Trung Quốc "chắp cánh" cho hệ thống phòng không bằng AI: Vũ khí siêu vượt âm sắp hết thời?

Mạnh Kiên |

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán đường bay của tên lửa siêu vượt âm một cách hiệu quả.

AI trong phòng thủ tên lửa

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán đường bay của tên lửa siêu vượt âm, cho phép hệ thống phòng không hiện có của nước này đánh chặn các mối đe dọa tiềm tàng.

Một vũ khí lướt siêu vượt âm có thể đi vào và ra khỏi bầu khí quyển giống như viên đá trượt trên mặt nước và thực hiện các động tác né tránh ngẫu nhiên khi đang bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, biến chúng trở thành những vũ khí gần như không thể bị đánh chặn khi đương đầu với các công nghệ phòng không hiện tại.

Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi nếu tuyên bố về AI của Trung Quốc là chính xác.

Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 4 trên Tạp chí Du hành vũ trụ của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu từ Học viện Cảnh báo Sớm Không quân ở Vũ Hán cho biết họ đã tạo ra một AI có thể tính toán tiến trình tiềm năng của một vũ khí siêu vượt âm trong giai đoạn cuối, bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ các giai đoạn đầu.

Điều này bắt nguồn bởi thực tế là bất kỳ tên lửa nào, dù nhanh hay hiện đại, đều bị giới hạn bởi các quy luật vật lý cố định, do đó mọi chuyển động của vũ khí tốc độ cao đều có thể bị phân tích để có được manh mối về thiết kế, khả năng và sứ mệnh của nó.

AI mới của Trung Quốc được cho là tinh vi hơn bất kỳ hệ thống dự đoán quỹ đạo siêu vượt âm nào trước đây và có thể tạo ra kết quả trong vòng 15 giây trên máy tính xách tay. Các thử nghiệm mô phỏng cho thấy nó vẫn có hiệu quả chống lại vũ khí siêu vượt âm bay với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh.

Các nhà nghiên cứu tuyên bố một hệ thống phòng không được hỗ trợ bởi AI có thể ước tính quỹ đạo tiêu diệt của một vũ khí siêu vượt âm đang tới và bắt đầu phản ứng trong thời gian ba phút.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng dữ liệu thô do hệ thống cảnh báo sớm tên lửa thu thập nhiều đến mức có thể gây nhầm lẫn cho AI và gây nhiễu các máy tính đang chạy ứng dụng.

Để giải quyết những vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một thuật toán học sâu độc đáo giúp tự động loại nhiễu và bắt chước não người bằng cách chỉ tập trung vào dữ liệu mới nhất, quan trọng nhất.

Trung Quốc chắp cánh cho hệ thống phòng không bằng AI: Vũ khí siêu vượt âm sắp hết thời? - Ảnh 1.

Tính vượt trội của AI

Chắc chắn, Trung Quốc không đơn độc trong việc khám phá vai trò của AI trong phòng thủ tên lửa. Mỹ cũng đang nghiên cứu các ứng dụng AI chống lại các mối đe dọa tên lửa như tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác, tên lửa hành trình bay thấp cũng như vũ khí siêu vượt âm.

Phó Đô đốc Jon Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, nhấn mạnh rằng tốc độ của các phương thức chiến tranh đương đại và phòng thủ tên lửa nằm ngoài khả năng hiểu và phân tích của trí óc con người, khiến AI là giải pháp khả thi duy nhất để đẩy nhanh thời gian phản ứng và giảm xác suất sai sót.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa có người vận hành thông thường như Aegis của Mỹ có hệ thống phản ứng tự động có thể kích hoạt trong trường hợp chúng bị áp đảo bởi một cuộc tấn công tên lửa.

Người vận hành lập trình trước các tham số về mối đe dọa vào hệ thống như góc nghiêng, độ cao hoặc tốc độ tiếp xúc. Khi hệ thống phát hiện một liên hệ phù hợp với các tham số này, nó sẽ tự động theo sát mục tiêu.

Tuy nhiên, việc sử dụng các hệ thống phòng thủ bán tự động được lập trình sẵn để chống lại các mối đe dọa không thể đoán trước như vũ khí siêu vượt âm là không đủ và cần vận hành trong vòng lặp hệ thống, bao gồm cả con người, AI hoặc người máy.

AI mang lại một số lợi thế hơn so với người vận hành. Về cơ bản, AI có thể theo dõi 24 giờ một ngày mà không cần nghỉ ngơi hay cung cấp dinh dưỡng.

AI cũng giữ được tính hiệu quả trong thời gian dài và thậm chí còn trở nên hiệu quả hơn khi có nhiều dữ liệu đầu vào, trái ngược với những người vận hành là con người, khi cần thực hành liên tục để đạt hiệu quả và các kỹ năng của họ bị mai một dần khi không sử dụng.

AI cũng làm giảm yếu tố lỗi mang tính người, khi sợ hãi, mệt mỏi và lo lắng thường có thể khiến người vận hành đưa ra các quyết định sai lầm hay gây ra những hậu quả tai hại.

AI cũng có thời gian phản ứng nhanh hơn bất kỳ nhóm vận hành nào của con người và có thể đưa ra phản hồi tức thời.

Các hệ thống phòng thủ tên lửa được hỗ trợ bởi AI cũng có thể được kết nối với nhau để duy trì sự sẵn sàng cao và bảo vệ các khu vực quan trọng trong một kịch bản xung đột tiềm tàng, điều được coi là cần thiết vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại