2014: Cuộc chạy đua nóng bỏng của vũ khí siêu vượt âm

Khang Minh |

(Soha.vn) - Không quân Mỹ xem X-37B, X-51A, HTV-2 là một lợi thế phi đối xứng trong tương lai, trong khi Nga cũng đang nghiên cứu tên lửa siêu vượt âm có tốc độ Mach 5 trở lên.

Phần I - 2014: Số phận nhiều tiêm kích thế hệ 5 sẽ được quyết định

Vũ khí siêu vượt âm

Mỹ

Tiếp sau năm 2010 và năm 2011, tháng 12/2012, tàu vũ trụ X-37B lại tiến hành phóng thành công lần 3. Mục đích thực sự của Không quân Mỹ đối với X-37B luôn được giữ kín, nhưng theo báo cáo, X-37B được cho là nền tảng vũ khí tương lai tiên tiến nhất của quân đội Mỹ, có thể trang bị tên lửa “thiên đối đất” (không gian-mặt đất).

Tên lửa siêu vượt âm X-51A trên cánh máy bay B-52 chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm.
Tên lửa siêu vượt âm X-51A trên cánh máy bay B-52 chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm.

Tháng 5/2013, tên lửa hành trình siêu vượt âm X-51A thử nghiệm thành công, tháng 10/2013 lại thử nghiệm thành công đầu đạn. Tên lửa hành trình siêu vượt âm X-51A được phóng đi từ máy bay ném bom B-52, mục đích phát triển loại tên lửa này là để đạt tốc độ 6 Mach trở lên, tầm bắn đạt khoảng 1.100 km. Trong khi đó, phương tiện bay siêu vượt âm HTV-2 không may mắn như vậy, sau 2 lần thử nghiệm thất bại vào tháng 4/2010 và tháng 8/2011, đến nay vẫn không có thông tin về nó.

Không quân Mỹ xem X-37B, X-51A, HTV-2 là một lợi thế phi đối xứng trong tương lai, là lực lượng quan trọng có thể thay đổi cục diện chiến tranh. Năm 2010, Không quân Mỹ tuyên bố trong vòng 10 năm sẽ ra mắt “hệ thống tấn công thần tốc toàn cầu”, trong đó X-37B, X-51A, HTV-2 đều là thành viên quan trọng của hệ thống này. Điều này cho thấy, công nghệ siêu vượt âm của Mỹ đang có xu thế phát triển thực chiến hóa.

Nga

Nga cũng đang nghiên cứu tên lửa siêu vượt âm có tốc độ Mach 5 trở lên. Trong thực tế, vào thập niên 80, Liên Xô đã nghiên cứu loại tên lửa siêu vượt âm X-90. Dựa trên nền tảng đạn tên lửa của hệ thống phòng không S-200, các nhà khoa học Liên Xô đã cho ra đời loại tên lửa có thể đạt tốc độ lên tới 6.000km/h. Tuy nhiên, dự án này đã tạm dừng vào những năm 1990.

Ấn Độ

Ấn Độ cũng đang cố gắng leo lên đỉnh cao của tốc độ khi dựa trên nền tảng tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos để phát triển tên lửa siêu vượt âm với tốc độ Mach 6-7.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Với việc lấy vấn đề hạt nhân Triều Tiên làm cái cớ, từ năm 2013 đến nay, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới đảo Guam. Tháng 10/2013, Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại Romania, dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2015. Đồng thời, Mỹ còn sẽ triển khai radar X-band thứ 2 tại Nhật Bản và lên kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 Block 1A tại Ba Lan.

Nga

Phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đã trở trành tâm điểm chiến lược của Nga. Hiện Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa A-135, tên lửa phòng không S-300 và đang đổi mới tên lửa phòng không S-400. Tên lửa phòng không S-500 với nhiều khả năng như phòng không, chống tên lửa và chống vệ tinh cũng sẽ được trang bị vào năm 2017.

Bên cạnh đó là việc xây dựng 7 trạm radar cảnh báo tên lửa đạn đạo Voronezh có tầm hoạt động 6.000km.

Ngoài ra, hệ thống chỉ huy và kiểm soát thông tin kỹ thuật số của Nga đã bắt đầu được triển khai, hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa, radar phòng không, máy bay cảnh báo sớm và hệ thống cảnh báo không gian hiện có sẽ được hợp thành mạng tốc độ cao thống nhất, làm cho việc truyền thông tin giữa radar phòng không, tên lửa, sở chỉ huy năm 2014 sẽ được cải thiện rất nhiều.

Không quân châu Á thay đổi mạnh mẽ

Kế hoạch mua sắm trang bị của Không quân Hàn Quốc bước vào thời kỳ cao điểm, với việc kết thúc công tác đấu thầu 60 máy bay chiến đấu thế hệ mới, Hàn Quốc quyết định ưu tiên mua 40 máy bay F-35A, đàm phán hợp đồng này sẽ hoàn thành vào năm 2014. Trong năm này, Hàn Quốc cũng cần hoàn thành hợp đồng mua 4 máy bay không người lái Global Hawk và đã chuẩn bị khoảng 848 triệu USD cho các kế hoạch này.

Tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35A
Tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35A

Ngoài ra, kế hoạch đấu thầu 4 máy bay tiếp dầu trên không cũng sẽ được tiến hành trong tháng 2/2014, công ty thắng thầu dự án MRTTA330, KC-46, KC-767 đến tháng 10 sẽ được công bố. Bắt đầu từ năm 2012, Không quân Hàn Quốc đã xem xét việc trang bị thêm 2–3 máy bay cảnh báo, năm 2014 thủ tục mua có thể được tiến hành.

Để thiết lập cơ chế giám sát kiểm soát 24/24, tăng cường khả năng phòng vệ đảo Tây Nam, Nhật Bản sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch trang bị máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, dự kiến đến năm 2018 sẽ trang bị 3 máy bay loại này. Nhật Bản còn tăng cường thúc đẩy việc thay thế máy bay cảnh báo E-2C và mua thêm máy bay tiếp dầu.

Cho đến trước năm 2016, Ấn Độ vẫn sẽ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Hiện nay, Ấn Độ cần phải hoàn thiện tương đối nhiều dự án hợp đồng mua sắm, lớn nhất là hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale được quyết định đầu năm 2012. Một kế hoạch mua 95 máy bay không người lái mini khác của Ấn Độ cũng thu hút sự chú ý, trong đó 60 máy bay sẽ được trang bị cho Không quân Ấn Độ.

Tháng 8/2013, Việt Nam và Nga ký hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2. Theo kế hoạch, năm 2014 Việt Nam sẽ tiếp nhận lô 4 máy bay đầu tiên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại