USS Texas
Ảnh chụp thiết giáp hạm USS Texas vào năm 1898.
USS Texas là một trong những thiết giáp hạm đầu tiên của nước Mỹ và cũng là tàu chiến đầu tiên mang tên bang Texas. Chiến hạm này được đưa vào sử dụng từ năm 1895.
3 năm sau đó, chiến hạm USS Maine của Mỹ chìm tại cảng Havana vào ngày 15/2/1898 trong một vụ nổ không rõ nguyên nhân.
Sau vụ nổ, Mỹ tuyên chiến với Tây Ban Nha, USS Texas là một trong những tàu chiến đầu tiên tham gia cuộc chiến chống lại Tây Ban Nha ở Đại Tây Dương.
USS Texas đã nhanh chóng chứng minh uy lực của nó khi cùng với một tàu chiến khác phá hủy pháo đài Cayo del Tore ở Tây Ban Nha chỉ trong 75 phút.
Các tàu chiến Tây Ban Nha đã cố gắng tấn công và bao vây USS Texas. Chiến hạm tải trọng hơn 6.000 tấn của Mỹ đã cùng lúc chống lại 4 tàu chiến của Tây Ban Nha.
USS Texas đánh tơi tả đội tàu của đối phương và chúng buộc phải bỏ chạy. Sau đó, con tàu hỗ trợ các lực lượng khác đánh bại phần còn lại của hạm đội tàu chiến Tây Ban Nha và nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.
USS Alabama
USS Alabama (BB-60) là thiết giáp hạm lớp South Dakota, đã chiến đấu ở cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với thành tích nổi bật.
Con tàu được hạ thủy và chạy thử trong tháng 1/1943 trước khi nhận nhiệm vụ hộ tống đội tàu buôn vượt qua các tàu tuần tra và tàu ngầm của Đức quốc xã vượt qua Đại Tây Dương sang Anh và Nga.
Vào giữa năm 1943, USS Alabama được điều động đến Thái Bình Dương để hỗ trợ cuộc tấn công lên đảo Tarawa, quần đảo Marshall nhằm giải phóng Philippines khỏi đế quốc Nhật Bản.
USS Alabama cũng làm nhiệm vụ bảo vệ các tàu sân bay và pháo kích các đảo Honshu trước khi Nhật Bản đầu hàng. Con tàu ngưng hoạt động vào năm 1964 và trở thành bảo tàng nổi.
USS Iowa
USS Iowa (BB-61) là chiếc đầu tiên thuộc lớp thiết giáp hạm cùng tên, tham chiến trong Thế chiến II vào tháng 8/1943 ở khu vực Đại Tây Dương. Chiến hạm này từng chở Tổng thống Franklin D. Roosevelt đến Bắc Phi.
Giai đoạn cuối của Thế chiến II, USS Iowa cùng USS Alabama pháo kích dữ dội vào đảo Honshu hỗ trợ cho lực lượng bộ binh tiến vào Tokyo. Sau Thế chiến II, Iowa tiếp tục tham chiến ở Triều Tiên và sau đó là chiến tranh vùng Vịnh.
Trong chiến tranh vùng Vịnh, USS Iowa được cải tiến để phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Iraq.
USS New Jersey
USS New Jersey (BB-62) là chiếc thứ 2 thuộc thiết giáp hạm lớp Iowa. Trong Thế chiến II, con tàu đã tham gia cuộc tấn công vào đảo Guam và quần đảo Okinawa.
Sau Thế chiến II, USS New Jersey dự kiến sẽ được đưa vào lưu trữ nhưng được điều động trở lại trong chiến tranh Triều Tiên.
Năm 1968, con tàu được điều động để hỗ trợ hỏa lực trong chiến tranh Việt Nam.
Đến năm 1982, USS New Jersey được nâng cấp với tên lửa hành trình và hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong chiến tranh Lebanon giai đoạn 1983-1984.
Trong quá trình phục vụ, con tàu được trao tặng nhiều giải thưởng và 19 ngôi sao chiến đấu trong quá trình tham chiến trong Thế chiến II.
USS Missouri
USS Missouri (BB-63) là chiếc thứ 3 của thiết giáp hạm lớp Iowa và là thiết giáp hạm hoạt động lâu nhất thế giới.
Chiến hạm này được đưa vào hoạt động từ năm 1944 đến 1992. Trong Thế chiến II, Missouri pháo kích các vị trí quân Nhật ở Iwo Jima, Okinawa và đảo chính của Nhật Bản.
USS Missouri là soái hạm của hạm đội 3 trong Thế chiến II. Năm 1945, chiến hạm này là nơi diễn ra lễ ký văn kiện đầu hàng của Nhật Bản, chấm dứt cuộc đại chiến lớn nhất lịch sử nhân loại.
Sau Thế chiến II, Missouri tiếp tục tham chiến ở Triều Tiên và trong chiến tranh vùng Vịnh.
Missouri là một trong những chiến hạm đầu tiên phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk vào Iraq trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991. Đến năm 1992, USS Missouri chính thức ngưng hoạt động và chuyển đổi thành bảo tàng ở Trân Châu Cảng.