Cả Mỹ và Iran đều không muốn căng thẳng leo thang
Các thông tin cho biết chính quyền Iran đã ra lệnh không tiến hành các cuộc tấn công mới vào các mục tiêu của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Tehran tuyên bố, chiến dịch tấn công trả thù của Tehran bằng tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq đã kết thúc và phản ứng này là đủ đáp trả vụ ám sát tướng Qassem Soleimani.
Đại diện thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Majid Taht-Ravanchi tuyên bố, Teheran không có ý định tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại Mỹ sau khi đáp trả vụ Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani. Ông Ravenchi nói thêm, Iran sẽ không tiến hành các cuộc tấn công mới nếu phía Mỹ không có hành động quân sự chống Iran.
Theo các phương tiện truyền thông, các cuộc tấn công tên lửa của Iran vào các mục tiêu ở Iraq đã được tính toán để tránh gây thương vong cho lính Mỹ. Trong bối cảnh đó, trong tuyên bố của mình sau cuộc tấn công của Iran tối 3/1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Iran mà không có điều kiện tiên quyết nhằm "ngăn chặn mối đe dọa tiếp theo đối với hòa bình và ổn định quốc tế".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng truyền hình CBS, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết ông nhận được các thông tin tình báo đáng khích lệ rằng Iran sẽ không tấn công tiếp theo vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông và đã khuyến nghị các nhóm vũ trang thân Iran không tấn công vào các mục tiêu và thường dân Mỹ.
Tên lửa Iran phá hủy một phần căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Ảnh: Reuters
Đại sứ Iran Ravenchi cho biết thêm, Tehran đã hành động theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, thực hiện quyền tự vệ chính đang của mình. Nếu "Washington vẫn quyết định hành động quân sự, thì Iran sẽ không còn cách nào khác là sẽ đáp trả".
Trong lịch sử, mặc dù quan hệ hết sức căng thẳng, Mỹ chưa bao giờ có hành động quân sự chống Iran.
Tháng 2/1979, cuộc cách mạng Hồi giáo do Giáo chủ Ayatollah Khomeini lãnh đạo, lật đổ chế độ vua Shah Mohammed Reza Pahlavi, một trong nhẽng đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông. Tháng 11/1979, hàng trăm sinh viên Iran đã tràn vào Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Tehran, bắt giữ 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin và giam giữ họ 444 ngày. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter lúc đó chỉ tuyên bố trừng phạt Tehran, chứ không có bất cứ hành động quân sự nào chống Iran.
Năm 2002, Mỹ tuyên bố Iran, Iraq và Triều Tiên là ba quốc gia nằm trong "trục ma quỷ" vì có thông tin Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ chỉ dám tấn công Iraq năm 2003 khi nước này đã bị kiệt quệ sau 13 năm cấm vận. Mặc dù Iraq bị suy yếu như vậy nhưng Mỹ cũng phải huy động đến hơn 40 nước tham gia vào cuộc tấn công này và đến nay 16 năm đã trôi qua vẫn không bình ổn được tình hình tại Iraq.
Tháng 5-6/2019, sáu tàu chở dầu ở vùng Vịnh bị tấn công. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công này. Tiếp theo đó, các lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắn hạ chiếc máy bay không người lái Global Hawk RQ-4A của Mỹ. Mỹ phản ứng rất mạnh, đưa một lực lượng quân sự to lớn đến vùng Vịnh, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, nhiều tàu chiến và phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 chuẩn bị tấn công Iran, nhưng đến phút chót Tổng thống Trump đã tuyên bố huỷ cuộc tấn công do lo ngại "150 người Iran có thể bị chết".
Tháng 9/2019, các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn dầu mỏ Aramco Ả Rập Saudi bị tấn công, gây tổn thất nặng nề, làm giảm một nửa sản lượng dầu của Ả Rập Saudi. Cả Ả Rập Saudi và Mỹ đều tuyên bố Iran đứng sau vụ tấn công này. Mỹ đưa thêm quân và vũ khí đến Ả Rập Saudi đe doạ sẽ đáp trả mạnh mẽ Iran, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Mới đây nhất, ngày 8/1/2020, Iran bắn một loạt tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, trong đó có căn cứ không quân Ain Al-Assad lớn nhất Trung Đông để trả thù cho việc Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh IRGC của Iran. Đây là lần đầu tiên một căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực bị tấn công, là một đòn đau đối với Mỹ, nhưng Mỹ đã không đáp trả. Tổng thống Trump tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran mà chỉ tăng cường các biện pháp cấm vận Tehran.
Trong lịch sử, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, nhưng chưa bao giờ thắng. Mỹ chỉ tiến hành chiến tranh chống lại các nước yếu hơn mình nhiều lần. Đó là cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975), Lebanon (1983), Somalia (1993), Afghanistan (2001), Iraq (2003) và Libya (2011).
Iraq sẽ là địa bàn cho cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Iran
Ngày 13/1/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông không thấy có bằng chứng cụ thể nào từ các quan chức tình báo Mỹ (CIA) cho rằng Iran đang lên kế hoạch tấn công 4 đại sứ quán Mỹ, như Tổng thống Donald Trump về vấn đề này. Ông nói thêm, "khi đưa ra tuyên bố này, Tổng thống Trump đã không dựa trên những bằng chứng cụ thể."
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố với Fox News, việc giết chết tư lệnh IRGC của Iran, tướng Qassim Soleimani đã được Washington thực hiện, vì ông này đã lên kế hoạch đánh bom bốn đại sứ quán Mỹ. Điều này cũng được Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo xác nhận khi ông nói rằng Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ ở Iraq, đang lên kế hoạch tấn công các đại sứ quán Mỹ.
Điều này không chỉ cho thấy sự lúng túng của Tổng thống Trump trong việc xử lý hậu quả của việc sát hại tướng Qassem Soleiman, không chỉ là bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà mà còn ngay trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Trump.
Quan hệ Trung Đông nói chung và quan hệ Mỹ-Iran phát triển hết sức phức tạp và rất khó lường. Mặc dù đang có nhiều cố gắng trung gian hoà giải và có nhiều tiếng nói hoà dịu, nhưng không thể loại trừ các khả năng bùng nổ.
Trục Iran-Iraq chắc chắn sẽ vẫn là địa bàn cho các cuộc "thanh toán" lẫn nhau giữa Mỹ và Iran. Tư lệnh mới của IRGC Ismail Qaani vẫn tuyên bố hết sức cứng rắn, mục tiêu cuối cùng của Iran là buộc các lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq và Trung Đông.
Ông Ismail Qaani vừa tiếp 6 nhà lãnh đạo của lực lượng Hashd Sha’abi của Iraq thân Iran và hứa sẽ dành cho lực lượng này một sự hỗ trợ cần thiết để đánh đuổi các lực lượng Mỹ và 18 căn cứ quân sự của Mỹ khỏi Iraq.