt động trong Không quân Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/8/1954, chính thức đưa vào trang bị ngày 9/12/1957, tính đến năm 2009 đã có trên 2.300 chiếc C-130 xuất xưởng.

Nhờ khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn từ các sân bay dã chiến nên ban đầu C-130 được thiết kế để làm máy bay vận tải, cứu thương và chuyển quân. C-130 Hercules có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới.

Thông số kỹ thuật cơ bản của C-130 Hercules: Kíp lái 4 - 6 người; chiều dài 29,8 m; sải cánh 40,4 m; cao 11,6 m; trọng lượng rỗng 38.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 70.300 kg; tải trọng tối đa 20.000 kg hoặc 92 lính dù.

C-130 (phiên bản H) được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-15 công suất 4.300 3.210 kW mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 610 km/h, tầm hoạt động 3.800 km, trần bay 10.000 m.

Phần thân C-130 có khả năng tùy biến khá linh hoạt khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò bao gồm máy bay yểm trợ hỏa lực hạng nặng, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả.

4. Antonov An-26 Curl

Antonov An-26 Curl là loại máy bay vận tải hạng nhẹ được phát triển từ máy bay chở khách Antonov An-24 với những sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong quân sự.

An-26 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 21/5/1969, chính thức ra mắt cùng năm tại Triển lãm hàng không Paris, được sản xuất loạt trong giai đoạn 1969 - 1986 với tổng số 1.403 chiếc. Đây là loại máy bay vận tải phổ biến nhất của những quốc gia thuộc khối Warsaw.

Thông số kỹ thuật cơ bản: Kíp lái 4 người; chiều dài 23,8 m; sải cánh 29,2 m; cao 8,32 m; trọng lượng rỗng 15.020 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 24.000 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ cánh quạt Progress AI-24VT công suất 2.075 kW và 1 động cơ phản lực RU-19-300 8,8 kW cho tốc độ tối đa 540 km/h, trần bay 7.500 m, tầm bay 2.550 km với tối đa nhiên liệu hoặc 900 km với tối đa trọng tải (5.500 kg).

5. Transall C-160

Transall C-160 (thường được gọi với tên C-160 hay đơn giản Transall) là loại máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ rất phổ biến của khối NATO, được sản xuất bởi một liên doanh giữa Pháp và Đức.

C-160 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 25/2/1963, chính thức ra mắt năm 1967, được sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1965 - 1985 với tổng số 214 chiếc.

C-160 được vận hành bởi kíp lái 3 người; máy bay có chiều dài 32,4 m; sải cánh 40,0 m; cao 11,65 m; trọng lượng rỗng 29.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 51.000 kg; tải trọng tối đa 16.000 kg hoặc 93 lính dù.

Transall được trang bị 2 động cơ cánh quạt Rolls-Royce Tyne Rty.20 Mk 22 công suất 4.549 kW cho tốc độ tối đa 513 km/h, trần bay 8.230 m, tầm bay 1.853 km khi mang tối đa trọng tải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại