Abrams và tuyệt kỹ tác chiến đô thị

Bằng giải pháp kỹ thuật, Mỹ đã biến những “ông vua sa mạc” Abrams thành những sát thủ đô thị.

Các cuộc xung đột thời những năm qua cho thấy xe tăng và các loại xe bọc thép khác buộc phải tác chiến trong điều kiện không quen thuộc là đô thị. Chúng thường gặp rất nhiều khó khăn khi phải chống đỡ trước các đòn tấn công từ hai bên sườn phía trước.

Sự phổ biến rộng rãi các loại phương tiện diệt tăng cùng với khả năng dễ dàng khi thực hiện các trận phục kích trong bất kỳ ngôi nhà nào đã biến xe tăng, xe bọc thép và các loại xe chiến đấu bộ binh trở thành “mồi ngon”.

Xuất phát từ nguyên nhân này, các hãng sản xuất xe bọc thép hàng đầu thế giới đã buộc phải nghiên cứu ra một tổ hợp giải pháp nào đó có thể nâng cao khả năng sống còn cho xe tăng trong điều kiện tác chiến đô thị.

Trong môi trường tác chiến đô thị chật hẹp, những chiếc tăng nặng hàng chục tấn cùng các pháo thủ "lộ thiên" trở thành mồi ngon cho đối phương

Tại Mỹ, các công trình theo hướng này đã được khởi động ngay sau cuộc chiến tại Afghanistan. Nhưng cũng phải đến khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, các mẫu thử nghiệm đầu tiên mới xuất hiện.

Việc lựa chọn và lắp ráp thêm các thiết bị bổ sung cho các loại tăng Abrams M1A1 và M1A2 được gọi là TUSK. TUSK là viết tắt của cụm từ “Tank Urban Survival Kit”, tạm dịch là “Thiết bị giúp xe tăng thích nghi môi trường đô thị”.

Các tổ hợp TUSK không chỉ tăng khả năng bảo vệ cho xe mà còn bảo vệ kíp lái, nâng cao tính linh hoạt của “khối thép” Abrams nặng trên 60 tấn và phát huy hiệu quả tối đa hỏa lực.

Một chiếc tăng Abrams được trang bị các tấm giáp nổ chủ động bên mạn

Hợp đồng cung cấp các tổ hợp TUSK đầu tiên đã được ký kết vào cuối mùa hè năm 2006, tức là sau khi Mỹ tiến hành nhiều trận đánh lớn có sử dụng xe tăng. General Dynamics Land Systems là công ty nhận gói thầu này và có nghĩa vụ cung cấp cho quân đội Mỹ 505 tổ hợp TUSK với tổng giá trị 45 triệu USD.

Vỏ giáp của các loại xe tăng hiện đại đều không được thiết kế để bảo vệ xe trước các phương chống tăng tấn công từ tất cả các hướng. Chính vì vậy, TUSK là thiết bị giúp nâng cao khả năng bảo vệ bên sườn và phía sau của xe. Như vậy, bên sườn và tháp pháo của các xe tăng Abrams sẽ được phủ kín bằng các tấm bảo vệ ARAT-2.

Khu vực dễ bị tổn thương nhất của xe tăng là phần đuôi được trang bị lưới bảo vệ chống nổ xuyên. Việc lựa chọn thiết bị bảo vệ này cho phần đuôi bởi vì đặc điểm cấu tạo của nó. Phần đuôi xe tăng rất mỏng nên không thể treo các tấm bảo vệ chủ động có chứa thuốc nổ. Khi nổ, các tấm này có thể trực tiếp gây hư hại cho động cơ bên trong.

Lưới bảo vệ phía đuôi xe tăng Abrams

Xe tăng Abrams cũng được trang bị thêm các thiết bị nhằm tăng khả năng chống mìn. Dưới gầm xe được lắp các tấm giáp tổng hợp bổ sung. Đặc điểm chung của các thiết bị bảo vệ bổ sung TUSK là chúng có thể dễ dàng được tháo lắp. Nhờ khả năng này, các xe tăng có thể nhanh chóng được trang bị và đưa vào tham chiến.

Cần phải thấy rằng, sự nhanh chóng và đơn giản trong tháo lắp các thành phần của TUSK không chỉ liên quan tới các tấm giáp bảo vệ bổ sung. Điều này còn được quan sát thấy ở tổ hợp vũ khí cải tiến. Sau khi được lắp đặt TUSK, xe tăng A1M1 hoặc A1M2 không những giữ nguyên được các vũ khí vốn có, mà còn tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu. Ví dụ, súng máy M240 7,62 mm có thêm các khả năng “bổ sung”.

