Nga giải mật trước hạn tai nạn kinh hoàng của tàu ngầm Kursk

Thắng Nam |

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Nga, nước này có thể sẽ giải mật trước hạn vụ tai nạn của tàu ngầm hạt nhân Kursk.

Nga có thể giải mật vụ chìm tàu ngầm Kursk trước thời hạn

Theo quy định của pháp luật Nga, 30 năm sau khi xảy ra trường hợp bất thường, khẩn cấp, các cơ quan hữu trách của nước này có thể thành lập Ủy ban đặc biệt để xác định khả năng giải mật dữ liệu.

Nhưng vẫn có ngoại lệ khi dữ liệu thuộc tầm bí mật quốc gia thì không thể tháo bỏ đúng hạn.

Theo quy định này, những thông tin về tổn thất trong vụ tai nạn tàu ngầm Kursk sẽ chỉ được công khai vào năm 2030, khi đó người ta mới biết được hết những thông tin bí mật về vụ tai nạn kinh hoàng trên biển Barents vào năm 2000, khiến toàn bộ 118 thủy thủ thiệt mạng

Tuy nhiên, ông Igor Permyakov, Cục trưởng Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố với các nhà báo rằng, rất có thể Nga sẽ giải mật dữ liệu về tổn thất của tàu ngầm hạt nhân Kursk trước hạn quy định.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời ông Igor Permyakov cho biết, tài liệu về tai nạn bi thảm hồi tháng 8/2000 với tàu ngầm hạt nhân K-141 Kursk có thời hạn bảo mật 30 năm, nhưng cũng có thể mở ra sớm hơn theo quyết định của Chính phủ.

"…tai nạn đã trôi qua 15 năm. Có những đạo luật mà theo đó, nếu Chính phủ thông qua quyết định thích hợp thì có thể tháo bỏ khung bảo mật cứng rắn, lập Ủy ban giải mật dữ liệu” - ông Igor Permyakov tuyên bố với hãng thông tấn quốc tế Rossiya Segodnya.

Được biết tàu ngầm hạt nhân K-141 Kursk thuộc Dự án 949A, lớp Antey (theo định danh của NATO thuộc lớp Oscar-II). Tàu được đặt theo tên thành phố Kursk của Nga, nơi đã diễn ra trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự ở vòng cung Kursk năm 1943.

Tàu dài 154 m, lượng giãn nước 23.860 tấn, tốc độ dưới nước tối đa 28 hải lý/h, trên mặt nước 32 hải lý/h, lặn sâu tối đa 500 m. Đây là chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớn nhất từng được chế tạo, đồng thời là một trong những tàu ngầm hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Về lý thuyết, Kursk có thể hoạt động không giới hạn nhưng thực tế, nó chỉ hoạt động được liên tục 120 ngày rồi phải về cảng tiếp tế và cho thủy thủ nghỉ ngơi.

Tàu được trang bị 24 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-700 Granit, chuyên dùng để tiêu diệt tàu sân bay và tàu chiến.

Ngoài ra, Kursk còn mang theo 24 tên lửa chống tàu ngầm và ngư lôi, 6 ống phóng ngư lôi (4 ống 533 mm, 2 ống 650 mm) chống ngầm hoặc tên lửa diệt hạm tầm ngắn.

Khung cảnh hoang tàn của con tàu do vụ nổ gây nên
Khung cảnh hoang tàn của con tàu do vụ nổ gây nên

Nhìn lại một trong những tai nạn tàu ngầm thảm khốc nhất

Tàu ngầm hạt nhân Kursk thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga đã bị chìm hôm 12/8/2000 trong thời gian tập luyện phóng ngư lôi trên biển Barents, khiến toàn bộ 118 thủy thủ thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất của Hải quân Nga và cả hải quân thế giới.

Hai vụ nổ lớn liên tiếp cách đây 15 năm đã gây ra một trong những tai nạn bi thảm nhất trong lịch sử tàu ngầm hạt nhân thế giới.

Lúc 23h29' (giờ địa phương), một ngư lôi Type 65-76 Kit dài 10,7 m, nặng 5 tấn, không mang theo đầu đạn được nạp vào ống phóng số 4. Lúc 23h29’34", vụ nổ đầu tiên xảy ra ở phía đông bắc thành phố Murmansk, tạo ra một đám cháy với nhiệt độ ước đạt 2.700oC.

Vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó 2'14 giây, khi đó tàu ở địa điểm cách vị trí ban đầu 400 m. Vụ nổ này có sức công phá tương đương từ 2 tới 3 tấn TNT. Quy mô của vụ nổ thứ hai lớn gấp 250 lần vụ nổ đầu tiên, với âm hưởng vang tới tận Alaska của Mỹ.

Sau 2 vụ nổ kinh hoàng, 23 thủy thủ từ khoang số 6 tới số 9 vẫn còn sống. Họ tập trung tại khoang số 9, gồm 2 đường hầm thoát hiểm phụ (đường hầm chính ở khoang số 2 đã bị phá hủy).

Đại úy Dmitri Kolesnikov đã cố gắng viết tên những người sống sót ở khoang số 9, họ cố gắng để thoát ra ngoài, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại vì không thể điều chỉnh áp suất cân bằng giữa các khoang, trong khi chiếc tàu ngầm đã chìm xuống độ sâu 108 m.

Sau đó, những người này đều thiệt mạng do ngạt, ngộ độc khí và một số nguyên nhân khác.

Lúc 18h30' ngày 13/8, Thủ tướng Nga Kasyanov điều động lực lượng tới ứng cứu nhưng hoạt động cứu hộ gặp trở ngại do thời tiết ở biển Barents quá xấu.

Mãi một tuần sau khi tai nạn xảy ra, đội cứu hộ mới có thể tiếp cận bên trong tàu, nhưng toàn bộ 118 người đều đã thiệt mạng.

Theo báo cáo đáng tin cậy nhất cho tới nay, nguyên nhân của vụ nổ là do một trong những ngư lôi chứa hóa chất hydrogen peroxide (HTP) trên mũi tàu gặp sự cố, phát nổ và làm chìm tàu.

Ngoài ra còn có những giả thuyết khác, ví dụ như có người cho rằng Kursk bị tàu ngầm nước khác đánh chìm.

Bởi vậy, giới chuyên gia quân sự và người dân nước Nga rất mong muốn được biết nguyên nhân đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc cho chiếc tàu ngầm xấu số này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại