Ngày 2/8/1990 quân đội Mỹ tràn vào Trung Đông và đến tháng 2/1991 họ rút khỏi khu vực. Cuộc chiến diễn ra theo cách thức chưa từng có, những người lính rời khỏi chiến trường trước khi kịp rửa sạch cát trên xe tăng của họ.
25 năm sau, những tranh luận vẫn còn tiếp diễn về các bài học quý giá rút ra từ cuộc chiến đó.
Sau thất bại tại chiến trường Việt Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa quy mô lớn. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Liên Xô khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới.
Họ tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng bằng vũ khí công nghệ cao khiến quân đội Iraq nhanh chóng bại trận và phải tuyên bố rút quân khỏi Kuwait. Người Mỹ hân hoan trước chiến thắng và tin rằng, họ có đủ sức mạnh quân sự để khuất phục mọi quốc gia.
12 năm sau, quân đội Mỹ lại tiếp tục cuộc chinh phạt Iraq cũng bằng chiến tranh chớp nhoáng và vũ khí công nghệ cao.
Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2, mặc dù quân đội Mỹ tiếp tục đánh bại quân đội Iraq, nhưng lại sa lầy ở đây gần 10 năm trong cuộc thập tự chinh tốn kém chưa từng có.
Nhà phân tích James Jay Carafano, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại Allison đã nêu ra 5 bài học đắt giá mà Mỹ cần rút ra từ chiến tranh vùng Vịnh.
Các vấn đề Trung Đông
Một xe tăng đi ngang mỏ dầu bị quân đội Iraq đốt cháy trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất
Trong năm 1990, nhiều người Mỹ cảm thấy sốc khi quân đội điều động lực lượng lớn đến khu vực Trung Đông. Ngay bản chất tên gọi Trung Đông đã hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng, đây là khu vực kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.
Khi lợi ích toàn cầu ngày càng mở rộng đã làm cho Trung Đông trở thành một trong những trọng tâm chiến lược của Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington luôn phải quan tâm đến các nước lớn trong khu vực như Iran, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, đây là các quốc gia điểm tựa trong việc kết nối Á - Âu. Do đó, Mỹ trở nên lo lắng về Saddam Hunssein tương tự như Iran và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày nay.
Trung Đông luôn bất ổn
Các vấn đề về sắc tộc và tôn giáo khiến Trung Đông luôn chìm trong bất ổn. Do đó, Washington luôn phải tìm mọi cách định hình khu vực theo chiều hướng có lợi cho nước Mỹ. Nếu Mỹ không giữ vai trò lãnh đạo trong khu vực, một số quốc gia khác sẽ làm thay.
Điều đó là một bất lợi lớn đối với Mỹ. Để kiểm soát và định hình Trung Đông, Washington đã quyết định sử dụng vũ lực và điều đó kéo theo hệ lụy chưa thể giải quyết đến tận hôm nay. Chiến lược ổn định Trung Đông ngày càng trở nên khó khăn hơn và kéo dài qua nhiều đời tổng thống Mỹ.
Trong khi Iraq vẫn còn là một mớ hỗn độn lại đến vấn đề hạt nhân của Iran, khủng bố ở Yemen, Somalia... Đặc biệt là sự hoành hành của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Sai lầm từ chiến thắng
Mỹ trở nên ảo tưởng về sức mạnh của mình sau khi dễ dàng đánh bại quân đội Iraq bằng chiến tranh chớp nhoáng
Chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng bằng vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khiến quân đội Iraq bị bất ngờ và hứng chịu tổn thất lớn. Thành công của chiến dịch Bão táp Sa mạc đã giúp quân đội Mỹ thoát khỏi “Hội chứng Việt Nam”.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến Mỹ ảo tưởng về sức mạnh có thể khuất phục mọi quốc gia. Đến Chiến tranh vùng Vịnh lần 2, Mỹ cũng tiến hành cuộc chiến theo cách tương tự, nhưng bối cảnh tại thời điểm năm 2003 đã khác trước rất nhiều.
Tất nhiên với sức mạnh quân sự khổng lồ, việc đánh bại quân đội Iraq không phải là vấn đề quá khó khăn. Nhưng Mỹ đã không thể bình định được Iraq, quốc gia này liên tục rơi vào trạng thái bất ổn.
Bên cạnh đó, việc giải tán quân đội Iraq và thành lập quân đội mới khiến Washington sa lầy ở đây gần 10 năm.
Chiến tranh vì mục đích chính trị
Nhà sử học quân sự Carl von Clausewitz từng nói rằng, chiến tranh là phần mở rộng của chính trị. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, giới chính trị ủng hộ một lối ra nhanh chóng, nhưng điều đó không dẫn đến một kết quả tốt.
Cuộc chiến kết thúc quá sớm trước khi mục đích chính trị của nó được phát huy. Trong khi đó, chiến tranh vùng Vịnh lần 2 lại chứa đựng quá nhiều mưu đồ chính trị khiến Mỹ không thoát ra được.
Một cuộc chiến tranh được điều khiển quá nhiều bởi mục đích chính trị cũng trở nên tồi tệ như việc bị ngắt kết nối đến mục đích chính trị của nó.
Một kế hoạch bền vững mang tính chính trị là điều có thể thực hiện được. Điều đó đồng thời sẽ đem lại sự khác biệt mang tính xây dựng, là những gì mà Mỹ cần thực hiện đối với khu vực này.
Vai trò của nhà lãnh đạo
Cho dù ở khía cạnh ca ngợi hay phê phán, chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vẫn có 1 điều đúng đắn ở khâu lãnh đạo. Tổng thống George H. W. Bush đã làm cho cuộc chiến trở nên khác biệt bằng cách kết thúc sớm và không để sa lầy.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ chiến tranh hiện đại như vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay không người lái có vũ trang cũng là những yếu tố làm nên sự khác biệt. Yếu tố thành công trong cuộc chiến lần thứ nhất là chỉ dừng lại ở mức can thiệp chứ không chiếm đóng.
Đến cuộc chiến lần 2, Mỹ chuyển từ can thiệp sang chiếm đóng, phá bỏ chế độ cũ và thanh trừng bất kỳ ai chống đối. Điều này đã kích động cuộc nội chiến ở Iraq. Nhà phân tích Fareed Zakaria từng nhận xét, giải tán quân đội Iraq là sai lầm lớn nhất của Tổng thống George W. Bush.
Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và thứ 2 đều do 2 đời tổng thống Mỹ mang tên Bush lãnh đạo. Nhưng phương pháp tiếp cận khác nhau của các nhà lãnh đạo đã cho ra những kết quả rất khác nhau. Đây là một bài học lớn mà Mỹ cần phải rút ra cho tương lai.