Khi M240 “vãi đạn”, pháo thủ được bảo vệ bằng các tấm khiên kim loại và có thể quan sát qua một thiết bị bằng kính chống đạn. Nhờ vậy mà kíp xe ít gặp nguy hiểm hơn. Nếu cần, pháo thủ thậm chí không cần ló người ra khỏi cửa sập. Trong thành phần của TUSK còn có thêm thiết bị cho phép điều khiển súng máy M240 từ bên trong xe tăng nhờ thiết bị ngắm video hai kênh trên giá xoay mới của súng máy.

Ngoài các tấm giáp bảo vệ bổ sung, TUSK còn có thêm nhiều thiết bị bổ sung cho bộ phận hỏa lực

Thay cho giá súng tiêu chuẩn với loại súng máy cỡ nòng lớn M2HB, các bộ phận của tổ hợp TUSK ở vị trí chỉ huy có thêm một modun chiến đấu điều khiển từ xa với các loại vũ khí tương tự. Hệ thống Kongsberg/Thales M151 Protector đã được sử dụng từ khá lâu trên các xe bọc thép M1126 Striker và được đánh giá cao.

Khi cần thiết, modun này có thể được trang bị thêm thiết bị ngắm video. Ngoài ra, thiết kế của M151 không chỉ cho phép lắp đặt một súng máy cỡ nòng lớn mà còn cho phép trang bị thêm các vũ khí loại khác, như súng phóng lựu tự động.

Trong tác chiến đô thị, hỏa lực pháo tăng (105-122 mm) khó phát huy hiệu quả

Có nhiều nguyên nhân khiến Mỹ có các thay đổi trên đối với xe tăng Abrams, trong đó nguyên nhân hàng đầu là nhằm bảo vệ con người. Việc điều khiển vũ khí từ bên trong sẽ giúp kíp xe không bị nguy hiểm trước các loại vũ khí bộ binh của đối phương. Thứ hai, vũ khí súng máy rất quan trọng trong môi trường tác chiến đô thị.

Mối đe dọa lớn nhất ở đây chính là bộ binh được trang bị súng chống tăng ẩn nấp trong các tòa nhà. Phương tiện tác chiến hiệu quả nhất chống lại nguy cơ này chính là súng máy. Trong điều khiện chiến đấu đô thị, sức mạnh hỏa lực của pháo tăng (105-120 mm) không phát huy hiệu quả khi đối đầu với đối phương cá nhân được trang bị các thiết bị diệt tăng linh hoạt.

Một pháo thủ "lộ thiên" trên chiếc Abrams như thế này sẽ là mục tiêu dễ dàng trong tác chiến đô thị

Ngoài ra, một trong những điểm đáng chú ý khi tác chiến trong đô thị là sự phối hợp giữa xe tăng với lực lượng bộ binh đi cùng. Ngay từ giữa thế kỷ XX, nhiều loại xe tăng đã được trang bị các hệ thống điện thoại để liên lạc với các phân đội bộ binh.

Mặc dù liên lạc vô tuyến phát triển, song liên lạc điện thoại vẫn được chú trọng và phổ biến. Chính vì vậy, trong cuộc chiến Iraq, không ít xe tăng M1A1 của thủy quân lục chiến Mỹ, ngoài liên lạc vô tuyến, còn được trang bị điện thoại để liên lạc với bộ binh.

Hợp đồng cung cấp các tổ hợp TUSK từ năm 2006 đã kết thúc vào năm 2009. Hầu hết các tổ hợp TUSK đặt mua đã được quân đội Mỹ trang bị cho các xe tăng. Tuy nhiên, số lượng xe tăng Abrams được trang bị TUSK để tác chiến trong đô thị chiếm tỷ lệ không lớn. Chính vì vậy, trong những năm tới Mỹ sẽ tăng cường số lượng xe tăng Abrams trang bị TUSK để tác chiến trong đô thị.

Các xe tăng Abrams TUSK của Mỹ đã được “tôi luyện” trong các cuộc chiến tại Afghanistan từ năm 2007, tức là khi cuộc chiến đã bước sang giai đoạn chiến tranh du kích. Chính vì vậy, Mỹ đã có điều kiện để kiểm tra các tổ hợp TUSK trong thực chiến.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, sau khi được trang bị các tổ hợp TUSK, các xe tăng Mỹ ít chịu thiệt hại hơn và số thương vong của các kíp xe tăng cũng giảm đáng kể.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại