Astra Mk1 - Tên lửa siêu mạnh của Ấn Độ: Đối thủ sẽ khiến vũ khí Nga "ế hàng"?

Mạnh Kiên |

Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) Astra Mk1 "cây nhà lá vườn" của Ấn Độ được đánh giá là vượt trội so với tên lửa cùng loại của Nga.

Vì sao Ấn Độ chọn tên lửa "cây nhà lá vườn"

Tháng trước, Ấn Độ đã trao hợp đồng trị giá 424,4 triệu USD cho công ty nhà nước Bharat Dynamics Limited để cung cấp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) Astra Mk1 cho các lực lượng vũ trang.

Động thái này phù hợp với nỗ lực của Ấn Độ nhằm cải thiện khả năng tác chiến trên không, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và định vị như một nguồn thay thế các thiết bị mang tiêu chuẩn Nga.

Theo hợp đồng, Bharat Dynamics sẽ cung cấp 400 tên lửa Astra Mk1 và các thiết bị liên quan, tất cả sẽ được chuyển giao trong 4 năm. Tên lửa này sẽ được sử dụng trên chiến đấu cơ Su-30MKI và LCA-MK của Không quân Ấn Độ (IAF) và máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay MiG-29K của Hải quân Ấn Độ (IN).

Tên lửa sẽ được lắp ráp tại cơ sở sản xuất quy mô lớn của Bharat Dynamics tại Bhanur, được thành lập vào năm 2017 với chi phí 74,5 triệu USD.

Astra được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ vào đầu những năm 2000.

Theo DRDO, tên lửa có khả năng bay ban đêm, hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để tấn công và tiêu diệt các máy bay siêu thanh cơ động nhanh.

Nó được trang bị hệ thống dẫn đường đầu cuối chủ động bản địa và các biện pháp đối phó điện tử tiên tiến (ECCM) để giảm hiệu quả gây nhiễu của đối phương.

Tên lửa cũng có khả năng khóa trước khi phóng (LOBL) và khóa sau khi phóng (LOAL), cho phép máy bay tận dụng tầm bắn tối đa hơn 100 km.

Astra được Ấn Độ kỳ vọng có thể tăng cường khả năng tác chiến trên không của nước này trong trường hợp xung đột.

Trong cuộc đụng độ trên không vào năm 2019, Ấn Độ đã mất một máy bay chiến đấu MiG-21, trong khi những chiếc Su-30MKI hiện đại hơn của nước này buộc phải thực hiện các động tác phòng thủ để tránh bị tên lửa AIM-120 BVR do Mỹ sản xuất của Pakistan bắn ra từ máy bay F-16.

Sự thắng thế của Pakistan trong cuộc đụng độ trên không có thể xuất phát từ việc nước này đã quen với các máy bay Su-30MKI của Ấn Độ được trang bị tên lửa R-77 BVR của Nga cũng như bản thân Pakistan sở hữu tên lửa AIM-120 BVR vượt trội của Mỹ.

Các cuộc tập trận không quân "Shaheen" giữa Pakistan và Trung Quốc cũng được cho là có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Pakistan làm quen với các khả năng của IAF.

Astra Mk1 - Tên lửa siêu mạnh của Ấn Độ: Đối thủ sẽ khiến vũ khí Nga ế hàng? - Ảnh 1.

Giành lại cửa trên

Trong các cuộc tập trận này, Trung Quốc đã sử dụng máy bay chiến đấu J-11, vốn là bản sao của Su-30 và cũng được trang bị tên lửa R-77 BVR tương tự mà Ấn Độ cũng sử dụng.

Pakistan có kho dự trữ 500 tên lửa AIM-120 BVR cho phi đội F-16, giúp nước này có lợi thế hơn so với Ấn Độ.

Đây được coi là một trong những vũ khí tiên tiến nhất trên thế giới, với tầm bắn 100 km, trái ngược với các phiên bản R-77 BVR của Ấn Độ có tầm bắn ngắn hơn, 80 km.

Những hiểu biết sâu sắc của Pakistan về khả năng của Ấn Độ, cũng như công nghệ vượt trội có thể đã mang lại lợi thế cho nước này trong cuộc đụng độ quyết định trên không.

Do đó, Ấn Độ có thể đang cố gắng giành lại vị thế dẫn đầu bằng cách trang bị tên lửa Astra có khả năng thay thế những chiếc R-77 lỗi thời do Nga sản xuất.

Tên lửa Astra cũng là biểu tượng cho sự thúc đẩy của Ấn Độ trong việc tập trung hóa ngành công nghiệp quốc phòng của mình . Phiên bản Astra đời đầu được trang bị đầu dò radar chủ động Agat 9B-1103M của Nga và ngòi nổ cận đích dùng tín hiệu vô tuyến để xác định khoảng cách.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với Nga - nhà cung cấp quân sự truyền thống của Ấn Độ - đồng nghĩa với việc các bộ phận nhạy cảm như đầu dò tên lửa có thể khó mua hơn trong những năm tới.

Ấn Độ tuyên bố Astra vượt trội về mặt kinh tế và công nghệ so với nhiều hệ thống tên lửa nhập khẩu hiện đang được Ấn Độ sử dụng như tên lửa R-77 của Nga, Derby của Israel và tên lửa Meteor BVR của Pháp.

Ấn Độ cũng có thể chọn xuất khẩu Astra Mk1, giành lấy thị trường ngách thay thế thiết bị tiêu chuẩn của Liên Xô và Nga trong bối cảnh hiện tại.

Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga cũng có thể gây khó khăn cho các quốc gia khách hàng của nước này trong việc đặt hàng vũ khí mới. Các quốc gia như Indonesia, Malaysia có thể chọn mua Astra, khi tên lửa này tương thích với máy bay chiến đấu Su-30 sẵn có và có khả năng hoạt động tốt hơn tên lửa R-77 cũ của Nga trong kho.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại