2 vũ khí bí hiểm của TQ khiến Mỹ không thể xem thường

Vy Lam |

Theo NI, hiện chưa thể biết chắc chắn khả năng chính xác của J-20 và J-31 nhưng 2 mẫu máy bay chiến đấu này có thể sẽ mang lại những lo ngại lớn cho Mỹ trong trường hợp xung đột.

Tạp chí The National Interest (Mỹ) đăng bài viết cho rằng nên cảnh giác với 2 mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20 và J-31 của Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Xuyên suốt lịch sử, Không quân Trung Quốc (PLAAF) đều tụt lại phía sau các cường quốc khác trên thế giới, như Mỹ, khi xét tới các dự án hàng không.

Song giờ đây, Trung Quốc đã quyết tâm chế tạo bằng được các mẫu chiến đấu cơ “thế hệ 5” nội địa có thể sánh ngang với tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ.

Nhiều quan chức và phi công Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc đã sử dụng công nghệ mà Mỹ bị đánh cắp để hỗ trợ phát triển các chương trình tiêm kích nội địa của họ.

Nước này còn ứng dụng công nghệ in 3D để tăng tốc độ, hiệu quả chế tạo các mẫu máy bay và để cạnh tranh với Mỹ.

J-20 Black Eagle, mẫu tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc, có thể sẽ đạt khả năng hoạt động đầy đủ vào năm 2018, còn J-31 Gyrfalcon, mẫu thứ 2, là vào năm 2020.

Đồ họa J-20 và J-31 tham gia tác chiến cùng tàu sân bay Trung Quốc.

Đồ họa J-20 và J-31 tham gia tác chiến cùng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Nếu đúng thì các máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc có thể tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ khu vực mà nước này coi là “không phận chủ quyền”.

Không những thế, chúng còn có thể thực hiện các cuộc tấn công trên không trong trường hợp có chiến tranh, đặc biệt là khi Trung Quốc muốn dùng vũ lực với Đài Loan.

Những bước tiến mới của PLAAF

Trong giai đoạn 1990-1992, Trung Quốc đã mua 24 chiến đấu cơ Su-27 Flanker từ Nga và chỉnh sửa thiết kế của chúng một chút để thành phiên bản J-11 (Flanker B+).

Để đáp trả, Mỹ đã bán 150 tiêm kích F-16 Fighting Falcon cho Đài Loan.

Quyết định trang bị các chiến đấu cơ thế hệ 4 Su-27 đã đưa Không quân Trung Quốc tiến lên hiện đại và cũng kể từ đó, lực lượng này đã dần cải thiện được năng lực chiến đấu.

Năm 2010, một nửa đội chiến đấu cơ của PLAAF vẫn là mẫu máy bay ra đời sau những năm 1950, 1960 MiG-19 Farmer và mẫu MiG-21 Fishbed.

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khả năng triển khai sức mạnh trên không của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.

Gần đây, ngoài dự án tiêm kích nội địa thế hệ 5, Bắc Kinh và Moscow còn sắp hoàn tất thỏa thuận cung cấp cho Trung Quốc 24 chiến đấu cơ Su-35 Super Flanker, một mẫu máy bay thế hệ 4++ uy lực do Nga sản xuất.

Hiện tại, tiêm kích chủ lực của PLAAF là J-11 nhưng năng lực của mẫu máy bay này phần lớn chưa được chứng minh.

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ảnh tiêm kích J-11BH của Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm.

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ảnh tiêm kích J-11BH của Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm.

Nó được biến đến nhiều nhất qua sự kiện tháng 8/2014, trong đó tiêm kích J-11BH, biến thể J-11 dành cho hải quân, đã bay cản mũi máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tại vị trí cách đảo Hải Nam 135 dặm về phía đông.

J-11 đã 2 lần áp sát chiếc P-8A ở khoảng cách hết sức nguy hiểm, chỉ khoảng 15m, có lúc chỉ vẻn vẹn 6m.

Qua động thái hung hăng của phi công Trung Quốc, PLAAF muốn Mỹ nhận thức được rõ ràng rằng máy bay trinh sát Mỹ không được “chào đón” tại không phận thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc.

