Theo bài viết độc quyền của tờ The Guardian của Anh ngày 10/6, ông Vadym Skibitsky, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine lên tiếng, nói Ukraine đang thua Nga trên chiến tuyến, hiện giờ gần như hoàn toàn chỉ dựa vào vũ khí do phương Tây cung cấp để kiềm chế quân Nga.
Ông Skibitsky nói với The Guardian: "Bây giờ là cuộc chiến của pháo binh. Chúng tôi đã bị mất ưu thế hỏa lực. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào phương Tây cung cấp cho chúng tôi. Mỗi khẩu pháo của Ukraine phải đương đầu với từ 10 đến 15 khẩu pháo của Nga".
Tờ The Guardian viết về tình trạng thiếu vũ khí đạn dược của quân đội Ukraine hiện nay
Theo ông Skibitsky, hiện Ukraine tiêu thụ 5.000 đến 6.000 viên đạn pháo mỗi ngày, nhưng đã gần hết đạn pháo và đang sử dụng loại đạn 155mm tiêu chuẩn NATO. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ mỗi ngày có từ 60 đến 100 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương. Những người lính Ukraine ở tiền tuyến trong tuần này cũng đã mô tả tình cảnh tượng tương tự khi được The Guardian phỏng vấn.
Ông Skibitsky nhấn mạnh sự cần thiết của việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa để tiêu diệt pháo binh Nga từ khoảng cách xa.
Tuần này, ông Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine nói với The Guardian rằng, Ukraine cần khoảng 60 bệ phóng tên lửa nhiều nòng (pháo phản lực) mới có cơ hội đánh bại Nga, nhu cầu này nhiều hơn gấp bội số lượng mà Mỹ và Anh hiện cam kết cung cấp (Mỹ mới hứa cung cấp 4 hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao M142 HIMARS và Anh cam kết cung cấp 3 xe phóng loại M270).
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Mỹ và các nước phương Tây đã viện trợ lớn về quân sự cho Ukraine. Mỹ viện trợ cho Ukraine một số lượng lớn tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không vác vai, đạn pháo, radar chống pháo binh, thiết bị gây nhiễu, pháo dã chiến và phụ tùng. Ngày 1/6, ông Biden lại tuyên bố sẽ cung cấp bổ sung cho Ukraine một đợt viện trợ quân sự mới lên tới 700 triệu USD.
Các quốc gia như Canada cũng đã cung cấp cho Ukraine tiền mặt để mua sắm pháo, máy ảnh dùng cho máy bay không người lái và ảnh vệ tinh độ nét cao. Cuối tháng trước, Canada thông báo sẽ viện trợ cho Ukraine 20.000 quả đạn pháo trị giá gần 100 triệu USD.
Ngày 6/6, Vương quốc Anh tuyên bố cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công tầm xa đầu tiên là hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng M270, có thể phóng 12 tên lửa đất đối đất trong một phút và có thể tấn công chính xác mục tiêu cách xa 80 km, có tầm bắn xa hơn tất cả các loại vũ khí trên bộ mà Ukraine hiện đang sở hữu.
"Ukraine có được các hệ thống tên lửa hoặc xe tăng từ phương Tây, nhưng các binh sĩ ở tiền tuyến đang yêu cầu vũ khí và thiết bị cơ bản", đó là nhan đề bài báo trên tờ The Star của Canada ngày 4/6. Với việc cuộc xung đột đã kéo dài hơn 100 ngày, hiện nay, những người lính Ukraine và người tình nguyện (Nga gọi là "lính đánh thuê") ở mặt trận đang phải vật lộn với thực tế đen tối và chán chường: vất vả chống chọi trong điều kiện thiếu thốn vũ khí trang bị. Tờ The Star chỉ ra rằng số lượng lớn viện trợ quân sự mà các nước phương Tây tuyên bố dành cho Ukraine hoàn toàn trái ngược với thực tế ở mặt trận của Ukraine.
Theo giới truyền thông, vào ngày 15/6 tại Brussels, Ukraine sẽ yêu cầu phương Tây cung cấp danh sách vũ khí và thiết bị phòng thủ tại cuộc họp của nhóm liên lạc Ukraine và NATO.
Ông Skibitsky cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine trong tương lai gần chủ yếu vẫn sẽ là trận chiến pháo binh, và số lượng đạn tên lửa được Nga bắn sẽ vẫn nhiều như mức hiện tại.
Theo dữ liệu gần đây của quân đội Ukraine, trong hai tháng qua Nga đã phóng từ 10 đến 14 tên lửa mỗi ngày, mức độ ít hơn so với tháng đầu tiên xảy ra xung đột. Ông Skibitsky cho rằng, điều này cho thấy Nga ngày càng có ít tên lửa hơn; do các lệnh trừng phạt và các lý do khác, Nga không thể sản xuất tên lửa một cách nhanh chóng và khoảng 60% lượng đạn trong kho đã được họ sử dụng.
Về ba mặt trận của cuộc xung đột hiện nay, ông Skibitsky cũng tuyên bố rằng phần lớn quân đội Nga đang tập trung ở vùng Donbas và đang cố gắng chiếm lĩnh "biên giới hành chính" của hai "nước cộng hòa" Donetsk và Luhansk. Đó là khu vực hỏa lực pháo binh Nga dữ dội nhất.
Ông Skibitsky cho biết cuộc phản công của Ukraine hồi tháng 5 gần Kharkov ở đông bắc Ukraine, đã đẩy quân đội Nga ra khỏi một số thị trấn và làng mạc trong khu vực, kể từ đó người Nga tập trung vào việc phòng thủ. Ông cũng nói rằng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Kharkov thường xuyên bị pháo kích, nhưng mối đe dọa đối với thành phố lớn thứ hai của Ukraine hiện đã giảm bớt.
Về tình hình ở miền nam Ukraine, Skibitsky cho biết, các lực lượng Nga gần như đã chiếm đóng hoàn toàn hai khu vực Zaporozhye và Kherson, và đang xây dựng hai hoặc thậm chí ba tuyến phòng thủ.
"Hiện nay rất khó để lấy lại vùng lãnh thổ đó, đó chính là lý do tại sao chúng tôi cần có vũ khí". Đồng thời, Skibitsky không loại trừ khả năng Nga sẽ "ngưng chiến" trong một thời gian để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Song ông nói thêm: "Nhưng sau đó họ sẽ bắt đầu tấn công trở lại, chỉ cần nhìn vào 8 năm qua là đủ biết".