Trung sĩ Akeem Ferguson đang ngồi trong một boongke khi tiểu đoàn của anh này nhận được thông tin cảnh báo "ớn lạnh": 6 tên lửa đạn đạo của Iran đang hướng về phía họ.
Họ nhanh chóng nép mình phía dưới mảng tường bê tông hầu như không có tác dụng che chắn nếu căn cứ này trúng tên lửa Iran. "Tôi chỉ mong là dù có chuyện gì xảy ra, thì nó cũng sẽ diễn ra nhanh chóng. Tôi đã hoàn toàn xác định tư tưởng là mình sẽ chết", Ferguson nói.
Thật may mắn là Ferguson cùng các đồng đội khác của mình, và các nhà thầu dân sự tại căn cứ al-Asad của Iraq - nơi lính Mỹ đồn trú - đều sống sót sau vụ không kích của Iran vào rạng sáng ngày 8/1 vừa qua.
Đòn tấn công trả đũa này được ghi nhận là có quy mô lớn nhất nhằm vào một căn cứ có lính Mỹ đồn trú trong nhiều thập kỷ qua. Các binh lính Mỹ đều cho rằng việc không có thương vong sau vụ tấn công này chính là "điều kỳ diệu".
Phía Iraq cũng xác nhận không có thương vong sau vụ tấn công của Iran, theo CNN.
Trung sĩ Ferguson đứng bên ngoài một boongke quân sự của Mỹ tại Iraq, giống chiếc boongke mà anh đã cùng các đồng đội trú ẩn trong đêm bị Iran tập kích. Ảnh: CNN
Vậy tại sao các binh lính Mỹ đều gọi việc họ còn sống sót là "điều kì diệu"? Đó là bởi căn cứ này - một trong những căn cứ lớn nhất và lâu đời nhất tại Iraq - không hề có khả năng phòng thủ trước những đòn tấn công như vậy.
Theo đó, mặc dù binh sĩ đều được cảnh báo từ vài tiếng trước khi vụ tấn công xảy ra để tới nơi trú ẩn, nhưng họ không hề được trang bị các hệ thống phòng thủ đất đối không để đánh chặn một đòn không kích bằng tên lửa đạn đạo.
Gần khu vực sân bay, các tên lửa của Iran đã xé toạc mặt đất, và các thanh kim loại gần đó biến dạng. Nơi từng là khu nhà của các phi công và người điều khiển máy bay không người lái của căn cứ chỉ còn lại đống đổ nát.
Cũng như những binh sĩ khác, các phi công cũng đã được đưa tới boongke trú ẩn từ 2 giờ trước loạt tên lửa đầu tiên giáng xuống căn cứ này.
Đòn không kích hôm 8/1 là động thái trả đũa của Iran sau khi Mỹ ám sát một trong những vị tướng quyền lực nhất nước này, Thiếu tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc IRGC.
Đống đổ nát tại căn cứ Al-Asad. Ảnh: CNN
Sau nhiều ngày lo lắng, nhiều người đã thở phào khi hay tin đòn trả đũa của Tehran không hề gây ra thiệt hại về người. Tại căn cứ al-Asad, các binh sĩ đã có thể nghỉ ngơi đôi chút sau thời gian căng thẳng trong tình trạng báo động cao.
Vào ngày 8/1, Iran đã phóng 11 tên lửa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq, trong đó có 10 tên lửa bắn trúng vào các căn cứ của Iraq, khoảng 1/3 trong số đó có binh lính Mỹ đồn trú.
Các tên lửa của Iran tuy không gây ra thiệt hại về người, nhưng đã đáp trúng một số địa điểm quân sự nhạy cảm, phá hỏng một tổ hợp lực lượng đặc biệt và hai nhà chứa máy bay, cùng với đó là nhà điều hành máy bay không người lái của Mỹ.
Vậy điều gì đã xảy ra trong giờ phút căng thẳng cực độ ấy?
Cuộc không kích lúc nửa đêm
Theo CNN, sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo từ lực lượng tình báo, vào khoảng 11h đêm 7/1, hầu hết các binh sĩ Mỹ tại al-Asad đã được đưa tới các boongke, chỉ một số người có nhiệm vụ quan trọng như lính gác và người điều khiển máy bay không người lái vẫn ở bên ngoài để bảo vệ căn cứ trong trường hợp họ bị tấn công trên mặt đất.
Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi cho biết ông đã được phía Iran thông báo về cuộc tấn công lúc nửa đêm. Theo một nhà ngoại giao Ả Rập, phía Iraq đã cảnh báo Mỹ về đòn không kích này.
Tuy nhiên, phía Mỹ đã nhận được thông tin này từ trước đó, theo Trung tá Tim Garland.
Các boongke được xây dựng từ thời Saddam Hussein. Ảnh: CNN
Loạt tên lửa đầu tiên được bắn vào lúc 1h34', rạng sáng ngày 8/1, và cuộc không kích đã kéo dài hơn 2 giờ. Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ al-Asad cho biết họ đã trải qua một đêm dài đầy sợ hãi và bất lực trước đòn tấn công của Iran.
"Chúng tôi có thể ngăn chặn đòn tấn công của lực lượng bán quân sự, nhưng không thể làm gì trước đòn không kích này. Căn cứ này không được thiết kế với khả năng phòng thủ trước các đòn tấn công bằng rocket", đại úy Patrick Livingstone, chỉ huy lực lương an ninh Không quân Mỹ cho biết.
Những giờ phút "thót tim" của binh sĩ Mỹ
Những căn cứ bụi bặm, cũ kĩ được xây dựng từ thời Saddam Hussein là lựa chọn trú ẩn duy nhất của các binh sĩ Mỹ trong giây phút sinh tử ấy. Chúng được xây dựng từ trong cuộc chiến đẫm máu dài 8 năm giữa Iran-Iraq, nhưng giờ đây chúng không còn khả năng phòng thủ trước các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Các binh sĩ Mỹ cho biết họ không chắc liệu các boongke từ thời Saddam Hussein có thể che chắn cho họ giữa loạt tấn công tên lửa của Iran hay không. Nhưng chúng có vẻ dày dặn và kiên cố hơn các boongke của Mỹ với tường 2 lớp và gần như đủ tiện nghi.
Trung tá Staci Coleman là một trong những chỉ huy đã đưa binh sĩ vào các boongke này. Tuy nhiên, khi tên lửa nã xuống, cô đã nghi ngờ quyết định của mình.
"Khi tôi ngồi trong boongke, tôi đã nghĩ rằng, ôi trời, có lẽ mình đã quyết định sai lầm rồi", Trung tá Coleman nói với CNN.
"Chúng tôi đều mệt rã rời", Trung sĩ Ferguson kể lại. "Tôi không muốn bất kỳ ai phải trải qua nỗi sợ hãi như vậy. Không ai trên thế giới này nên cảm thấy điều đó", người này kết luận.