Không nên xem nhẹ

Từ năm 2008, Trung Quốc đã bắt tay vào thiết kế và chế tạo các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như bán ra thế giới.

Có 2 công ty Trung Quốc tham gia thiết kế, đó là công ty máy bay Thành Đô (với mẫu J-20) và Thẩm Dương (với J-31).

Đây đều là công ty con của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC).

Có vẻ J-20 và J-31 sẽ đóng vai trò hỗ trợ nhau khi chúng được đưa vào kho vũ khí của PLAAF.

J-20 sắp sẵn sàng hoạt động, với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2011. Nó dự kiến sẽ đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào năm 2018.

Do cả J-20 và J-31 đều đang trong giai đoạn nguyên mẫu nên chưa thể biết chắc chắn khả năng chính xác của chúng.

Tuy nhiên, có những dự đoán rằng J-20 sẽ cung cấp cho Trung Quốc một hệ thống tấn công tầm xa, có khả năng vươn tới bất cứ nơi nào tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, J-20 còn là mẫu chiến đấu cơ đầu tiên của Trung Quốc có thiết kế tàng hình.

J-20 hứa hẹn mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công tầm xa.

J-20 hứa hẹn mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công tầm xa.

Trong trường hợp xảy ra xung đột, nhiều khả năng J-20 sẽ được triển khai tác chiến không đối không, với nhiệm vụ là khiến phạm vi bao phủ của radar và tầm tấn công của đối phương bị hạn chế.

Trong khi đó, J-31 có thể đóng vai trò hỗ trợ J-20, tương tự như cặp đôi F-22 và F-35 của Mỹ.

Trong ki J-20 sở hữu năng lực không chiến vượt trội thì J-31 sẽ là công cụ “hoàn hảo” để Trung Quốc triển khai chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) tại Tây Thái Bình Dương.

J-20 có tốc độ vượt trội hơn một chút so với J-31 (Mach 2.5 so với Mach 2). Cả 2 mẫu máy bay này đều có bán kính tác chiến vào khoảng 2.000km.

Chủ tịch AVIC Lin Zhouming mạnh miệng tuyên bố rằng: Khi đi vào hoạt động, J-31 (dưới) chắc chắn sẽ đánh bại F-35.
Chủ tịch AVIC Lin Zhouming mạnh miệng tuyên bố rằng: Khi đi vào hoạt động, J-31 (dưới) chắc chắn sẽ đánh bại F-35.

Một số quan chức Mỹ tin rằng J-31 sẽ ngang ngửa hoặc vượt trội các máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Mỹ như F-15 Strike Eagle và F/A-18 Super Hornet của Mỹ, thậm chí có thể cạnh tranh với F-22 và F-35.

Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng phi công, chất lượng máy bay được sản xuất, độ tin cậy của radar và các thiết bị khác trên khoang.

Hồi cuối năm 2014, Chủ tịch AVIC Lin Zhouming còn đưa ra một dự đoán táo bạo hơn, rằng: “Khi J-31 đi vào hoạt động, nó dứt khoát sẽ đánh bại F-35. Đây là điều chắc chắn”.

Ngay cả nếu không mẫu chiến đấu cơ nào trong số này của Trung Quốc hoàn toàn ngang ngửa với tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ, chúng vẫn có thể tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc xung đột với Mỹ hay khi Trung Quốc dùng vũ lực thu hồi Đài Loan.

Nếu Trung Quốc tấn công qua eo biển Đài Loan, ưu thế trên không sẽ rất quan trọng vì 3 lý do: Không phận tương đối nhỏ của Đài Loan, khả năng bao phủ không phận bằng chiến đấu cơ của Không quân Đài Loan và các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của họ.

Nếu PLAAF không thể ngăn chặn hoặc hạn chế đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào tàu hải quân của nước này khi di chuyển qua eo biển Đài Loan, kế hoạch của Trung Quốc gần như chắc chắn thất bại.

Nhìn chung, sự tích lũy công nghệ máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc có thể mang lại cho họ lợi thế trên không quan trọng khi đối đầu Không quân Đài Loan.

Điều này cũng sẽ gây ra cho Mỹ những lo ngại ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật trong chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại